Lỗ lũy kế gần 3.000 tỷ đồng, cổ phiếu HAG tiếp tục bị cảnh báo
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa có quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG), do lỗ lũy kế hơn 2.959 tỷ đồng.
>>>HAG trầy trật kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ
Lý do cổ phiếu HAG bị giữ nguyên diện cảnh báo được HoSE đưa ra là do lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 30/6/2023 của doanh nghiệp là âm hơn 2.959 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2023, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 37, Quy chế Niêm yết và Giao dịch Chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV, ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, HAG đã công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, với doanh thu ghi nhận đạt 3.145 tỷ đồng, giảm 2 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập. Lợi nhuận sau thuế giảm 20 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập, xuống còn 385 đồng.
Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, HAG tăng 55% về doanh thu từ 2.030 tỷ đồng, lên 3.145 tỷ đồng, nhưng lãi ròng lại giảm 30%, xuống còn 385 tỷ đồng (giảm gần 138 tỷ đồng).
Theo giải trình từ HAG, lãi ròng giảm là do lợi nhuận gộp tăng hơn 163 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu bán heo, trái cây và hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính giảm gần 32 tỷ là do giảm lãi từ việc thanh lý các khoản đầu tư; chi phí tài chính giảm gần 508 tỷ đồng là do dự phòng các khoản đầu tư vào nhóm Công ty HNG giảm. Đồng thời, lỗ chênh lệch tỷ giả hối đoái cũng giảm so với cùng kỳ năm 2022 và chi phí quản lý doanh nghiệp biến động lớn là do giảm hoãn nhập dự phòng các công nợ phải thu.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính bán niên 2023 của HAG còn ghi nhận ý kiến nhấn mạnh của đơn vị kiểm toán, nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Cụ thể, kiểm toán nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế của HAG tính tới 30/6 là 2.959 tỷ đồng và nợ ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 2.004 tỷ đồng.
Giải trình về vấn đề này, HAG cho biết, tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất bản niên 2023 đã được soát xét, Tập đoàn đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo, gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Doanh nghiệp cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan. Công ty đang trong quá trình đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn, đồng thời hoạt động kinh doanh từ heo và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2023. Theo đó, HAG cho rằng công ty có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.
Ở một diễn biến khác, mới đây, HAG đã có thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Theo đó, HAG lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư với giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngày chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến là ngày 10/08/2023.
Trường hợp cổ phiếu không phân phối hết, ủy quyền cho HĐQT toàn quyền quyết định về điều kiện và đối tượng chào bán số cổ phiếu chưa phân phối hết (nếu có) với giá bán không thấp hơn giá chào bán dự kiến và đảm bảo tổng số lượng nhà đầu tư được chào bán của đợt chào bán này dưới 100 nhà đầu tư.
Tổng số tiền dự kiến thu được 1.300 tỷ đồng, HAG sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho công ty con, thanh toán các khoản nợ của HAG và công ty con. Trong đó, 323 tỷ đồng sẽ dùng thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do HAG phát hành ngày 18/06/2012 (mã HAG2012.300), 277 tỷ đồng để cơ cấu lại các khoản vay nợ tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang và 700 tỷ đồng dùng bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai. Thời gian giải ngân dự kiến từ 2023 - 2024.
Trường hợp việc chào bán cổ phiếu không thu đủ số tiền cho các mục đích trên, ĐHĐCĐ đồng ý ủy quyền và giao cho HĐQT triển khai các phương án bù đắp thiếu hụt như huy động từ các nguồn vốn khác, sử dụng vốn lưu động, sử dụng nguồn tiền từ doanh thu các dự án đã hoạt động, vay ngân hàng... Đồng thời, ủy quyền cho HĐQT căn cứ vào tình hình hoạt động cụ thể của Công ty quyết định phương án sử dụng vốn.
Có thể bạn quan tâm