Ngân hàng UOB thông báo việc hoàn tất thu mua mảng Ngân hàng Tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, bao gồm việc nhận chuyển giao khoảng 575 nhân viên thuộc Citigroup sang UOB Việt Nam.
>> 6 lĩnh vực hút dòng tiền M&A năm 2023
Được biết, mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup bao gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi.
UOB Việt Nam cho biết thương vụ là sự tiếp nối của việc hoàn tất thu mua tại thị trường Thái Lan và Malaysia vào tháng 11 năm 2022. UOB cũng dự kiến sẽ hoàn tất việc mua lại vào cuối năm 2023 tại Indonesia. Qua đó, việc mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại bốn thị trường sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng mạng lưới của UOB tại khu vực ASEAN.
Sau khi hoàn tất, việc sáp nhập dự kiến sẽ tăng gấp đôi cơ sở khách hàng bán lẻ hiện có của UOB tại bốn thị trường và bổ sung thêm 5.000 nhân sự vào đội ngũ nhân lực của ngân hàng.
Bổ sung mảng kinh doanh bán lẻ thu mua từ Citigroup tại Malaysia và Thái Lan vào lượng khách hàng đang tăng trưởng hiện có, cơ sở khách hàng bán lẻ của UOB đã đạt gần 7 triệu người trên toàn khu vực ASEAN. Cùng với mạng lưới rộng khắp trong khu vực sẵn có của UOB, việc sáp nhập sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển vươn lên trở thành một ngân hàng hàng đầu được người tiêu dùng và doanh nghiệp tại ASEAN lựa chọn.
Ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn UOB, chia sẻ: “Chúng tôi đã tiến thêm một bước nữa đến gần hơn với cột mốc hoàn thành toàn bộ thương vụ mang tính chuyển đổi này. Những kết quả ban đầu từ việc mua lại đã vượt hơn mong đợi. Chúng tôi sẽ tăng cường việc mở rộng hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Với mạng lưới kinh doanh, hệ sinh thái đối tác cũng như danh mục sản phẩm và các năng lực được mở rộng, chúng tôi có vị thế tốt để phục vụ nhu cầu của một nền tảng cơ sở khách hàng lớn hơn. Cùng với việc kết nạp thêm các nhân sự mới, giờ đây chúng tôi đã có một đội ngũ lớn hơn và mạnh hơn để thúc đẩy tham vọng của UOB là trở thành một ngân hàng khu vực thực sự, có thể giúp khách hàng đạt được các mục tiêu tài chính của họ.”
Ngân hàng UOB Việt Nam cũng đã bổ nhiệm các lãnh đạo cấp cao sau đây để dẫn dắt hoạt động kinh doanh bán lẻ được mở rộng tại Việt Nam: Ông Fred Lim, Giám đốc Chuyển đổi Bán lẻ, Kênh và Số hóa, và Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam. Ông Paul Kim, Giám đốc Dịch vụ Tài chính Cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam.
>>UOB ra mắt nền tảng ngân hàng số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đại diện ngân hàng UOB Việt Nam cũng cho biết ngân hàng đã hợp tác chặt chẽ với Citigroup Việt Nam để đảm bảo một quá trình chuyển giao diễn ra liền mạch cho khách hàng, dự kiến sẽ mất từ 12 đến 18 tháng khi tiến tới việc tích hợp hoàn toàn về hệ thống. Trong giai đoạn chuyển giao này, các sản phẩm, dịch vụ cũng như lợi ích cho các khách hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam vẫn được đảm bảo. Bên cạnh đó, các khách hàng cũng có thể đón chờ một loạt các giải pháp và ưu đãi từ việc mở rộng hoạt động kinh doanh của UOB. Các khách hàng hiện tại của Ngân hàng UOB Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ bộ sản phẩm tín chấp được mở rộng, bao gồm thẻ tín dụng và khoản vay cá nhân không thế chấp, bổ sung vào các giải pháp cho vay hiện tại của UOB.
Theo ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết “Việc mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam diễn ra vào đúng thời điểm và góp phần củng cố chiến lược cũng như cam kết dài hạn của chúng tôi tại thị trường Việt Nam. Tiềm năng của Việt Nam là rất lớn vì đây là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng và chuyển đổi cao, cùng với việc áp dụng kỹ thuật số nhanh chóng. Hoàn tất việc mua lại sẽ mang đến cho chúng tôi cơ hội tuyệt vời để củng cố vị thế của mình trên thị trường và mở rộng quy mô mảng ngân hàng bán lẻ của chúng tôi sang một chương phát triển mới, cùng với danh mục sản phẩm, mạng lưới chi nhánh, và hệ sinh thái đối tác mở rộng.”
