Hậu mất khả năng thanh toán lãi trái phiếu, VKC "có biến" mới
Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP VKC Holdings (HNX: VKC) vừa thông qua Nghị quyết dừng góp vốn thành lập công ty con và giải thể hàng loạt chi nhánh tại nhiều tỉnh, thành phố.
>>>HDS thông tin về dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu VKC
Theo Nghị quyết này, VKC Holdings sẽ dừng phương án góp vốn thành lập Công ty con là Công ty TNHH Vật liệu xây dựng và nội thất Vĩnh Khánh; Công ty TNHH Vĩnh Khánh Plastic và Công ty CP Đầu tư Phát triển Vĩnh Khánh. Lý do được VKC Holdings đưa ra là do đã hết thời hạn góp vốn nhưng Công ty vẫn chưa có nguồn vốn để thực hiện góp vốn.
Bên cạnh đó, VKC Holdings cũng thông qua việc dừng phương án mua lại cổ phần của Công ty CP Lốp xe Vĩnh Khánh do đến thời điểm hiện tại Công ty vẫn chưa thực hiện ký hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần và Công ty cũng không có nguồn vốn để thực hiện.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng thông qua việc giải thể 5 chi nhánh không còn hoạt động ở các địa phương gồm TP.HCM, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Phú Yên.
Cũng do mất thanh khoản về dòng tiền, hồi đầu tháng 10 vừa qua, VKC Holdings đã phải công bố mất khả năng thanh toán lãi trái phiếu đối với lô trái phiếu VKCH2123001 phát hành ngày 09/12/2021 trị giá khoảng 200 tỷ đồng. Theo kế hoạch trước đó, ngày 9/9 sẽ là ngày doanh nghiệp này phải thanh toán lãi cho các trái chủ.
Lý giải cho nguyên nhân tạm hoãn chi trả lãi cho lô trái phiếu trên, lãnh đạo VKC Holdings cho rằng, sau biến cố của ông Đỗ Thành Nhân và nhóm Louis Holdings, toàn bộ thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và Ban Tổng giám đốc đã từ nhiệm và tổ chức bầu lại những lãnh đạo mới tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào ngày 20/7 vừa qua.
Sau khi Ban điều hành mới tiếp quản, qua thời gian rà soát lại tình hình tài chính, phía công ty nhận thấy có nhiều sai phạm nghiệm trọng của HĐQT và Ban Tổng giám đốc nhiệm kỳ cũ trong việc quản lý tài chính và phát hành lô trái phiếu VKCH2123001. Các sai phạm trên của các lãnh đạo cũ đã làm thất thoát tài sản của VKC Holdings khiến doanh nghiệp mất khả năng năng thanh toán đối với các chủ nợ.
Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính bán niên soát xét 6 tháng đầu năm, kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với lô trái phiếu trên. Theo đó, kiểm toán ngoại trừ về việc doanh nghiệp này đã sử dụng một khoản tiền lớn từ đợt phát hành trái phiếu không đúng với mục địch sử dụng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường và không đúng với Bản công bố thông tin ngày 3/12/2021.
Cụ thể, theo thuyết minh về vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, mô tả dòng tiền chi ra từ đợt phát hành trái phiếu đúng mục đích theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường số 41NQ/ĐHĐCĐ/VCOM/2021 nhưng không đúng với mục đích theo Bản công bố thông tin ngày 3/12/2021 với số tiền lần lượt 80,8 tỷ đồng và gần 35 tỷ đồng.
Ngoài ra, kiểm toán còn ngoại trừ khoản mục Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) sử dụng tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất tại TT Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để đảm bảo cho khoản phát hành trái phiếu Công ty, trong khi tài sản này chưa được thực hiện ký 3 bên giữa AGM và tổ chức với tư cách là bên nhận tài sản đảm bảo.
>>>VKC mất khả năng thanh toán lãi trái phiếu, cổ phiếu về dưới giá trà đá
Ở một diễn biến khác, vào ngày 1/12/2022 vừa qua, VKC Holdings đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, với tổng số tiền phạt là 220 triệu đồng.
Cụ thể, VKC Holdings bị phạt 150 triệu đồng do có hành vi công bố thông tin sai lệch đối với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 06 tháng đầu năm 2022 tại Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 công bố ngày 20/7/2022 trên trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 06 tháng đầu năm 2022 tại Báo cáo tài chính này là lỗ hơn 24,6 tỷ đồng là sai lệch so với số liệu chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét công bố ngày 16/8/2022 trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là lỗ hơn 191 tỷ đồng.
Ngoài ra, VKC Holdings bị phạt tiền 70 triệu đồng do có hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Về kết quả kinh doanh, quý III/2022 VKC Holdings ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 12 lần so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 18 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 264 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, VKC Holdings báo lỗ gần 208 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/9 là âm hơn 185 tỷ đồng, bằng 92,57% vốn góp chủ sở hữu.
Tính tới cuối quý III/2022, VKC Holdings ghi nhận khoản vay nợ dài hạn trái phiếu kỳ hạn 5 năm tổng trị giá 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vay nợ ngắn hạn gần 155 tỷ đồng, gồm hơn 69 tỷ đồng vay từ MBBank và hơn 67 tỷ đồng vay từ VPBank.
Trên thị trường cổ phiếu VKC chốt phiên giao dịch ngày 29/12 với thị giá 1.700 đồng/cổ phiếu. Nếu so với đỉnh giá gần 30.000 đồng/cổ phiếu đạt được hồi quý IV/2021, cổ phiếu VKC đã giảm hơn 94% thị giá. Điều này đồng nghĩa với vốn hóa thị trường của doanh nghiệp cũng bị “bốc hơi” mất 566 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu này đang thuộc diện cảnh báo của HNX do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với BCTC năm 2021 của Công ty, đồng thời, cổ phiếu cũng bị cắt margin do số lỗ sau soát xét chênh lệch đáng kể so với mức lỗ tại báo cáo tự lập.
Có thể bạn quan tâm
HDS thông tin về dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu VKC
21:00, 17/11/2022
VKC mất khả năng thanh toán lãi trái phiếu, cổ phiếu về dưới giá trà đá
05:00, 10/10/2022
“Khơi dòng” trái phiếu doanh nghiệp: Cần bổ sung quy định ưu tiên thanh toán
04:00, 26/12/2022
Minh bạch - Chìa khóa hồi sinh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
05:00, 20/12/2022
Tiếp tục “vực dậy” thị trường trái phiếu doanh nghiệp
04:30, 19/12/2022