VCBS: VND sẽ giảm giá không quá 3% so với USD
Trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương VN cho rằng VND có thể giảm giá tương đối so với USD, mức biến động không quá 3% cho cả năm 2022…
Theo đó, doanh nghiệp cần phải có biện pháp phòng vệ để đối phó trước biến động của tỷ giá.
Doanh nghiệp “ngấm đòn” vì chênh lệch tỷ giá
Tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng trong ngày 30/7 ở mức 23.176 đồng, đi ngang so với mức công bố trước. Với biên độ +/-3% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.481 VND/USD, tỷ giá trần 23.871 VND/USD.
Tỷ giá USD trong ngân hàng thương mại hôm nay giảm mạnh so với phiên trước. Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.170 - 23.480 đồng/USD, giảm mạnh 30 đồng/USD cả chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước; Ngân hàng BIDV niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.210 - 23.490 đồng/USD, giảm mạnh 20 đồng/USD cả chiều mua và chiều bán so với mức niêm yết trước; Techcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.194 - 23.485 đồng/USD, giảm 25 đồng/USD chiều mua và giảm 20 đồng/USD chiều bán so với mức niêm yết trước. Trong tháng 6/2022 tỷ giá có thời điểm NHNN điều chỉnh bán kỳ hạn từ 23.110 lên 23.450 đồng.
Tháng 5, NHNN điều chỉnh tỷ giá bán kỳ hạn từ 23.050 lên 23.250 VND và không cho phép hủy ngang. Sau đó, NHNN tiếp tục thông báo bán ngoại tệ giao ngay tại tỷ giá 23.400 VND vào các ngày trong tuần. Có thể nói, đây là bước can thiệp mạnh mẽ của NHNN đối với tỷ giá xét trên cả phương diện giá bán và hình thức mua ngoại tệ. Theo đó, tính theo giá giao ngay tỷ giá đã được điều chỉnh tăng khoảng 190 VND.
Theo các chuyên gia, với động thái này, NHNN đang cho thấy những điều chỉnh kịp thời nhanh chóng nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường ngoại hối. Đồng thời, xét từ phía góc độ thanh khoản thị trường, việc hút thanh khoản từ các công cụ tín phiếu hay bán ngoại tệ cũng được kỳ vọng góp phần giảm áp lực lạm phát vốn đang có những tín hiệu tăng nhiều hơn trong các tháng gần đây.
Do vậy, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương - VCBS duy trì quan điểm VND có xu hướng mất giá so với đồng USD năm 2022 bởi các nguyên nhân sau: Xu hướng trung hoà chính sách tiền tệ nới lỏng các NHTW lớn tiếp diễn, đi đầu là các động thái mang tính diều hâu hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong giai đoạn tới. VCBS đánh giá cao khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát. Do đó, VCBS duy trì dự báo năm 2022, USD sẽ lên giá so với các ngoại tệ mạnh khác.
Hiện nay, nguồn cung ngoại tệ không thực sự thuận lợi do căng thẳng địa chính trị làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư. Bên cạnh đó, giá nguyên nhiên, vật liệu tăng bào mòn thặng dư thương mại đặc biệt tại khối doanh nghiệp trong nước. Diễn biến này khiến cho quá trình tăng nguồn lực dự trữ ngoại hối của NHNN gặp khó khăn so với các năm trước.
Mặc dù vậy, các yếu tố bất lợi vẫn diễn ra trên thế giới, và các nhà đầu tư sẽ dần làm quen với thực tế này, do vậy luôn tồn tại và phải thích ứng. Do đó, dòng tiền vẫn sẽ tìm đến quốc gia đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cùng tăng trưởng khả quan như Việt Nam. Do vậy, VND có thể giảm giá tương đối so với USD, mức biến động không quá 3% cho cả năm 2022.
Có thể nói, do tác động từ việc FED liên tiếp tăng lãi suất điều hành 3 lần chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, mức tăng lãi suất ngày 15/6 (0,75 điểm %) lớn nhất trong vòng 28 năm qua và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới, đồng USD quốc tế tăng giá mạnh (chỉ số DXY tăng khoảng 10% từ đầu năm 2022), khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh. Đối với các doanh nghiệp có các khoản vay bằng ngoại tệ và các hoạt động nhập khẩu, diễn biến bất thường của đồng USD không phải là một tin tức đáng mừng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là một ví dụ. Hiện số dư vay ngắn hạn bằng USD tại thời điểm cuối năm 2021 của Hòa Phát có giá trị quy đổi là 19.844 tỷ VND. Khoản vay bằng USD chịu lãi suất từ 1,2% đến 2,3%/năm. Ngoài ra Hoà Phát có 1 khoản vay trung dài hạn (đáo hạn 2025) của Ngân hàng BNP Paribas bằng USD với dư nợ quy đổi tại 31/12/2021 là 2.821 tỷ VNĐ, với lãi suất bằng lãi suất LIBOR 2,05%/năm.
Theo quy định, khi lập báo cáo tài chính, số dư các khoản vay, nợ thuê tài chính bằng ngoại tệ phải được đánh giá lại theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập báo cáo tài chính. Chính điều này sẽ làm phát sinh khoản lỗ/lãi tỷ giá hối đoái, tương ứng được ghi nhận vào chi phí tài chính trong kỳ của doanh nghiệp.
Lo lạm phát và tỷ giá, nhu cầu vàng tại Việt Nam tăng vọt
Trường hợp của Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) cũng cho thấy những bất lợi của doanh nghiệp khi biến động tỷ giá, với lợi nhuận sụt giảm. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của DRI ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 113 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bán mủ cao su chiếm tỷ trọng lớn nhất, với hơn 110 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Giải trình về nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, DRI cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do Công ty ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 30,8 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng - dự báo, câu chuyện về việc tỷ giá USD tăng có lẽ chưa dừng lại ở quý II/2022. Theo dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 23.300 trong quý III/2022 và 23.400 trong quý IV/2022. Như vậy, khi USD lên giá so với VND khiến các chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển quốc tế... sẽ bị đội giá.
Do vậy các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ra thị trường ngoài nước cần chuẩn bị phòng vệ trước tình huống đồng USD trồi sụt, để có những quyết sách sáng suốt trong sản xuất kinh doanh trước biến động khôn lường của thị trường…
Có thể bạn quan tâm