Nhiều đại biểu đề xuất bổ sung chính sách trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, như miễn, giảm thuế thu nhập cho chuyên gia công nghệ, đẩy mạnh đào tạo thu hút nhân tài.
Dự kiến, Dự thảo sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Thực tế hiện nay, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tiên phong trên thế giới trong việc xây dựng một khung pháp lý riêng cho ngành công nghiệp công nghệ số. Việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số không chỉ là bước tiến lớn cho Việt Nam mà còn khẳng định vị thế của đất nước trong việc dẫn dắt xu hướng công nghệ toàn cầu. Với những chính sách đúng đắn, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong, đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được xây dựng nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, khắc phục các hạn chế trong thực thi pháp luật hiện hành. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, ưu đãi cho ngành công nghiệp công nghệ số, kế thừa các quy định phù hợp và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Dự thảo được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo gồm 9 chương, 60 điều quy định về các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, gồm hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu; phát triển thị trường nước ngoài, trong nước; ưu đãi (thuế, đất đai, tín dụng, tài chính…); ưu đãi với khu công nghệ số; quản lý, khai thác dữ liệu số; thúc đẩy thông minh hóa các ngành thông qua ứng dụng công nghệ số; thủ tục thành lập, đầu tư khu công nghệ số…
Về nhân lực cho công nghiệp công nghệ số, Dự thảo có các chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng của ngành công nghiệp công nghệ số, trong đó chú trọng cơ chế thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chuyên nghiệp; khuyến khích, mở rộng các mô hình đào tạo mới. Song, nhiều ý kiến cho rằng, những nội dung này còn mang tính khái quát, cần bổ sung các chính sách nhân tài mang tính đột phá, cụ thể hơn.
Theo đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Nghị quyết số 57-NQ/TW đòi hỏi có chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng nhân tài công nghệ trong và ngoài nước với các cơ chế đột phá. Mặc dù Dự thảo đã đề cập đến nội dung này tại Điều 25, song nội dung còn chung chung, chưa cụ thể hóa các ưu đãi mang tính vượt trội.
“Hiện chưa có quy định miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia công nghệ cao, hay tạo thuận lợi về thủ tục lưu trú dài hạn cho chuyên gia nước ngoài; thiếu chính sách thu hút sinh viên giỏi vào các ngành công nghệ chiến lược. Những hạn chế này khiến khó cạnh tranh thu hút chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp tục thiếu hụt”, đại biểu Trần Văn Khải dẫn chứng.
Từ đó, đại biểu kiến nghị, bổ sung các chính sách nhân tài mang tính đột phá như miễn, giảm thuế thu nhập cho chuyên gia công nghệ; đơn giản hóa thủ tục lưu trú cho chuyên gia nước ngoài và tăng cường hỗ trợ đào tạo nhân tài công nghệ số. Những giải pháp này sẽ thể chế hóa định hướng Nghị quyết số 57-NQ/TW, tạo lợi thế cho Việt Nam trong cạnh tranh nhân lực chất lượng cao.
“Tôi đề nghị Quốc hội xem xét tiếp thu các kiến nghị, chỉnh lý Dự thảo, bảo đảm luật này thực sự thể chế hóa hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, tạo đột phá, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước”, đại biểu này nhấn mạnh.
Cũng quan tâm đến chính sách để thu hút nhân lực, ông Phạm Trọng Nghĩa, đại biểu chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết, theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới vào năm 2023, nhu cầu nhân sự công nghệ số toàn cầu sẽ tăng lên 149 triệu vào năm 2030; ngành công nghệ số sẽ cần thêm khoảng 66 triệu lao động có kỹ năng số, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 10-12%.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, Dự thảo đã đưa ra một số ưu đãi nhằm đào tạo và thu hút nhân lực cho công nghiệp công nghệ số thông qua các chính sách như hỗ trợ học bổng; thu hút chuyên gia nước ngoài và trọng dụng nhân tài, tuy nhiên, việc thu hút nhân lực, nhất là tài năng công nghệ số đòi hỏi cạnh tranh quốc tế rất cao.
"Để thu hút được nhân tài quốc tế và tránh việc chảy máu nhân tài trong nước, các chính sách ưu đãi phải vượt trội, đặc thù, đặc biệt như Nghị quyết số 57-NQ/TW đã xác định, đồng thời phải đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác”, ông Nghĩa nhấn mạnh.