VietCredit gặp khó
Thu không đủ chi, chịu áp lực cạnh tranh rất lớn… khiến Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit, HoSE: TIN) đang gặp nhiều khó khăn.
>>>Khó khởi kiện, khách vay tiêu dùng không trả nợ tăng
VietCredit vừa có báo cáo giải trình về việc chênh lệch lãi trong báo cáo tài chính tự lập, chuyển thành lỗ trong báo cáo tài chính được kiểm toán.
Loạt “ông lớn” báo lỗ
Không chỉ VietCredit đang chuyển lãi thành lỗ, mà hầu hết các doanh nghiệp cho vay tiêu dùng đều đang khó khăn trong bối cảnh người dân thắt lưng buộc bụng tiêu dùng, tỷ lệ “bùng nợ” cao sau đợt rà soát thanh, kiểm tra hoạt động cho vay - đòi nợ tại các công ty tài chính tiêu dùng và cầm đồ thời gian qua.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023, loạt “ông lớn” thị phần top đầu đều báo lỗ hoặc lãi thấp. Điển hình FE Credit ghi nhận khoản lỗ sau thuế 2.996 tỷ đồng trong 6 tháng đầu 2023.
Home Credit Việt Nam có báo cáo lợi nhuận sau thuế chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Hay lợi nhuận trước thuế của HD Saison chỉ đạt 314 tỷ đồng.
>>>Áp lực trích lập dự phòng nợ xấu
Trong khi đó, dẫn đầu về mạng lưới, thị phần cầm đồ với tệp khách hàng underbank, nhóm công nhân và người lao động thu nhập thấp, F88 cũng bao lỗ kỷ lục 368,01 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ lãi 46,273 tỷ đồng. Đáng chú ý, ROE của F88 đã giảm mạnh từ 9,1%, về âm 30,1%...
73,6 tỷ đồng là khoản lỗ của VietCredit trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ lãi hơn 49 tỷ đồng.
VietCredit thu không đủ chi
Theo báo cáo tài chính giữa niên độ 2023 đã được soát xét của VietCredit, so với Báo cáo tài chính bán niên 2023 tự lập, thu nhập lãi thuần của VietCredit giảm 16%, từ 582 tỷ đồng xuống còn 488 tỷ đồng. Với thu nhập không đủ bù đắp chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khiến VietCredit chuyển từ lãi trước thuế hơn 17 tỷ đồng sang lỗ gần 74 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm sau kiểm toán.
Theo giải trình của VietCredit, nguyên nhân gây ra khoản chênh lệch thu nhập lãi thuần chủ yếu do công ty điều chỉnh phân bổ một số loại phí phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thông qua thẻ tín dụng, thay vì ghi nhận một lần tại thời điểm phát sinh như nhiều loại doanh thu phí khác.
Ghi nhận theo báo cáo, tại thời điểm cuối quý II/2023, nợ xấu của VietCredit ở mức 819 tỷ đồng, tăng 56% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) gấp hơn 2 lần, lên gần 486 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 53,4% xuống còn 47%.
Một trong những diễn biễn liên quan đến VietCredit, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) công bố thực hiện đấu giá, chào bán hơn 10 triệu cổ phiếu TIN, tương ứng 14,3% vốn điều lệ tại VietCredit, với giá khởi điểm 71.759 đồng/cp, thông qua phương thức đấu giá công khai tại HNX vào 29/8 vừa qua. Tuy nhiên, hoạt động đấu giá đã không diễn ra.
Trên thị trường, cổ phiếu TIN sau một vài phiên tăng đột biến trong giữa tháng 8 (lên quanh 18.000đ/cp) và hiện chỉ còn 12.500đ/cp, đều thấp xa so với giá mà Vicem muốn chào bán. Do đó, thông báo của HNX về việc không tổ chức đợt đấu giá do không đủ điều kiện, mà cụ thể là “không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia” khi đến thời hạn đăng ký, là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Với kết quả kinh doanh đi xuống, trong bối cảnh không mấy lạc quan như hiện tại, khả năng Vicem đấu giá thành công cổ phiếu TIN thời gian tới sẽ rất khó khăn. Không chỉ vậy, do giảm tổng tài sản 8% so với đầu năm nay, chỉ đạt hơn 6.009 tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2023, VietCredit bị đẩy vào nhóm công ty tài chính nhỏ nhất trong hệ thống. Do đó, theo một chuyên gia tài chính, trong thời gian trước mắt, cạnh tranh của VietCredit trên thị trường cũng sẽ không còn thuận lợi.
Có thể bạn quan tâm
“Dẹp loạn” cho vay tiêu dùng
03:30, 03/05/2023
Làm sao tiếp cận gói vay tiêu dùng lãi suất giảm 50% của Fe Credit?
15:30, 25/08/2022
Shinhan Việt Nam ra mắt giải pháp vay tiêu dùng trực tuyến
15:09, 15/08/2022
Vững tâm tài chính với gói vay tiêu dùng lên đến 130 triệu từ HD SAISON
04:03, 21/04/2022
Cần kiểm soát đúng vay tiêu dùng
04:30, 20/02/2022