MSN: Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ tăng 753,5% trong quý 1/2022

L.MỸ 29/04/2022 12:29

3 tháng đầu 2022, mặc dù doanh thu thuần hợp nhất của MSN giảm nhẹ, song lợi nhuận sau thuế hợp nhất cho cổ đông công ty mẹ tăng trưởng mạnh mẽ. The CrownX tiếp tục là động lực tăng trưởng cho Masan.

>> Masan hoạch định tương lai cùng hệ sinh thái mới ra sao?

Theo bản phân tích chi tiết kết quả kinh doanh chưa kiểm toán Quý 1/2022 (“1Q2022”) của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, HoSE: MSN), trong 1Q2022, The CrownX (“TCX”), nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp WinCommerce (“WCM”) và Masan Consumer Holdings (“MCH”), đạt doanh thu thuần 13.450 tỷ đồng, tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ vào nỗ lực tăng trưởng doanh thu của MCH và việc gia tăng số lượng cửa hàng tại WCM.

Hệ sinh thái Tiêu dùng - Công nghệ Masan 4.0 ghi nhận nhiều chuyển động tích cực với các tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận theo năm

Hệ sinh thái Tiêu dùng - Công nghệ Masan 4.0 ghi nhận nhiều chuyển động tích cực với các tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận theo năm

Wincommerce (WCM) ghi nhận kết quả mở mới 109 điểm bán cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ của hệ thống bán lẻ này. WCM là chuỗi bán lẻ quy mô lớn duy nhất có số lượng cửa hàng gia tăng đáng kể trong 4 tháng đầu năm 2022 (“YTD”). Kết quả, doanh thu WCM tăng 0,8% so với cùng kỳ và tăng 5,7% so với Quý 4/2021. Với kế hoạch mở mới 300 cửa hàng trong Quý 2/ 2022 và kỳ vọng phát triển doanh thu tại các điểm bán hiện hữu, WCM dự kiến doanh thu trong Quý 2/2022 sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021 và dự kiến đà tăng trưởng cao về cuối năm 2022.

Masan Consumer (MCH) có doanh thu thuần đạt 6.448 tỷ đồng, tăng trưởng 17,4% so với cùng kỳ với hầu hết các ngành hàng đều đạt tăng trưởng hai chữ số. MCH dự kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu trong Quý 2/2022 đạt 30% nhờ vào việc cho mắt các sản phẩm mới cũng như gia tăng quy mô doanh thu của các sản phẩm hiện hữu.

Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (“EBITDA”) của TCX trong Quý 1/2022 đạt 1.643 tỷ đồng, tăng trưởng 35,1% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận

Lợi nhuận quý I/2022 của Masan tăng trưởng 8 lần so với cùng kỳ năm trước

EBITDA của WCM đạt 164 tỷ đồng trong Quý 1/2022, tương đương biên EBITDA 2,2%, tăng 40 điểm cơ bản so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận cải thiện trong giai đoạn hàng trăm cửa hàng vừa mới khai trương đã cho thấy năng lực vận hành vượt trội của WCM để đạt mục tiêu kép cả về mở rộng quy mô và tăng trưởng lợi nhuận.

Còn MCH gia tăng biên lợi nhuận gộp và biên EBITDA lần lượt ở mức 40,7% và 22,7% trong Quý 1/2022, tăng trưởng 100 điểm cơ bản và 80 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ vậy, EBITDA của MCH đạt 1.466 tỷ đồng, tăng trưởng 28,4% so với cùng kỳ năm 2021. Dù giá nguyên vật liệu cao dự kiến gây áp lực nhẹ lên biên lợi nhuận trong Quý 2/2022, Ban điều hành giữ vững mục tiêu biên EBITDA của MCH đạt trên 20% cho cả năm 2022 nhờ vào các sáng kiến gia tăng năng suất và tiết giảm chi phí (tối ưu các chương trình tiếp thị và khuyến mãi) cũng như việc tối ưu chiến lược định giá sản phẩm.

