24h

Luật Hải quan (sửa đổi): Góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao

Gia Nguyễn 18/07/2025 03:30

Không chỉ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, những sửa đổi của Luật Hải quan vừa qua còn được cho sẽ góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao...

Thông tin từ Cục Hải quan cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, Cục Hải quan đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý trong hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ cao, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

luat-hai-quan-sua-doi-17.7.2.jpg
Luật Hải quan đã sửa đổi quy định về điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao - Ảnh: Cục Hải quan

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 192/2025/QH15 và Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính (Cục Hải quan) đã tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực hải quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Luật Hải quan những chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn về pháp luật, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 8%.

Theo Cục Hải quan, nhận thấy, công nghiệp bán dẫn là cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 5, là động lực phát triển nền tảng cho các tiến bộ về khoa học, công nghệ. Hiện nay nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã có các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài và trong nước nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn như chính sách tạo thuận lợi thương mại mà ưu đãi thủ tục hải quan là một phần trong đó.

Do vậy, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đặc biệt là doanh nghiệp mới được thành lập và thống nhất với Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Hải quan đã sửa đổi quy định về điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp thực hiện dự án công nghệ chiến lược; doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm chip bán dẫn, dự án xây dựng trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo; doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm phụ trợ trực tiếp trong công nghiệp bán dẫn. Các doanh nghiệp này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

luat-hai-quan-sua-doi-17.7.1.jpg
Cơ quan Hải quan tin tưởng, những sửa đổi, bổ sung tại Luật Hải quan vừa qua sẽ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao - Ảnh: Cục Hải quan

Theo đó, so với điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên cho các doanh nghiệp thông thường, các doanh nghiệp nêu trên không cần đáp ứng điều kiện về kim ngạch và điều kiện về tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế trong 2 năm liên tục.

“Không chỉ có vậy, để minh bạch về chế độ ưu tiên, tại nội dung sửa đổi Luật Hải quan cũng đã bổ sung quy định chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp nêu trên được áp dụng với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ chiến lược, công nghệ số trọng điểm theo danh mục do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Danh mục này có mã số hàng hóa thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam”, Cục Hải quan thông tin.

Ngoài ra, cũng theo Cục Hải quan, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Quốc hội và của Chính phủ về nhiệm vụ thiết lập cơ chế làn xanh để hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ; sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, đặc biệt là hoạt động mua bán hàng hoá giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài và được chỉ định giao hàng tại Việt Nam để giảm thời gian thông quan và thủ tục tương đương với các nước trong khu vực.

Đồng thời để tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý cho hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, Luật Hải quan đã bổ sung 01 Điều quy định về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, đồng thời loại bỏ các điểm nghẽn, đảm bảo ổn định chính sách.

“Các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Hải quan nêu trên là bước chuyển mới tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp bán dẫn của khu vực và thế giới”, Cục Hải quan chia sẻ.

Được biết, các nội dung sửa đổi, bổ sung này đã được đưa vào Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật số 90/2025/QH15) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua.

Cụ thể, Điều 3, Luật số 90/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan bao gồm: Sửa đổi, bổ sung Điều 42 về điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên và Bổ sung Điều 47a vào sau Điều 47 (“Điều 47a. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ").

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Hải quan (sửa đổi): Góp phần thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO