“Của để dành” của SIP
Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (HoSE: SIP) đang có “của để dành” rất lớn khi tổng diện tích bất động sản khu công nghiệp (KCN) thực cho thuê ròng còn lại lên tới hàng nghìn ha.
>>>Bất động sản KCN trong 5 năm tới sẽ ra sao?
Đây là lý do giúp giá cổ phiếu SIP đã tăng lên mạnh ngay sau khi chào sàn với mức giá vào top thị giá cao.
Thoái vốn, tạo nguồn đầu tư
Sự hưởng ứng của nhà đầu tư đối với SIP không chỉ bởi không khí chung của thị trường với VN-Index vững vàng trên 1.200 điểm, mà còn là kết quả kinh doanh và các triển vọng mà SIP đưa ra.
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu tài chính của SIP đều giảm, nhưng tính trên kế hoạch kinh doanh năm 2023, công ty đã hoàn thành 58,6% so với kế hoạch.
Để hoàn thành được kế hoạch nói trên, có đà cho không khí niêm yết tại sàn mới và cho các kế hoạch, trước đó, SIP cũng đã hoàn tất thoái vốn tại công ty liên kết gồm 8,5 triệu cổ phần tại CTCP Xây dựng và Phát triển Thế Hệ Mới; cùng với hai công ty con của SIP CTCP Phát triển Dịch vụ Sài Gòn VRG và CTCP Xây dựng Incontec cũng lần lượt bán ra, hạ tỷ lệ sở hữu.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT SIP, Công ty đang tập trung vốn để phát triển dự án mới, đặc biệt để đền bù giải phóng mặt bằng giai đoạn 3 KCN Phước Đông nên sẽ thoái vốn một số mảng có thể thoái vốn được.
Nói cách khác, một trong những “gà đẻ trứng” doanh thu mảng KCN của SIP sẽ có một nguồn vốn bổ sung, sẵn sàng để công ty tiếp tục xử lý các công đoạn, trên nền chi phí xây dựng dở dang khá ngốn tiền của dự án này (ghi nhận tại cuối 30/6/2023 hơn 1.257 tỷ đồng).
>>>Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp có còn dư địa tăng trưởng?
Tăng vốn, giảm rủi ro
Trong tổng tài sản của SIP tính tới 30/6/2023, với giá trị 20.148,6 tỷ đồng, tài sản bất động sản đầu tư chiếm 26,1%; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 23%; các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 18%; tài sản dở dang dài hạn 14,7%.
Theo báo cáo tài chính của SIP, công ty có danh mục các dự án bất động sản gồm một loạt dự án KCN, như Phước Đông, Lê Minh Xuân, Lộc An -Bình Sơn và các Khu dân cư.
Trong đó, bất động sản KCN vẫn là tài sản sáng giá nhất của doanh nghiệp này, nhất là khi các dự án còn có các giai đoạn chưa khai thác kế tiếp như Phước Đông còn nguyên giai đoạn 2 dự kiến 560 ha. Tính chung các dự án, tổng diện tích thực cho thuê ròng còn lại lên tới trên 1.000 ha. Đây được xem là “của để dành” của SIP, giúp tạo sức hút đối với các cổ đông, nhà đầu tư quan tâm SIP, do bất động sản KCN vẫn đã, đang là điểm sáng thu hút FDI, và quỹ đất ròng để khai thác cho thuê mới của các doanh nghiệp bất động sản KCN nói chung lại ngày càng cạn.
Tuy nhiên, để khai thác được dự án giai đoạn mới, cần vốn đầu tư lớn. Ngoài khoản tiền mặt lớn chiếm hơn 18% tổng tài sản hiện hữu, dài hạn, SIP vẫn cần đa dạng nguồn vốn đầu tư và quy mô đối ứng phù hợp. Tăng vốn, với kế hoạch chia cổ tức khủng tới 100%, trong đó, 45% là trả cổ tức 2022 và thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 55%, SIP có thể đẩy vốn điều lệ lên trên 1.818 tỷ đồng.
Đây cũng là yếu tố tạo sức hút với cổ phiếu SIP trong thời gian đầu lên sàn HoSE, và là cơ hội của các nhà đầu tư cá nhân khi cổ phiếu SIP có lượng cổ phiếu thả nổi tới hơn 47%. Ở khía cạnh khác, đây cũng là giải pháp “một công đôi việc” tăng tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ của các cổ đông hiện hữu, giảm bớt rủi ro thanh khoản tỷ lệ kiểm soát loãng, doanh nghiệp lại hiện diện trên sàn lớn.
Có thể bạn quan tâm