Chuỗi giá trị Vingroup thêm mảng dược phẩm
Việc nhận chuyên giao độc quyền sản xuất vaccine mRNA phòng ngừa COVID-19 là bước đệm để Công ty CP Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) lấn sân sâu hơn vào lĩnh vực y tế, dược phẩm.
Thời gian qua, VIC đã thu hẹp một số mảng hoạt động để tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi bao gồm công nghệ- công nghiệp- thương mại dịch vụ.
Doanh thu gần 3 tỷ USD
Tập đoàn Vingroup vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt 61.770 tỷ đồng, tăng 59% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.433 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2020.
Trong cơ cấu doanh thu của Vingroup, mảng chuyển nhượng bất động sản mang về 37.536 tỷ đồng, chiếm 61% tổng doanh thu; kinh doanh cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan đạt 3.700 tỷ đồng, chiếm 6% tổng doanh thu; Kinh doanh dịch vụ khách sạn du lịch – mảng bị ảnh hưởng nhiều nhất vì Covid-19, cũng cán mốc 2.131 tỷ đồng. Dù dịch bệnh hoành hành, song hoạt động giáo dục (Vinschool) thu về 1.270 tỷ đồng, chiếm 2% tổng doanh thu. Hoạt động sản xuất (Vinfast, Vinsmart) đạt doanh thu 9.814 tỷ đồng, chiếm 15% tổng doanh thu, đứng top 2 trong các ngành mang lại doanh thu về cho Tập đoàn này.
61.770 tỷ đồng là doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup 6 tháng đầu 2021, tăng 59% so cùng kỳ.
Bổ sung hệ sinh thái Y- dược
Y tế, dược phẩm là lĩnh vực hoạt động được Vingroup xác định đầu tư dài hơi, dù mảng y tế hiện đang được tập đoàn này bù lỗ. Để hoàn thiện mảng ghép y tế, dược phẩm, mới đây, Vingroup đã ký kết với Công ty CP Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine COVID-19. Để tham gia vào lĩnh vực này, Vingroup đã thành lập Công ty CP Công nghệ sinh học (VinBiocare) chuyên sản xuất thuốc, hóa và dược liệu. Theo đó, Arcturus sẽ chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: Bí quyết công nghệ; đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu.
Hiện doanh thu mảng hoạt động y tế (Vinmec và các dịch vụ liên quan) đã đạt 1.366 tỷ đồng. Với việc sản xuất vaccine và các loại thuốc khác, doanh thu y tế và dược phẩm của Vingroup được dự báo sẽ vượt tỷ USD trong tương lai.
“Đòn bẩy” dài hạn
Theo lộ trình, tháng 8/2021, VinBioCare sẽ đưa vaccine vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam trên quy mô 20.000 người. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022.
Giá vaccine do VinBioCare sản xuất dự kiến sẽ rẻ hơn so với sản phẩm cùng phân khúc đang được chào bán trên thị trường. Đặc biệt, Vingroup cam kết sẽ cung cấp vaccine COVID-19 với giá chỉ có chi phí, không tính lợi nhuận trong suốt thời gian chống dịch…
Một chuyên gia cho rằng, bước đi nói trên của Vingroup rất hợp lý và có tầm nhìn dài hạn. Bởi tham gia sản xuất vaccine COVID-19 lúc này sẽ giúp thể hiện trách nhiệm lớn của tập đoàn với cộng đồng, qua đó uy tín của tập đoàn này sẽ ngày càng được nâng cao. Một khi uy tín của Vingroup trong lĩnh vực y tế, dược phẩm được nâng cao, thì tập đoàn này sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy mạnh mảng hoạt động này trong dài hạn, nhất là khi thị trường dược phẩm Việt Nam ước tính sẽ đạt giá trị 11,5 tỷ USD vào năm 2029.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Y tế: Tiêm vaccine nhanh nhưng phải an toàn!
08:44, 12/08/2021
Đề xuất nhập, tiêm vaccine dịch vụ: Loại hình dịch vụ nào phù hợp?
00:37, 11/08/2021
Đà Nẵng triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho toàn dân
09:36, 10/08/2021
Đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động
05:30, 08/08/2021
WHO: Hãy tiêm vaccine có sẵn khi đến lượt bạn!
11:50, 07/08/2021
Người chưa tiêm vaccine có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 "cao gấp đôi"
11:34, 07/08/2021