Năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu tác động tiêu cực nặng nề, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển...
Thách thức kép
Mới đây, tại hội nghị tổng kết của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban, hay còn được gọi là "Siêu ủy ban"), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã ghi nhận những nỗ lực của Ủy ban trong công tác thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty.
Dự báo thời gian tới tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Ủy ban triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 12-NQ/TW, Khóa XII, để xây dựng Ủy ban là một cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng quản lý vốn tại doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những bất cập trong chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức để Ủy ban hoạt động tốt hơn.
“Song song đó, Ủy ban cần chú trọng và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban cần nhanh chóng phê duyệt chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền; tiếp tục công việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp với tiến độ nhanh hơn, bảo đảm chất lượng hơn; thúc đẩy các Tập đoàn, Tổng công ty chuyển đổi mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị và chuẩn bị sẵn sàng cả về kiến thức, nguồn lực và năng lực để tồn tại và phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Các doanh nghiệp về viễn thông cần chú trọng triển khai xây dựng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, hạ tầng số làm nền tảng cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của đất nước.
Đặc biệt, năm 2021, Ủy ban cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công Thương. Đồng thời, tập trung rà soát, phát hiện các dự án, doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả khác của các doanh nghiệp, không để tổn thất lớn và kéo dài như 12 dự án của ngành Công Thương thời gian qua.
Về hoạt động của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban cho biết, năm 2020, dịch COVID-19 hoành hành, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, giá dầu thô giảm sâu kỷ lục và thiên tai bão lũ liên tục dẫn tới hầu hết các doanh nghiệp thuộc Ủy ban phải chịu tác động tiêu cực nặng nề, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của tất cả các doanh nghiệp.
Trong thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp ngành Công Thương, Ủy ban đã rà soát, tổng hợp các hồ sơ, tài liệu, báo cáo và nắm tình hình thực tế của doanh nghiệp.
Các báo cáo, ý kiến tham mưu của Ủy ban đã làm rõ kết quả thực hiện xử lý của từng dự án, doanh nghiệp; những khó khăn, vướng mắc mấu chốt; phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng từng dự án, doanh nghiệp, đề xuất một số nội dung mới; có tính quyết liệt để xử lý nhanh hơn các dự án, doanh nghiệp; phương án xử lý phù hợp tình hình thực tế, theo cách tiếp cận sớm xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước.
Sau nhiều lần đề xuất, kiến nghị, Ủy ban đã phân loại các dự án, doanh nghiệp thành các nhóm để có phương án chỉ đạo xử lý, cụ thể, đưa 3 dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách theo dõi của Ban Chỉ đạo.
Quyết tâm vượt qua thách thức
Cũng vì những nguyên nhân nêu trên, Lãnh đạo siêu ủy ban cho biết năm 2020, giá trị thực hiện đầu tư, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư của tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty thấp so với kế hoạch do phải giãn, hoãn tiến độ triển khai, thanh toán các dự án để tập trung nguồn lực ứng phó ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các tác động khác.
Tuy chưa đạt được chỉ tiêu kế hoạch về đầu tư phát triển năm 2020 nhưng nhiều dự án đầu tư trọng điểm đã được phê duyệt, triển khai thực hiện.
Sang 2021, theo Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh, đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2025. Ông Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu các đơn vị trực thuộc Ủy ban rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền hướng dẫn xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa thống nhất liên quan công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Qua đó, báo cáo các cấp xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị cụ thể của từng Tập đoàn, Tổng công ty.
Mặt khác, các Tập đoàn, Tổng công ty cần thực hiện nghiêm túc các quy định về giám sát tài chính, đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai tài chính, công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định. Các đơn vị trực thuộc Ủy ban, kiểm soát viên nhà nước tăng cường tham mưu cho Ủy ban trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định, đặc biệt là công tác giám sát tài chính và đầu tư.
“Các đơn vị trực thuộc Ủy ban phải hoàn thành đúng tiến độ các đề án đã đăng ký đưa vào chương trình công tác năm 2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực của cơ quan Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công Thương; tập trung rà soát các dự án, doanh nghiệp đang thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp để chỉ đạo xử lý”, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện đề án tái cơ cấu và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đúng nội dung kế hoạch và tiến độ, đảm bảo công khai minh bạch, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Chú trọng nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; kiện toàn hệ thống kiểm soát nội bộ để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật, việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tiêu cực tham nhũng một cách hiệu quả; nâng cao tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình đặc biệt là về mua sắm, đầu tư, sử dụng vốn nhà nước, chi phí sản xuất kinh doanh, phân phối lợi nhuận.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định mới về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
19:01, 08/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương hướng dẫn Nghị định 140, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước
18:01, 06/01/2021
Nhiều dấu hỏi còn bỏ ngỏ về thoái vốn Nhà nước tại PVM
05:00, 28/12/2020
Rối bời quản lý đầu tư vốn Nhà nước
11:30, 25/12/2020
Ách tắc gây lãng phí lớn vốn Nhà nước
11:30, 24/12/2020