Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo sự thay đổi nhu cầu người tiêu dùng đang tạo ra thách thức buộc các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu phải thay đổi để tồn tại và phát triển.
>>>Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2023 ước đạt 1.187,2 nghìn tỷ đồng
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, CMCN 4.0 đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội trên toàn thế giới.
Riêng đối với ngành dịch vụ bán lẻ, sự cần thiết phải ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 nhằm vượt qua thách thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đang buộc các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn cầu phải thay đổi để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
TS Đinh Thị Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương nhận định, thị trường Việt Nam đã có bước phát triển ổn định trong suốt giai đoạn 2017-2022, bất chấp những khó khăn của thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Quý I/2023, Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1187 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với quý 1/2022, chiếm 78,9% tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước trong quý đầu năm nay.
Kết quả khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, tình hình chung năm 2022 là sự phục hồi về doanh thu. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30,7%), số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.
Dự báo xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, TS. Đinh Thị Bảo Linh nhận định, ở cách tiếp cận sát với thị trường bán lẻ, có thể thấy Cách mạng công nghiệp 4.0 với các bước tiến lớn về công nghệ sẽ thúc đẩy nhanh quá trình tự động hóa, hình thành các mạng lưới chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu trên diện rộng, kết nối cả về không gian (toàn cầu) và thời gian (từ quá khứ đến tương lai), và do từng bước làm nhòa ranh giới về vật lý.
Thị trường bản lẻ quốc tế và Việt Nam không ngừng vận động theo xu hướng CMCN 4.0, mang lại cả những cơ hội và thách thức mới. Tăng cường khả năng đón bắt xu hướng thị trường, thích ứng và phát triển bền vững là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ.
Trong khi đó, chỉ ra thách thức với ngành, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện phó Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, hành vi người tiêu dùng đang thay đổi kinh điển. Điều này cho thấy thói quen tiêu dùng của người dân, dùng hàng hiệu để khẳng định mình. Biến hàng hiệu thành tài sản, thành sản phẩm tích trữ tài sản để lại đời sau. Điều này đã biến nhà bán hàng hiệu thành người giàu nhất thế giới.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng chỉ ra những khó khăn đối với nhà bán lẻ. Theo đó, ông Ánh cho rằng, trước đây, người tiêu dùng, chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm đến sự chuyên nghiệp của các nhà bán lẻ, tuy nhiên, thời gian qua đã phát triển mạnh công nghệ, biến người người, nhà nhà trở thành người bán lẻ.
"Tôi rất quan ngại về vấn đề này. Thời điểm hiện nay, quyết định chuỗi sản xuất, không phải nhà sản xuất mà là nhà bán lẻ, hệ thống phân phối mới là người cuối cùng quyết định chuỗi giá trị. Theo đó, thời nay, các nhà bán lẻ nắm bắt được thói quen, nhu cầu của người tiêu dùng rồi đưa thông tin đến nhà sản xuất, nhà thiết kế từ đó quyết định hệ giá trị, giá trị sản xuất", ông Ánh nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng nhấn mạnh tới những thách thức lớn của ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay. Đầu tiên đó là tính cạnh tranh không biên giới. Hiện đã có nhiều người mua hàng từ Trung Quốc vì giá rẻ hơn, trong khi người Việt ta cũng có thể sản xuất ra hàng hóa và bán sang Mỹ. Cùng với đó, việc 80% hàng hóa tại các cửa hàng đều hàng hóa từ Trung Quốc, và với giá cả thấp đã cho thấy hàng hóa Trung Quốc có tính cạnh tranh cao khiến các nhà bán lẻ và sản phẩm trong nước yếu tính cạnh tranh hơn.
>>>Vì đâu các nhà bán lẻ Nhật Bản "thích" Việt Nam?
Trước những thách thức của ngành bán lẻ tới đây, TS. Đinh Thị Bảo Linh nhận định, bên cạnh những nỗ lực từ phía Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý phù hợp và thông thoáng, các nhà bán lẻ cần từng bước tạo lập quy trình để khách hàng có thể tự lựa chọn hàng hóa, phục vụ, thanh toán, hoàn trả, đổi hàng nhanh chóng để giảm các chi phí chăm sóc khách hàng vốn rất tốn kém.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hưng, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng: Thương mại điện tử Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng nhanh sau 2 giai đoạn manh nha và đang có mức tăng trưởng doanh thu rất ấn tượng. Nếu như năm 2015 có doanh thu bán lẻ TMĐT chỉ đạt 4 tỷ USD, đến 2022 bán lẻ thương mại điện tử đã tăng lên 20 tỷ USD.
Bán lẻ hàng hóa trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, tập trung ở các ông lớn Shopee, Lazada…. Thương mại điện tử hiện đang chiếm hơn 7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.
"Bán lẻ hàng hóa và thương mại điện tử đang quyện hòa vào nhau khi phương thức bán hàng đa kênh đang trở thành xu thế của thời đại. Thậm chí, cả cửa hàng tạp hóa cũng đã trở thành nơi đang ưu tiên áp dụng và đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử", ông Hưng nói.
Có thể bạn quan tâm
16:00, 05/04/2023
11:01, 31/03/2023
02:00, 26/03/2023
03:00, 25/03/2023
03:55, 23/03/2023