Với Masan MEATLife’s (“MML”), do tác động của việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu của MML giảm 80,2% so với cùng kỳ, đạt 931 tỷ đồng trong Quý 1/2022, chỉ bao gồm doanh thu từ mảng kinh doanh thịt. Hiện tại, Trên cơ sở so sánh tương đương (“like-for-like” hoặc “LFL”), loại trừ doanh thu đến từ mảng thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần của MML chỉ giảm nhẹ 5,4% do giá bán thịt heo giảm trong khi khối lượng bán ra tăng cao. Bất chấp giá nguyên hàng hóa tăng, biên EBITDA thịt heo có thương hiệu (“MEATDeli”) và thịt gà (“3F VIET”) lần lượt tăng1.540 điểm cơ bản và 670 điểm cơ bản trong Quý 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Công ty dự kiến xu hướng tăng giá thịt trên toàn thị trường sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận, cùng lúc đó việc mở rộng các dòng sản phẩm và gia tăng điểm bán (trong hệ thống WCM và các kênh bán hàng khác) sẽ đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu từ Quý 2/2022 trở đi.

Masan cũng ghi nhận kết quả từ Masan High-Tech Materials (“MHT”): Với giá hàng hóa tăng mạnh và nhu cầu toàn cầu ở mức cao, MHT đạt doanh thu thuần 3.930 tỷ đồng trong Quý 1/2022, tăng trưởng 32,6%, EBITDA đạt 878 tỷ đồng, tăng trưởng 83,7% và lợi nhuận sau thuế 126 tỷ đồng. Giá hàng hóa sẽ tiếp tục là động lực giúp tăng trưởng doanh thu trong Quý 2/2022 đạt mức trên 30% so với cùng kỳ. Ban quản trị đang nghiên cứu các phương án giúp MHT tiếp tục nâng cao hàm lượng công nghệ của thành phẩm, giúp cải thiện biên lợi nhuận và nâng cao giá trị gia tăng.

MHT vừa mới tổ chức ĐHĐCĐ 2022 mới đây, thông qua kế hoạch phát hành cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành là 20.000 đồng/cổ phiếu, thời gian thực hiện dự kiến trong quý II. Công ty cũng đặt kỳ vọng doanh thu năm 2022 đạt khoảng 14.500-15.000 tỷ đồng và lợi nhuận thuần trước phân bổ cho cổ đông đạt khoảng 300-500 tỷ đồng

Techcombank (“TCB”), công ty liên kết của Masan đạt mức lợi nhuận trước thuế 6,8 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 23% YoY. 

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: “Triết lý “Đặt người tiêu dùng làm trọng tâm” đã dẫn dắt Masan chuyển đổi vượt bậc thành nền tảng Tiêu dùng – Công nghệ như ngày hôm nay

Trong kỳ ĐHĐCĐ Masan 2022 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT cho biết tuy Masan nắm tỷ lệ cổ phần kiểm soát kinh tế tại Techcombank không quá lớn (theo quy định về cổ đông chiến lược của NHNN), nhưng trong hệ sinh thái Tiêu dùng - Công nghệ Masan 4.0, Techcombank sẽ đóng mắt xích quan trọng. Masan đặt tham vọng thay đổi phong cách sống và thay đổi hướng tiếp cận, hợp tác chiến lược với các đối tác, nhà bán lẻ, chuỗi cung ứng, đáp ứng, hướng đến đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm và trải nghiệm tiêu dùng của người tiêu dùng theo chiến lược ""Point of Life"". Song song, Masan cũng sẽ áp dụng AI / ML để tiếp cận những tệp khách hàng mới, phát hành 1 triệu thẻ tín dụng và phổ biến dịch vụ tài chính đến những người chưa có tài khoản ngân hàng. Sau khi sở hữu nền tảng B2C quy mô lớn, Công ty sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp (B2B).

