Dự thảo sửa đổi Thông tư 16: Gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

DƯƠNG THUỲ 29/03/2023 05:30

Những quy định tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021 giúp cho việc đảm bảo an toàn trong hoạt động phát hành trái phiếu, và kiểm soát mục đích sử dụng dòng tiền...

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung và ngưng khoản quy định của Thông tư số 16/2021/NHNN quy định về việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Các nội dung theo Dự thảo sửa đổi Thông tư 16  nếu được ban hành sẽ tác động ra sao đến thị trường TPDN hiện nay?

Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam

Dự thảo Thông tư 16 sửa đổi kỳ vọng gỡ vốn cho thị trường TPDN

Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 kỳ vọng gỡ vốn cho thị trường TPDN

Theo Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN, Dự thảo có nhiều điểm mới so với Thông tư 16 đã ban hành gồm:

Thêm điều kiện để TCTD được mua trái phiếu doanh nghiệp khi đáp ứng hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) của doanh nghiệp phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (dựa theo báo cáo tài chính quý gần nhất).

Dự thảo bổ sung thêm quy định trong nguyên tắc mua bán TPDN: TCTD chỉ được mua TPDN (trong đó có mục đích “Bổ sung vốn lưu động”) khi quản lý được nguồn thu từ hợp đồng kinh doanh của doanh nghiệp phát hành… Khi TCTD mua TPDN phát hành (trong đó có mục đích nhằm thực hiện bảo đảm nghĩa vụ), TCTD đó phải phong tỏa số tiền mua trái phiếu cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ đảm bảo.

Dự thảo cũng bổ sung về trách nhiệm của TCTD khi mua TPDN: TCTD có quyền và nghĩa vụ kiểm tra giám sát việc sử dụng tiền thu từ trái phiếu của doanh nghiệp phát hành nhằm đảm bảo sử dụng đúng mục đích.

Đặc biệt, có một điểm tích cực trong Dự thảo lần này là: Ngưng hiệu lực thi hành về qui định “Trong vòng 12 tháng, sau khi bán TPDN chưa niêm yết, thì TCTD không được mua TPDN chưa niêm yết mà TCTD đã bán…” đến hết 31/12/2023. Như vậy có nghĩa là TCTD sẽ được bán và mua lại TPDN chưa niêm yết mà không phải chờ 12 tháng như qui định trước đó.

Nhìn chung, những thay đổi tại Dự thảo Thông tư 06 nhằm giúp cho việc đảm bảo an toàn trong hoạt động phát hành trái phiếu, và kiểm soát mục đích sử dụng dòng tiền từ việc phát hành trái phiếu đúng mục đích. Đây là điều tích cực vì sẽ giúp các TCTD có thể mua lại TPDN, giúp các doanh nghiệp sẽ có nguồn tiền để giải quyết những khó khăn về vốn hiện tại.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinRatings cho rằng, Dự thảo sửa đổi của NHNN có khá nhiều điểm tác động tích cực đến thị trường TPDN, nhưng vấn đề nợ của trái phiếu vẫn chưa được Dự thảo quan tâm...

Theo ông Thuân, vấn đề quan trọng nhất đối với nợ trái phiếu của các nhà phát hành hiện nay, đó là nhu cầu tái tài trợ hoặc cơ cấu lại nợ vẫn chưa được Dự thảo sửa đổi trong lần này trong bối cảnh nợ xấu trái phiếu đang tăng từng ngày. Nợ xấu TPDN hiện đang có xu hướng tăng tiếp. Do đó, nếu như Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 này được giữ nguyên thì cũng chưa có tác động nhiều đến việc giải quyết vấn đề TPDN nói riêng và các vấn đề của cả tín dụng bất động sản. Điều này sẽ tạo áp lực lên tỷ lệ nợ xấu vào thời gian tới đây.

Liên quan đến vốn cho thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia, Kinh tế trưởng BIDV- cũng cho rằng hiện nóng nhất chính là vấn đề trái phiếu. Năm 2023 sẽ có khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn, sang năm 2024 là khoảng 110.000 tỷ đồng. Việc phải mua lại lượng trái phiếu này đang gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp bất động sản.

Để giải quyết vấn đề vốn cho lĩnh vực bất động sản, theo ông Lực, dòng vốn từ M&A rất quan trọng. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị hệ thống ngân hàng cho vay để tài trợ phần vốn thiếu hụt khi giao dịch M&A. Khi có dòng vốn này, hoạt động M&A hỗ trợ các doanh nghiệp giao dịch, mua bán tài sản, tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp và xử lý nợ trái phiếu, nợ tín dụng hay đầu tư phát triển dự án... đều sẽ nhanh chóng, hiệu quả hơn. Do vậy nên cho phép, vì việc này hoàn toàn khả thi và là nhu cầu thật. Doanh nghiệp có 70%, phần còn lại ngân hàng tài trợ 30%...

Tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 16, các TCTD sẽ không được mua lại nếu như phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp (khoản a, điểm 8, Điều 4); không được mua lại TPDN với mục đích cho doanh nghiệp đi góp vốn, mua cổ phần, hoặc mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác, tức là bổ sung “mua phần vốn góp” của khoản b, điểm 8, Điều 4). Theo đó, đây là những hạn chế căn bản với doanh nghiệp khi không có nguồn vốn ngân hàng tiếp sức cho hoạt động tái cấu trúc tài chính qua các giao dịch M&A được dự báo có nhu cầu cao trong năm nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Thời của khối ngoại M&A bất động sản

    Thời của khối ngoại M&A bất động sản

    05:00, 23/03/2023

  • “Mạch ngầm” M&A của BWE

    “Mạch ngầm” M&A của BWE

    02:18, 07/03/2023

  • UOB hoàn tất thương vụ với Citigroup tại Việt Nam, M&A ngân hàng dự báo nổi sóng

    UOB hoàn tất thương vụ với Citigroup tại Việt Nam, M&A ngân hàng dự báo nổi sóng

    10:57, 01/03/2023

  • VSC “cưỡi sóng” M&A

    VSC “cưỡi sóng” M&A

    03:27, 25/02/2023

DƯƠNG THUỲ