Lợi nhuận bán niên chuyển từ lãi sang lỗ, FRT nói gì?
Cầu hàng hóa giảm mạnh do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cùng với việc cạnh tranh giá bán của các nhà bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và liên tục trong suốt 2 quý đầu năm, khiến FRT lỗ nặng.
>>>Thấy gì từ kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết?
Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2023, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT Retail (HoSE: FRT) ghi nhận doanh thu thuần bán niên đạt hơn 14.923 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp bán niên của doanh nghiêp đạt gần 2.268 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu tài chính của FRT giảm hơn 72,3%, về mức hơn 26 tỷ đồng, trong khi chi phí cho hoạt động này lại tăng hơn 41,7%, lên gần 163 tỷ đồng. Các chi phí khác như chi phí bán hàng tăng hơn 24,3%, lên gần 1.874 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 18,5%, lên hơn 461 tỷ đồng.
Tất cả những yếu tố này đã khiến lợi nhuận sau thuế bán niên năm 2023 của doanh nghiệp ngành bán lẻ này ghi nhận âm gần 213 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ, doanh nghiệp lãi hơn 216 tỷ đồng.
Theo giải trình từ lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân của việc chuyển từ lãi sang lỗ trong 6 tháng đầu năm là do trong 6 tháng đầu năm, mặc dù công ty con của FRT là Công ty CP Dược phẩm Long Châu mở mới 565 cửa hàng so với quý II/2022, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng hợp nhất toàn công ty.
Tuy nhiên, lợi nhuận của Long Châu hiện tại chưa đủ lớn để bù đắp phần lỗ đến từ mảng ICT của công ty mẹ, dẫn đến lợi nhuận hợp nhất toàn công ty bị lỗ. Do đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập hợp nhất chuyển từ lãi trong 6 tháng đầu năm 2022, sang lỗ trong 6 tháng đầu năm 2023, do lợi nhuận trên báo cáo tài chính riêng giảm mạnh (-318 tỷ đồng).
Đối với việc lợi nhuận trên báo cáo tài chính riêng lỗ hơn 318 tỷ đồng này, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân là do trong 6 tháng đầu năm nay, cầu hàng hóa giảm mạnh do tác động tiêu cực từ các yếu tố vĩ mô: xuất nhập khẩu giảm, thu nhập giảm, thất nghiệp tăng… ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là đối với những mặt hàng giá trị cao. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh giá bán của các nhà bán lẻ diễn ra mạnh mẽ và liên tục trong suốt 2 quý đầu năm.
>>>Ngành bán lẻ tăng tốc trên "đường đua 4.0"
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhìn nhận, khó khăn có thể còn kéo dài hết năm 2023. Về dài hạn, lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng, điểm rơi lợi nhuận tăng trưởng dương của doanh nghiệp có được với triển vọng của chuỗi nhà thuốc Long Châu.
Hiện doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng chuỗi nhà thuốc này, nên chưa đóng góp lợi nhuận đáng kể. Sau dược phẩm, FRT có thể nhắm đến một số ngành bán lẻ vừa triển vọng lại an toàn như ăn uống, hàng tiêu dùng, mẹ và bé…
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), doanh thu trong quý II/2023 của Long Châu tiếp tục tăng mạnh 96,9% so với cùng kỳ năm trước, lên 3.565 tỷ đồng, khả năng nhờ doanh thu của các cửa hàng cũ vẫn tăng trưởng tốt và Long Châu tiếp tục tích cực mở cửa hàng mới trong quý II/2023, tăng 187 cửa hàng so với quý trước, nâng số lượng cửa hàng lên 1.243 cửa hàng vào cuối quý II/2023.
Do đó, doanh thu/ cửa hàng của Long Châu trong quý II/2023 vẫn ổn định ở mức 1,05 tỷ đồng/tháng so với 1,10 - 1,16 tỷ đồng trong 2 quý trước. Theo BVSC, những lợi thế tiên phong của Long Châu, cùng với việc mở rộng mạnh mẽ mạng lưới cửa hàng, củng cố vị trí dẫn đầu thị trường và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ.
Dù tích cực mở mới cửa hàng, chi phí hoạt động quý II/2023 của Long Châu được kiểm soát tốt ở mức 701 tỷ đồng, tăng 7,8% và tăng 86,1% cùng kỳ năm – chậm hơn nhiều so với tăng trưởng doanh thu. Do đó, chi phí hoạt động/doanh thu thuần trong quý II/2023 giảm xuống mức thấp thứ hai trong quý I/2020 – quý II/2023 ở mức 19,7%. Điểm tích cực là lợi nhuận ròng quý II/2023 của Long Châu tăng lên 33 tỷ đồng so với khoản lỗ 1 tỷ đồng trong quý II/2022.
BVSC cho rằng, biên lợi nhuận mảng MCE suy yếu trong quý II/2023 là không tránh khỏi do nhu cầu sụt giảm và giá cả cạnh tranh. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp của Long Châu trong quý II/2023 có xu hướng giảm so với quý trước, nhưng đi ngang so với cùng kỳ năm, do cơ cấu sản phẩm không thuận lợi khi khách hàng cẩn trọng trong chi tiêu và hoạt động mở rộng sang các tỉnh cấp thấp hơn.
Trong thời gian tới, BVSC kỳ vọng, biên lợi nhuận cải thiện nhờ cải thiện tâm lý tiêu dùng, mùa cao điểm, chu kỳ thay mới (mảng MCE), dân số già hóa và gia tăng nhận thức về sức khỏe.
“Những lợi thế tiên phong của Long Châu giúp mang lại đóng góp lợi nhuận đáng kể hơn, trong khi chuỗi di động có khả năng chuyển biến ghi nhận lợi nhuận trong 2024. Đồng thời, với những nỗ lực mở rộng mạng lưới cửa hàng hiệu quả trên toàn quốc, củng cố triển vọng mạnh mẽ của Long Châu trên thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam”, BVSC đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Thấy gì từ kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết?
05:12, 31/07/2023
Cổ phiếu TCB tăng sát trần nhờ kết quả kinh doanh khả quan
05:20, 26/07/2023
MSB công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm
08:24, 24/07/2023
Cổ phiếu CTG "hút tiền" sau thông tin kết quả kinh doanh tăng trưởng
05:05, 13/07/2023
Nhìn lại “cái chết” của “viên ngọc quý” ngành bán lẻ nước Mỹ, Bed Bath & Beyond
03:30, 27/04/2023
Ngành bán lẻ tăng tốc trên "đường đua 4.0"
14:06, 06/04/2023