Theo dấu chân Voọc Cát Bà
Đến thăm Cát Bà, nhiều du khách mong muốn được chứng kiến tận mắt loài voọc - loài linh trưởng quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
>>[Emagazine] Cát Bà mùa biển lặng
Tuy nhiên, voọc chỉ “ra mắt” với ai có “duyên” với chúng. May mắn, chúng tôi vừa có được “duyên” ấy…
Giữa chiều một đông ngày cuối năm, khi ánh nắng luồn lách qua đám mây mỏng dát vàng mặt vịnh Lan Hạ, theo chân cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà, lên ca-nô rời bến tàu khách Cái Bèo đưa chúng tôi bắt đầu hành trình theo dấu chân voọc Cát Bà.
Trước khi rời bến, chúng tôi đã may mắn có dịp được trò chuyện với anh Nguyễn Huy Cầm – Cán bộ kiểm lâm vườn Quốc gia Cát Bà, người gắn bó với voọc Cát Bà hơn 20 năm kể lại những câu chuyện về loài linh trưởng quý hiếm, có tên trong danh sách 25 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới này.
Theo anh Cầm, voọc Cát Bà có tuổi thọ trung bình trên dưới 20 năm. Voọc cái mang thai 6 tháng, nuôi con từ 1,5 - 2 năm. Khoảng 3 tháng đầu, con non hoàn toàn bú sữa mẹ, sau đó được tập cho ăn chồi, lá non. Khi mới sinh ra, voọc có bộ lông màu vàng cam nhìn rất đẹp mắt, sau đó màu sắc chuyển dần và đến khi trưởng thành (5-6 tuổi) toàn thân màu đen, phần chóp đầu màu trắng. Cơ cấu đàn voọc gồm con đực trưởng thành là đầu đàn và voọc cái, con non. Khi con non đến tuổi trưởng thành, nếu là cái sẽ được giữ lại, còn đực bị đuổi đi để lập đàn mới. Những con đực bị đuổi đi lang bạt hết khu vực này đến khu vực khác, có khi kết hợp với kẻ cùng cảnh ngộ chờ cơ hội đánh đuổi con đực đầu đàn làm thủ lĩnh mới.
Theo lời anh Nguyễn Huy Cầm kể lại, giống như nhiều loài linh trưởng khác, voọc Cát Bà phân chia khu vực sinh sống và có ý thức bảo vệ lãnh địa của mình. Kẻ thù chủ yếu của chúng là khỉ vàng và những đàn voọc khác. Trong những cuộc chiến tranh giành lãnh địa với khỉ vàng, nếu ở thế đối đầu 1-1, bao giờ voọc cũng chiến thắng. Tuy nhiên, khỉ vàng thường “chơi xấu” kéo bầy đàn với số lượng gấp 3-4 lần khiến voọc thất thế trong những cuộc giao tranh. Ngoài khỉ vàng, đàn voọc còn phải đối đầu với những đàn voọc khác và “nội chiến” trong chính bầy đàn.
Kể đến đây, bỗng anh Cầm dừng lại: Thôi, các đồng chí lên đường đi kẻo muộn lại không gặp được đàn voọc nào. Trên đường đi có gì thắc mắc thì cứ hỏi người “dẫn đường”.
>>Sức quyến rũ của mùa thu Cát Bà
Và hành trình theo dấu chân voọc của chúng tôi cũng bắt đầu. Lần lượt qua khu vực Cửa Đông, tiếp đó là hang Cái và Giỏ Cùng, 3 khu vực bầy voọc thường xuyên sinh sống, “người dẫn đường” đã chia sẻ cho chúng tôi những điều thú vị liên quan đến quá trình sinh trưởng, tập tính sinh hoạt ít người biết về voọc Cát Bà.
19 giờ, bóng tối đã bao trùm khắp ngóc ngách trên vịnh Lan Hạ, nhưng chúng tôi vẫn không thấy bóng dáng bầy voọc nào. Nhìn những gương mặt đầy thất vọng, anh cán bộ kiểm lâm lại động viên: “Nhiều chuyến đi kéo dài cả tuần, chúng tôi cũng không thấy bóng dáng chúng đâu. Bởi, cả khu vực rộng lớn hàng trăm ha, chỉ có khoảng 70 con voọc sinh sống. Chúng lại được chia thành nhiều đàn, lại không ở cố định 1 điểm, thường lang thang kiếm ăn có khi cách xa hang hàng chục cây số. Vì vậy, muốn gặp được voọc, ngoài sự kiên nhẫn, còn thêm chữ duyên”.
Lời động viên của anh cán bộ kiểm lâm đã cho chúng tôi thêm động lực và quyết định nghỉ đêm tại Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng. Sau giấc ngủ vội vàng, 4 giờ sáng hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục hành trình theo dấu chân voọc.
Thẩn thơ vòng qua, vòng lại khu vực Giỏ Cùng và hang Cái rộng lớn đến giữa trưa mà voọc vẫn “bóng chim, tăm cá”. Mặt trời lên đỉnh đầu, chiếc ca-nô chở chúng tôi đành ngậm ngùi quay lại điểm xuất phát. Nhưng có lẽ “trời không phụ lòng người”, khi ngang qua khu vực Cửa Đông, giữa lúc chúng tôi “buông xuôi” hẹn lần sau trở lại thì anh đồng nghiệp bỗng reo lên: “Voọc. Voọc. Voọc kìa!”. Bao cảm xúc như vỡ oà.
Hướng ống kính máy ảnh ra xa, bầy voọc Cát Bà hiện lên trước mắt chúng tôi bằng xương bằng thịt. Những con voọc lớn nhỏ vừa đùa nghịch, vừa vặt lá cây nhai rau ráu trong khi con đầu đàn nghễu nghện trên ngọn cây cao nhất cảnh giới. Nhưng chúng tôi chỉ tiếp cận được khoảng 50m thì chúng đã gọi nhau lên vách núi tránh nắng bằng cách quăng mình trên cành cây. Một con non mới sinh được mẹ bế trước ngực. Con đầu đàn luôn chiếm một vị trí cao nhất để quan sát và cảnh giới, nó liên tục phát ra tiếng gầm gừ lạ tai.
“Mọi người nhìn kìa, con đầu đàn đang tạo dáng cho chúng ta chụp ảnh đấy”- anh cán bộ kiểm lâm tếu táo, rồi cất tiếng cười vang cả vùng vịnh Lan Hạ đầy mộng mơ và yên bình…
Có thể bạn quan tâm
Du thuyền vịnh Lan Hạ: Xu hướng du lịch mới
03:45, 13/11/2022
Một ngày khám phá tuyệt tác thiên nhiên giữa vịnh Lan Hạ
00:51, 04/02/2022
"Biệt thự xanh" bên Vịnh Lan hạ: Second Homes hấp dẫn và hữu hạn
09:00, 07/10/2021
Premium Ocean Villa: Thiên đường nghỉ dưỡng bốn mùa bên vịnh Lan Hạ
15:46, 05/10/2021