Đề xuất nhập, tiêm vaccine dịch vụ: Loại hình dịch vụ nào phù hợp?

ĐỖ HUYỀN 11/08/2021 00:37

Trước việc một số hiệp hội đề xuất nhập, tiêm vaccine dịch vụ các chuyên gia cho rằng cần làm rõ xem loại hình dịch vụ nào sẽ phù hợp với hình thức tiêm dịch vụ.

Vừa qua, 4 hiệp hội gồm: Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) có văn bản kiến nghị “Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine khẩn trương và hợp pháp để tiêm miễn phí cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp được tham gia toàn diện vào chiến dịch tiêm vaccine

Theo văn bản của 4 hiệp hội, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại và trở nên nghiêm trọng tại các nhà máy, khu công nghiệp, đặc biệt tại khu vực phía Nam, 4 hiệp hội kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất lượng vaccine dịch vụ  để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp của 4 ngành hàng xuất khẩu để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ hỗ trợ các hiệp hội được mua vaccine từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động. Đáng chú ý, các Hiệp hội cho biết đã chủ động tìm nguồn cung vắc-xin Covid-19 từ 1 tập đoàn tại Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất Quốc gia (UAE) và kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm với đối tác hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động. Mọi chi phí để triển khai các hoạt động trên sẽ do các doanh nghiệp của các hiệp hội ngành hàng trực tiếp chịu trách nhiệm.

Về những kiến nghị này của doanh nghiệp, dưới góc nhìn pháp lý, LS Trương Thanh Đức, Trọng tài Viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, trong dịch vụ cần làm rõ 3 loại hình dịch vụ:

Thứ nhất là kiến nghị tổ chức dịch vụ thu tiền thuốc + tiền dịch vụ.

Thứ hai, dịch vụ thu tiền dịch vụ.

Thứ ba, thu tiền dịch vụ tiêm.

Hiện nay doanh nghiệp mới đề xuất được chủ động tham gia toàn diện vào chiến dịch tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19, cũng chưa nói rõ là sẽ tổ chức theo loại hình dịch vụ nào. Nếu doanh nghiệp muốn tham gia vào dịch vụ tiêm miễn phí thì cần mở rộng, khuyến khích, động viên, để tất cả các đơn vị có khả năng tổ chức tiêm được cùng tham gia vào chiến dịch tiêm chủng toàn quốc lần này.

Ngược lại, nếu là doanh nghiệp muốn nhập vaccine, tự tổ chức tiêm dịch vụ và doanh nghiệp thu tiền thì cần phải làm rõ là doanh nghiệp được thu những loại tiền gì? Thu bao nhiêu?

Với trường hợp nguồn vaccine của nhà nước cung cấp, doanh nghiệp, bệnh viện chỉ đứng ra tổ chức tiêm thì lại phải xem doanh nghiệp chỉ thu tiền tổ chức tiêm hay được thu cả tiền thuốc? Phần hoàn trả ngân sách như thế nào? Phải rất công khai, rõ ràng”, ông Đức nhấn mạnh.

“Một người tiêm, cả xã hội được lợi”

Bình luận chung về quá trình xã hội hoá vaccine, Luật sư Đức cho rằng việc triển khai để khối y tế tư nhân tham gia cùng nhà nước ở thời điểm này là hơi chậm, làm ảnh hưởng tới năng lực tổ chức tiêm vaccine trên toàn quốc.

Nhất là trong bối cảnh có rất nhiều nguồn vaccine với số lượng lớn được đặt mua và được hỗ trợ đã chuyển về Việt Nam, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm cho người dân rất quan trọng.

"Câu chuyện lúc này không còn là “sớm muộn cũng phải tiêm xong nữa” mà phải là “tiêm sớm ngày nào tránh được hậu họa ngày đó”. Hơn nữa, một người tiêm cả xã hội được hưởng lợi, do đó, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải khẩn trương tổ chức tiêm diện rộng, tránh tình trạng để vaccine hết hạn trong khi nhiều người dân không được tiêm.

Do đó, việc khuyến khích khối y tế tư nhân tham gia là rất cần thiết, thậm chí khi cấp bách có thể yêu cầu, buộc các bệnh viện tư nhân đủ điều kiện phải tham gia vì nhiệm vụ quốc gia", ông Đức nói.

Về đề xuất cho doanh nghiệp nhập và tổ chức tiêm vaccine dịch vụ, ông Đức cũng cho rằng nên xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp. Kể cả trường hợp, doanh nghiệp không tìm được nguồn, nhà nước nhập vaccine rồi phân bổ lại cho doanh nghiệp cũng có thể được tính tới.

Theo ông Đức, thời điểm đầu nguồn vaccine còn hạn chế, cần được phân bổ cho các nhóm đối tượng ưu tiên, nếu mở dịch vụ tiêm thu tiền là không phù hợp. Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm được nguồn cung vaccine, hơn nữa nhu cầu tiêm dịch vụ của người dân rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn, để doanh nghiệp nhập vaccine, tổ chức tiêm thu tiền cũng là một giải pháp giúp giảm tải cho nhà nước, đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân cũng đồng thời có thể đẩy nhanh được tiến độ tiêm chủng trên cả nước.

Về tiến trình xã hội hoá vaccine, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng chúng ta chỉ nên xã hội hoá vaccine trong một khoảng thời gian nhất định, cho đến khi lượng vaccine COVID-19 tương đối đủ để tạo nên miễn dịch cộng đồng.

Chủ trương chống dịch đang phát huy rất tốt, vaccine chưa phải tất cả nhưng đây là lựa chọn tốt nhất trong giai đoạn hiện nay. Tại nhiều cuộc làm việc, nhấn mạnh mục tiêu tạo sự chủ động phát triển vaccine trong nước, Thủ tướng đã khẳng định: cần có các giải pháp cho 3 vấn đề là huy động nguồn lực xã hội, tháo gỡ các vướng mắc về mặt thể chế, các quy định pháp luật, và huy động nguồn lực con người”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nghiên cứu cấp phép vaccine Nanocovax

    19:34, 10/08/2021

  • Ấn Độ hợp tác với Nanogen thử nghiệm, sản xuất vaccine Nanocovax

    18:12, 10/08/2021

  • Lừa đảo đầu tư vaccine nhận lãi “khủng”

    15:56, 10/08/2021

  • Đà Nẵng triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho toàn dân

    09:36, 10/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất nhập, tiêm vaccine dịch vụ: Loại hình dịch vụ nào phù hợp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO