Doanh nghiệp ngành gạo: Giá xuất khẩu tăng, lợi nhuận phân hóa

ĐÌNH ĐẠI 24/11/2022 05:00

Mặc dù cả sản lượng xuất khẩu, cũng như giá gạo đều tăng cao, nhưng không phải doanh nghiệp ngành xuất khẩu gạo nào cũng làm ăn có lãi. Thậm chí, có doanh nghiệp vẫn lỗ hàng chục tỷ đồng.

>>>Doanh nghiệp ngành gạo nào hưởng lợi khi giá gạo tăng?

Lộc Trời lãi ròng quý III tăng gấp đôi

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2022, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.736 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm hơn 2.244 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp chỉ còn gần 492 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, Lộc Trời mới hoàn thành được gần 51% kế hoạch lợi nhuận năm.

9 tháng đầu năm, Lộc Trời mới hoàn thành được gần 51% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Lộc Trời giảm mạnh 90%, còn gần 2 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng lên 111 tỷ đồng, tương đương với tăng 38%, trong đó, chi phí lãi vay chiếm hơn 66 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.

Các chi phí hoạt động khác cũng đều tăng như: chi phí bán hàng tăng 8% lên hơn 186 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 58% lên gần 104 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp báo lãi ròng quý III đạt gần 64 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Lộc Trời đạt gần 8.630 tỷ đồng, tăng 21%. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 203 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Lộc Trời mới hoàn thành được gần 51% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính tới ngày 30/09/2022, tổng tài sản của Lộc Trời đạt gần 9.513 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản là hàng tồn kho với 3.460 tỷ đồng, chiếm 36% tổng tài sản của doanh nghiệp; kế đến là khoản phải thu ngắn hạn hơn 2.967 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản; tài sản cố định gần 1.534 tỷ đồng, chiếm 16%.

Nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 6.565 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với đầu năm, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, phải trả người bán ngắn hạn hơn 1.811 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác gần 230 tỷ đồng; vay nợ thuê ngắn hạn hơn 4.055 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý III là hơn 2.947 tỷ đồng.

AFX tăng gấp 120 lần lợi nhuận 

Tương tự, tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UpCOM: AFX), ghi nhận doanh thu quý III đạt hơn 364 tỷ đồng, tăng hơn 115% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh lên gần 90%, lên gần 353 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng chỉ còn hơn 11,4 tỷ đồng.

. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 27 tỷ đồng, tăng 575% so với 9 tháng đầu năm 2021.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của AFX đạt hơn 27 tỷ đồng, tăng 575% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của AFX tăng mạnh hơn 218%, lên gần 14 tỷ đồng. Các chi phí của doanh nghiệp đầu tăng như: Chi phí tài chính tăng 67,7%, lên hơn 6,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 33,3%, lên gần 4 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 87%, lên gần 5,9 tỷ đồng. Sau cùng, doanh nghiệp báo lãi ròng quý III đạt hơn 9 tỷ đồng, tăng gấp 120 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp lý giải, trong kỳ, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà khôi phục sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời Công ty đã cơ cấu các khoản đầu tư tài chính mang lại hiệu quả kinh doanh.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, AFX ghi nhận đạt hơn 989 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 90,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 27 tỷ đồng, tăng 575% so với 9 tháng đầu năm 2021.

Tính đến cuối quý III/2022, tổng tài sản của AFX đạt gần 920 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn với hơn 774 tỷ đồng, chiếm hơn 84% tổng tài sản. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm hơn 516 tỷ đồng. Hàng tồn kho với hơn 157 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp đạt hơn 496 tỷ đồng, với hầu hết là nợ ngắn hạn. Trong đó, chiếm phần lớn nợ phải trả của doanh nghiệp là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, với hơn 426 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý III là hơn 423 tỷ đồng.

>>>Lộc Trời ký gói tín dụng hợp vốn cùng 7 ngân hàng

Trung An giảm 98% lợi nhuận

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành lúa gạo là Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) lại có một kết quả kinh doanh không mấy khả quan, với cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh.

Trung An sụt giảm mạnh cả doanh thu và lợi nhuận.

Trung An sụt giảm mạnh cả doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, trong quý III/2022, Trung An ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 490 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán mặc dù cũng giảm 30%, nhưng vẫn ở mức cao, khiến lợi nhuận gộp về của doanh nghiệp giảm 46%, còn hơn 38,4 tỷ đồng. Theo đó, biên lãi gộp cũng bị thu hẹp từ 9,7% xuống còn 7,8%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của Trung An chỉ đạt gần 400 triệu đồng, giảm 72% so với cùng kỳ. Trong khi đó, do gánh nặng lãi vay khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng 30%, lên gần 22,8 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 17%, còn hơn 8,4 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 10%, lên hơn 5,7 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp ngành xuất khẩu gạo báo lợi nhuận ròng quý III, chỉ đạt 830 triệu đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Trung An ghi nhận đạt 2.222 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế hơn 52 tỷ đồng, giảm 9% so với 9 tháng đầu năm 2021. Với kết quả này, kết thúc 9 tháng đầu năm, Trung An cũng chỉ mới thực hiện được hơn 47% kế hoạch lợi nhuận năm.

