Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, HoSE: BWE) vừa ban hành Nghị quyết của HĐQT về việc mua cổ phần của một loạt công ty trong ngành.
>>Tìm cổ phiếu phòng thủ: Ngành nước vẫn tạo vòng xoáy dòng tiền
Nếu các đợt mua cổ phần thành công, các công ty này sẽ trở thành công ty con của BWE.
Cụ thể, ngày 10/2 vừa qua, HĐQT BWE đã công bố thông tin HĐQT thông qua kế hoạch dự kiến mua cổ phần với tỷ lệ từ 50- 100% tại các CTCP Đầu tư Hạ tầng DNP Long An, CTCP Công trình Đô thị Châu Thành, CTCP Công trình Đô thị Cần Giuộc, CTCP Nước và Môi trường Bằng Tâm, CTCP Đầu tư Hạ tầng Nước DNP Quảng Bình.
Đây không phải lần đầu BWE công khai kế hoạch thâu tóm loạt các công ty. Trước đó, vào tháng 3/2022, Công ty cũng đã công bố kế hoạch mua cổ phần từ 20- 50% của CTCP Cấp thoát nước Cấp nước Cần Thơ và CTCP Cấp nước Cần Thơ 2, đưa các công ty này thành đơn vị liên kết.
BWE hiện đang là một công ty cấp nước, xử lý dịch vụ môi trường lớn trên thị trường. Theo giới thiệu của công ty, có khoảng hàng chục đơn vị trực thuộc và các chi nhánh, cùng loạt đơn vị liên doanh liên kết (bao gồm 2 công ty đã mua hồi tháng 3/2022). Tất cả các công ty đều cho thấy địa bàn tập trung của BWE là Bình Dương, TP.HCM, Bình Phước, và đang hướng Cần Thơ, Bến Tre, tiến tới mở rộng ra tới tận Miền Trung.
Theo thông tin của công ty, BWE hiện sở hữu 9 nhà máy nước với tổng công suất thiết kế cấp gần 800.000m3/ngày đêm. Đồng thời, BWE đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng truyền tải nước để khai thác được tối đa công suất tăng thêm của các nhà máy.
Đáng chú ý, BWE có cổ đông lớn là CTCP Cấp thoát nước Thủ Dầu Một (TDM), một doanh nghiệp mà trước đó BWE từng là cổ đông chiến lược. Về sau khi BWE IPO và lên sàn, TDM lại trở thành cổ đông chiến lược của BWE, cùng với Becamex và cổ đông lớn Hàn Quốc TSK.
Nếu “soi” kỹ mạng lưới công ty trực thuộc và liên kết theo công bố của BWE, có nhiều đơn vị cũng được xếp vào danh sách con và liên kết của TDM. Do đó, có thể nói việc trở thành “người một nhà” giữa BWE và TDM đang tạo ra lợi thế tổng huy động nguồn lực, mở ra một mạch ngầm M&A cấp thoát nước rộng lớn, có thể biến bộ đôi này trở thành một thế lực lớn trong ngành khi mạnh tay thâu tóm.
Năm 2022, BWE ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm từ 42,2% xuống 40,8%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 1.421 tỷ đồng, chỉ tăng 8% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, BWE lãi trước thuế 838 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 746 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty gần hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tương tự như TDM có kế hoạch chia cổ tức 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 13%, mới đây BWE đã thông qua nghị quyết HĐQT về việc tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 13% (01 cổ phiếu nhận 1.300 đồng). Với 192,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, BWE dự kiến sẽ chi gần 251 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. TDM với tỷ lệ sở hữu lớn vẫn sẽ là cổ đông được lợi.
838 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế của BWE năm 2022, giảm 3% so với thực hiện năm 2021.
Có thể bạn quan tâm