CMSC: Tổng lợi nhuận trước thuế của 19 tập đoàn, tổng công ty bằng 171% kế hoạch

L.ANH 15/12/2022 10:42

Các chỉ tiêu kế hoạch giao cho công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban, CMSC) năm 2022 đã đạt được vượt kế hoạch và so với 2021.

>>>CMSC thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Đó là một trong những nội dung tại hội nghị Tổng kết công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tập đoàn, tổng công ty trực thuộc năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh, được tổ chức sáng nay 15/12.

Nhiều doanh nghiệp thuộc CMSC quản lý đã đạt kết quả tích cực, vượt mức kế hoạch. Petrolimex là một trong số đó. (Ảnh: CMSC)

Nhiều doanh nghiệp thuộc CMSC quản lý đã đạt kết quả tích cực, vượt mức kế hoạch. Petrolimex là một trong số đó. (Ảnh: CMSC)

Theo Báo cáo của CMSC, năm 2022, về sản xuất, kinh doanh: Đa số các tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Trong đó,

Lĩnh vực năng lượng: Các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động, thể hiện vai trò chủ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, không để đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu trước những biến động thị trường xăng dầu thời gian qua; bảo đảm nhu cầu về điện cho sinh hoạt của nhân dân và sản xuất, kinh doanh; tăng sản lượng khai thác dầu thô, than đá cho nhu cầu của nền kinh tế và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; 

Lĩnh vực công nghiệp, sản xuất hóa chất, thép, phân bón: các doanh nghiệp đã tăng cao giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa cho nền kinh tế về hóa chất cơ bản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ắc quy, thép,...;

Lĩnh vực nông, lâm nghiệp: các doanh nghiệp đã đã có nhiều tiến bộ trong hoạt động kinh doanh lương thực, trồng, chế biến và sản xuất cao su, cà phê, sản xuất lúa chất lượng cao, góp phần phát triển ngành nông nghiệp, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người lao động;

Lĩnh vực quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hàng không, đường sắt, hàng hải: các doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn để bảo đảm nhu cầu về giao thông, vận tải cho đời sống của nhân dân; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

Lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin: các doanh nghiệp đã giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm nhu cầu thông tin liên lạc và tiên phong trong chuyển đổi số.

Tổng hợp kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch giao cho công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty ghi nhận tổng doanh thu ước đạt 1.123.334 tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021); tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 39.219 tỷ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021). Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

Một số tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả tích cực, vượt mức kế hoạch tại nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh so với những năm trước (PVN, Petrolimex, Vinachem, TKV, VEC...).

Về đầu tư phát triển: Các tập đoàn, tổng công ty đã được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, sát với kế hoạch vốn đầu tư được giao. Nhiều tập đoàn, tổng công ty góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và dự án quan trọng về năng lượng, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các dự án trọng điểm, như: Dự án nhà máy điện Sông Hậu 1 đi vào vận hành thương mại từ ngày 13/5/2022 và ngày 16/7/2022 chính thức khánh thành; Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã hòa lưới điện ngày 16/6/2022, vận hành thương mại Tổ máy số 1 vào ngày 30/11/2022, Tổ máy số 2 đã đốt lửa lần đầu vào ngày 27/8/2022 và dự kiến COD vào 31/12/2022; đã hoàn thành đánh giá các nội dung chính của dự án Nghiên cứu mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và báo cáo Chính phủ tại văn bản số 3223/DKVN-CNK&LH ngày 15/6/2022; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị đã khởi công 96 công trình lưới điện và đóng điện 44 công trình lưới điện,... Các dự án trọng điểm trong lĩnh vực hàng không: Triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, Dự án thành phần 3 - Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Phú Bài, tái khởi động Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành,… đảm bảo tiến độ được cấp thẩm quyền phê duyệt.  

CMSC tiếp tục thúc đẩy triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia. (Ảnh: Cảng HKQT Long Thành)

CMSC tiếp tục thúc đẩy triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia. (Ảnh: Cảng HKQT Long Thành)

Sau 4 năm chuyển về Ủy ban quản lý, Ủy ban cho biết đến nay đã có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban phê duyệt/triển khai thực hiện/hoàn thành đầu tư. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm, với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng.

Đánh giá chung năm 2022, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật và ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty được giao quản lý, khắc phục tình trạng trước đây nhiều nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa được thực hiện đầy đủ hoặc tồn đọng qua nhiều năm. Nhiều công việc được thực hiện tốt hơn trước đây.Ủy ban đã chú trọng đề cao nguyên tắc tuân thủ pháp luật và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, nhất là đối với các dự án đầu tư lớn. Đối với những vấn đề pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa đủ rõ, Ủy ban đã chủ động đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn làm rõ để bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ. Qua đó, tránh những sai phạm, sơ hở trong quá trình thực hiện như trước đây đã xảy ra ở một số doanh nghiệp.

Về cơ bản, 19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng giá trị vốn nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước; thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Ủy ban cho biết, năm 2023 sẽ tập trung một số giải pháp, nhiệm vụ theo hướng: 

Tăng cường năng lực của Ủy ban thông qua các giải pháp đồng bộ, toàn diện về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực; đổi mới phương thức hoạt động để thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty được giao quản lý;

Ủy ban tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, đẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.

Kịp thời rà soát, tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, tổng tông ty phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển và khắc phục ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19; Các tập đoàn, tổng công ty phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội nhà nước giao; đẩy mạnh đầu tư, phát triển góp phần xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn,...

Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo điều kiện và lộ trình phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nhân sự Bộ Ngoại giao và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nhân sự Bộ Ngoại giao và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

    19:57, 12/04/2022

  • Thách thức kép với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp

    Thách thức kép với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp

    10:26, 13/01/2021

  • Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phản hồi về giao dịch cổ phiếu PVI của HDI

    Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phản hồi về giao dịch cổ phiếu PVI của HDI

    08:16, 09/10/2020

  • Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao 5 nhiệm vụ cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

    Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao 5 nhiệm vụ cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

    16:32, 01/09/2020

L.ANH