Đến thời điểm 30/09/2022, tổng tài sản của Trung An đạt gần 2.751 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm. Chênh lệch đáng kể này chủ yếu từ khoản phải thu ngắn hạn tăng 83%, lên hơn 543 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu của khách hàng chiếm 453 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt gần 1.451 tỷ đồng, tăng 43%, chiếm phần lớn là nguyên vật liệu với gần 1.300 tỷ đồng.   

Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là gần 1.570 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, vay nợ thuê ngắn hạn chiếm 87% tổng nợ phải trả, tăng 15%. Vốn chủ sở hữu gần 1.181 tỷ đồng, tăng 73%; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý III còn hơn 232 tỷ đồng, tăng 25%.

Angimex lỗ nặng

Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (HoSE: AGM) cũng vừa trải qua một quý kinh doanh thua lỗ. Cụ thế, quý III/2022, Angimex ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 710 tỷ đồng, giảm hơn 45% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm hơn 663 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp chỉ còn hơn 47 tỷ đồng.

Angimex lỗ hơn 35 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Angimex lỗ 35 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của Angimex tăng hơn 48%, lên 6,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí của hoạt động này cũng tăng cao lên hơn 20,4 tỷ đồng, tăng, tương đương với tăng gần 258% so với cùng kỳ. Các chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp của doanh nghiệp đều tăng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của Angimex ghi nhận lỗ hơn 39 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp ngành lúa gạo ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lỗ gần 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 3,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lỗ hơn 29,3 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu âm 1.587 đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Angimex ghi nhận 3.091 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với 9 tháng đầu năm 2021, nhưng doanh nghiệp lỗ sau thuế 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 17,8 tỷ đồng, tương đương với giảm 297%. Với kết quả này, Angimex đã thực hiện đạt 79% doanh thu tuy nhiên lại bị âm 138% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.

Với kết quả kinh doanh kém sắc này, Angimex đã không đủ khả năng để thanh toán lãi trái phiếu đúng hạn cho các trái chủ, buộc doanh nghiệp này phải gửi thông báo đến các trái chủ xin lùi thời hạn thanh toán lãi trái phiếu.

Theo đó, lô trái phiếu mà Angimex xin lùi thời hạn thanh toán lại có mã AGMH2123001 phát hành ngày 09/11/2021, đáo hạn ngày 09/11/2023, lãi suất cố định 7%/năm. Angimex sẽ thực hiện thanh toán một phần lãi của trái phiếu theo lãi suất cố định (7%/năm) của kỳ trả lãi từ ngày 9/8/2022 đến ngày 9/11/2022. Kỳ lãi được thanh toán tương đương một tháng. Thời hạn thanh toán lãi chậm nhất vào ngày 17/11/2022.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong tháng 10 xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 700.000 tấn, trị giá đạt 334 triệu USD. Tính chung 10 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu ước đạt hơn 6 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3 tỷ USD, tăng hơn 17% về khối lượng và hơn 7% về giá trị so với cùng 10 tháng đầu năm 2021.

Trong 10 tháng đầu năm, cả sản lượng lẫn giá gạo xuất khẩu đều tăng cao.

Trong 10 tháng đầu năm, cả sản lượng lẫn giá gạo xuất khẩu đều tăng cao.

Kết thúc 10 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt khoảng 6 triệu tấn, sát mốc so với mục tiêu năm 2022 và mức giá đang bỏ cách xa Thái Lan 23 USD/tấn. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu trung bình 10 tháng năm 2022 là hơn 600.000 tấn/tháng, giá gạo bình quân ước đạt 484 USD/tấn.

Trong cuộc họp báo thường kỳ gần đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 có thể vượt kế hoạch 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 425 – 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Mức giá này cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 48 – 51 USD/tấn và Thái Lan 18 – 23 USD/tấn.

Giá gạo xuất bình quân của Việt Nam tăng cao được cho là nhờ thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao.

Theo VFA, trong tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt bình quân 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Mức giá này cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 48 - 51 USD/tấn và Thái Lan 18 - 23 USD/tấn. Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2022.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp ngành gạo nào hưởng lợi khi giá gạo tăng?

    Doanh nghiệp ngành gạo nào hưởng lợi khi giá gạo tăng?

    04:00, 21/09/2022

  • Cần xem xét, đánh giá lại một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo

    Cần xem xét, đánh giá lại một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo

    03:50, 27/12/2021

  • Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chờ “luồng xanh”

    Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chờ “luồng xanh”

    11:35, 14/08/2021

  • Xuất khẩu gạo 6 tháng năm 2021 sụt giảm

    Xuất khẩu gạo 6 tháng năm 2021 sụt giảm

    09:30, 14/07/2021

  • Lộc Trời ký gói tín dụng hợp vốn cùng 7 ngân hàng

    Lộc Trời ký gói tín dụng hợp vốn cùng 7 ngân hàng

    15:58, 24/10/2022

  • Lộc Trời thua lỗ,

    Lộc Trời thua lỗ, "bán" và giải thể loạt công ty con

    05:30, 24/08/2022

ĐÌNH ĐẠI