Với vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khối ASEAN, Việt Nam là một thị trường chiến lược của UOB, đặc biệt khi Ngân hàng tiếp tục tăng cường sự tập trung và đầu tư vào khu vực. Chiến lược phát triển tại khu vực ASEAN của Ngân hàng UOB được thể hiện mạnh mẽ thông qua chiến dịch làm mới thương hiệu vào tháng 9 năm 2022. Trong khuôn khổ ra mắt chiến dịch, Ngân hàng đã nêu rõ mục tiêu của mình là 'Xây dựng tương lai của ASEAN – cho con người và doanh nghiệp bên trong ASEAN hoặc có kết nối với khu vực ASEAN'.
Đáng chú ý, thương vụ mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam nằm trong chiến lược M&A chung ở cả 4 thị trường, nhưng theo giới chuyên môn, cũng có ý nghĩa đánh dấu sự trở lại mở rộng các mảng kinh doanh đặc biệt của các ngân hàng toàn cầu tại thị trường 100 triệu dân. Trong đó, ghi nhận từ 2018 đến nay, nhiều ngân hàng nước ngoài đầu tư hoạt động tại Việt Nam bằng việc mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch. Các ngân hàng này thường đặt kỳ vọng về lợi nhuận tại thị trường Việt Nam, nhất là mảng ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, làn sóng M&A ngân hàng của các nhà đầu tư ngoại và các tập đoàn, định chế tài chính đa quốc gia mới chỉ thực sự trở lại mạnh từ 2021, với thương vụ trong chuỗi mở rộng thị trường tại ASEAN của UOB, trên cơ sở mua lại mảng của Citigroup; và dấu ấn của SMBC khi mua vốn cổ phần FeCredit.
Có nhiều cơ sở để thị trường Việt Nam được đánh giá hấp dẫn trong mắt các định chế quốc tế, trong đó, ngoài nhu cầu tài chính tiêu dùng của 100 triệu dân, cơ hội mở rộng và nhộn nhịp hơn khi kinh tế Việt Nam ngày càng mở, hội nhập sâu toàn cầu mang đến các dòng vốn đa chiều từ các bên.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, xu thế chuyển đổi số đang ngày càng mạnh mẽ trong nền kinh tế các doanh nghiệp cũng đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi, các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn dẫn tới mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Điều này cũng ảnh hưởng và dẫn dắt cả xu thế M&A của các tổ chức trên thị trường tài chính, ngân hàng. Những thương vụ mua lại, tập trung vào các ngân hàng và mảng, miếng có lợi thế tệp dữ liệu khách hàng..., hứa hẹn sẽ giúp các bên mua mở rộng và phục vụ thị trường hiệu quả.
Năm 2022, theo báo cáo "Các xu hướng M&A toàn cầu năm 2022", PwC Việt Nam nhận định các hoạt động M&A dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, bất chấp các biến động thị trường nhờ nguồn vốn sẵn có dồi dào và nhu cầu tăng cao. Trong đó, các thương vụ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được cho nở rộ với sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài.
Báo cáo về triển vọng M&A năm 2023 của PwC Việt Nam tiếp tục dự báo dịch vụ tài chính và thị trường tiêu dùng sẽ là những điểm đến hút dòng tiền M&A tại Việt Nam. Trong đó, với tài chính, theo PwC, sự gián đoạn từ các nền tảng giao dịch và FinTech tạo ra những biến đổi nhanh về công nghệ trên toàn ngành, cũng như thúc đẩy hoạt động M&A trong khi các nhà giao dịch tìm cách thu hút năng lực số.
Có thể bạn quan tâm
VSC “cưỡi sóng” M&A
03:27, 25/02/2023
FPT thực hiện M&A với doanh nghiệp Mỹ
14:00, 23/02/2023
Thấy gì trong xu hướng M&A doanh nghiệp toàn cầu năm 2023?
04:35, 08/02/2023
Nhiều cơ hội lớn trên thị trường M&A Việt Nam 2023
11:24, 12/01/2023
Trở thành thương vụ M&A tiêu biểu, Phúc Long đang là “gà đẻ trứng vàng” của Masan
04:00, 15/12/2022