>> Masan Group – Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam

Trên kết quả các công ty, hợp nhất tài chính MSN quý 1/022 ghi nhận trong 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 18.189 tỷ đồng, giảm nhẹ 8,9% so với mức 19.977 tỷ đồng của Quý 1/2021 do tác động của việc chuyển nhượng mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Ngoại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi dựa trên cơ sở LFL, doanh thu thuần tăng trưởng 11,9% so với cùng kỳ nhờ vào tốc độ tăng trưởng hai chữ số tại MCH và MHT cũng như doanh thu tăng nhẹ tại WCM.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Triết lý “Đặt người tiêu dùng làm trọng tâm” đã dẫn dắt Masan chuyển đổi vượt bậc thành nền tảng Tiêu dùng – Công nghệ như ngày hôm nay. “Niềm tin về Người tiêu dùng” sẽ không bao giờ thay đổi và luôn là kim chỉ nam để Masan sáng tạo và tiên phong các xu hướng tiêu dùng mới. Trong đó, “Trí tuệ Nhân tạo” là động lực thúc đẩy chuyển đổi, giúp Masan tạo ra các sản phẩm và dịch vụ độc đáo phục vụ cho từng cá nhân với chi phí tối ưu nhất. Ngày hôm nay, chúng tôi đã có trong tay một nền tảng ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (“AI”) và Máy học (“ML”) hàng đầu, có thể mang lại những giá trị to lớn cho đời sống tiêu dùng mỗi và mọi ngày. Chúng tôi tin rằng công nghệ AI và ML chính là con đường duy nhất để đáp ứng những nhu cầu của người tiêu dùng một cách chính xác qua cả nền tảng offline cũng như online.”

EBITDA trong Quý 1/2022 tăng trưởng 16,3%, đạt 3.655 tỷ đồng nhờ việc biên EBITDA tăng từ 15,7% trong Quý 1/2021 lên 20,1% trong Quý 1/2022. Biên EBITDA tăng tốt nhờ việc cải thiện lợi nhuận tại TCX. Trên cơ sở LFL, EBITDA hợp nhất tăng 28,9% trong Quý 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021

LNST (trước lợi ích cho cổ đông không kiểm soát) tăng trưởng 452,5%, đạt 1.895 tỷ đồng trong Quý 1/2022. LNST cho cổ đông công ty mẹ tăng 753,5% trong Quý 1/2022, đạt 1.596 tỷ đồng so với 187 tỷ đồng trong Quý 1/2021.

Bảng cân đối kế toán thể hiện tỉ lệ Nợ ròng / EBITDA (trong 12 tháng qua) đạt 2,7 lần vào cuối Quý 1/2022, tăng nhẹ so với 2,2 lần tại cuối năm 2021, chủ yếu do lượng tiền mặt. Tiền và tương đương tiền đạt 12.936 tỷ đồng vào cuối Quý 1/2022, thấp hơn so với cuối năm 2021 do việc gia tăng cổ phần tại The CrownX và Phúc Long cũng như các chi phí cho tài sản cố định (“Capex”).

Cuối Quý 1/2022, tổng nợ hợp nhất của Masan đạt 58.436 tỷ đồng, tăng 258 tỷ đồng so với cuối năm 2021.

Nợ ròng vào thời điểm cuối Quý 1/2022 đạt 45.500 tỷ đồng tăng so với mức 35.540 tỷ đồng vào cuối năm 2021, do lượng tiền mặt giảm

Capex tăng từ 675 tỷ đồng của Quý 1/2021 lên 843 tỷ đồng trong Quý 1/2022.

Theo dự báo sơ bộ, có thể thay đổi theo quyết định phê duyệt của Tập đoàn, trong năm tài chính 2022 doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group ước tính sẽ từ 90 nghìn tỷ đồng – 100 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với mức 74,2 nghìn tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021. Trong năm tài chính 2021, doanh thu từ các mảng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi và MHT) đóng góp 68% vào tổng doanh thu và dự kiến sẽ tăng lên 85% trong năm tài chính 2022. Lợi nhuận sau thuế ước tính sẽ trong khoảng 6,9 nghìn – 8,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 82% – 124% so với mức 3,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 (sau khi loại trừ khoản thu nhập một lần từ việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi).

Trong đó The CrownX: dự kiến, doanh thu thuần trong năm 2022 đạt trong khoảng 68 nghìn tỷ đồng – 76 nghìn tỷ đồng, tăng từ 17% đến 31% so với năm 2021.

Doanh thu thuần của WCM dự kiến trong khoảng từ 38 nghìn tỷ đồng – 40 nghìn tỷ đồng, tăng 23% đến 29% so với năm 2021, nhờ vào tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng hiện có và việc mở thêm các điểm bán mới. Việc nhân rộng số lượng cửa hàng áp dụng cách bài trí mới, tập trung vào sản phẩm tươi sống, nhãn hàng riêng và tăng tốc mô hình mini mall sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Tập đoàn đặt mục tiêu gia tăng biên lợi nhuận thông qua tăng cường đàm phán với nhà cùng cấp, cắt giảm chi phí hậu cần và cải thiện khả năng phân phối.

MCH: Doanh thu thuần dự kiến đạt mức 34 nghìn tỷ đồng – 40 nghìn tỷ đồng, tăng 18 – 39% so với năm 2021. Động lực tăng trưởng đến từ chiến lược cao cấp hóa, tăng trưởng ở các ngành hàng cốt lõi và phát kiến mới, cùng với việc gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng thông qua chuỗi WCM và các nhà bán lẻ thương mại hiện đại khác.

MML: Doanh thu thuần dự kiến trong khoảng 5 nghìn – 6,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11 – 45% so với mức 4,5 nghìn tỷ đồng cùng kỳ (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi) nhờ mở rộng danh mục thịt heo và thịt gà có thương hiệu, gia tăng khả năng phân phối thông qua WCM. Lợi nhuận được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn nữa nhờ công suất sử dụng cao hơn và tăng trưởng doanh số từ thịt chế biến.

MHT: Doanh thu thuần dự kiến đạt từ 14,5 nghìn – 15 nghìn tỷ đồng, tăng 7 – 11% dựa trên các điều kiện thuận lợi của thị trường vonfram nói riêng và nhu cầu gia tăng của thị trường hàng hóa toàn cầu nói chung trong năm 2022.

TCB: Masan tin rằng ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định và tích hợp giả định này trong dự phóng tài chính của năm 2022.

Các mảng kinh doanh mới:

Phúc Long: Dự kiến, trong năm tài chính 2022, doanh thu Phúc Long sẽ đạt từ 2,5 nghìn đến 3 nghìn tỷ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong WCM cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê.

Mobicast/Reddi: Trong năm 2022, Reddi đặt mục tiêu sẽ thu hút 500.000 – 1.000.000 thuê bao.

Có thể bạn quan tâm

  • Masan chi 65 triệu USD mua cổ phần của Trusting Social, thực hiện cách mạng công nghệ

    Masan chi 65 triệu USD mua cổ phần của Trusting Social, thực hiện cách mạng công nghệ

    15:46, 28/04/2022

  • Masan liên tục dẫn đầu về giá trị vốn hóa trên TTCKVN mảng tiêu dùng, nhờ đâu?

    Masan liên tục dẫn đầu về giá trị vốn hóa trên TTCKVN mảng tiêu dùng, nhờ đâu?

    11:55, 15/02/2022

  • Masan bỏ 110 triệu USD cho 31% cổ phần Phúc Long: Trả giá có quá đắt?

    Masan bỏ 110 triệu USD cho 31% cổ phần Phúc Long: Trả giá có quá đắt?

    16:00, 12/02/2022

  • Tân Giám đốc Tài chính Tập đoàn Masan là ai?

    Tân Giám đốc Tài chính Tập đoàn Masan là ai?

    11:20, 20/12/2021

  • Masan Group tiếp tục ghi danh trong Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất

    Masan Group tiếp tục ghi danh trong Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất

    13:18, 10/12/2021

L.MỸ