Hẹn em trên đỉnh Tà Chì Nhù!

PHƯƠNG THẢO 14/11/2023 01:30

Tôi bảo anh cứ lên trước đi, nhưng anh nhất định leo cùng tôi thêm một quãng dài, biết chắc chân tôi không còn bị căng cơ nữa, anh mới rảo bước lên trên: “Hẹn em trên đỉnh Tà Chì Nhù nhé!”

>>Trải nghiệm những “cột mốc thiên đường” vùng biên ải

Tà Chì Nhù thuộc bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, Tỉnh Yên Bái, cao 2.979m so với mực nước biển, là một phần của khối núi Pú Luông thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Mặc dù độ cao của ngọn núi này chỉ nằm ở vị trí thứ 7 trong 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, thế nhưng con đường chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù lại vô cùng hiểm trở, thuộc top những địa điểm trekking khó nhất cả nước.

 Trên đỉnh Tà Chì Nhù - Ảnh Quốc Trần, Thùy Dương

Trên đỉnh Tà Chì Nhù - Ảnh Quốc Trần, Thùy Dương

Gian nan thứ sức

Từ khu Mỏ Chì (xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu) lên đến đỉnh Tà Chì Nhù là cung đường trekking dài khoảng 10 km, toàn dốc cao chót vót, hầu như không có "yên ngựa" (đoạn bằng). Chưa kể, đường lại trơn trượt, lầy lội vì 2 ngày mưa liên tiếp trước đó, nên người leo rất tốn sức lực.

Dù không phải lần đầu leo núi, nhưng tôi cũng không tránh được tình trạng mỏi chân, căng cơ khi mới leo được nửa quãng đường.
Sau khi may mắn được một anh bạn đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm trekking, thủ sẵn chai thuốc chuyên dụng, xịt thẳng vào bắp chân giúp cơn đau mau chóng tan biến, nhóm chúng tôi được một anh porter (người dẫn đường và khuân vác đồ) lặng lẽ đi lui lại đi cùng. Anh theo ngay sau tôi, thi thoảng lên dốc cao, lại nâng cánh tay cứng cáp đẩy ba lô sau lưng để tôi có thể leo lên nhẹ nhàng hơn…

Anh bảo, đáng lẽ anh gùi cơm lên đỉnh trước, nhưng có người bị đau thế này, anh không thể không trông chừng được.

Vừa đi, anh vừa kể về cái tên Tà Chì Nhù, trong tiếng H’Mông nghĩa là “núi chân trâu”. Người H’Mông bản địa còn có một tên gọi khác cho đỉnh núi này là Chung Chua Nhà, còn với người Thái thì là Phu Song Sung.

 Phương pháp làm lạnh nước dựa vào tự nhiên của trẻ em H’Môngp/- Ảnh: Phương Thảo

Phương pháp làm lạnh nước dựa vào tự nhiên của trẻ em H’Mông - Ảnh: Phương Thảo

Anh, cũng như những porter người H’Mông bản địa hôm ấy có nhiệm vụ dẫn đường và gùi nhu yếu phẩm lên tận đỉnh núi và lán nghỉ để phục vụ đoàn “vận động viên” chúng tôi. Họ thân thiện, hồn hậu và chân chất. Gặp ai cũng giúp đỡ tận tình, không nề hà.

Tôi bảo anh cứ lên trước (kẻo những người lên đỉnh sớm lỡ bữa trưa). Nhưng anh nhất định leo cùng nhóm tôi thêm một quãng dài, biết chắc chân tôi không còn bị căng cơ nữa, anh mới rảo bước vội lên trên và nói với lại: “Hẹn em trên đỉnh Tà Chì Nhù nhé!”

Tôi đi theo mục tiêu “lên đỉnh” của mình, hay theo lời hẹn ấy, tôi cũng không rõ, chỉ có một hiện thực là càng đi, mới càng thấy chinh phục Tà Chì Nhù không hề đơn giản. Nhất là chặng đường 3 km dẫn lên đến đỉnh với những con dốc dài như vô tận, cheo leo và ngoằn ngoèo sát bên sườn núi, nhiều đoạn hẹp, gần như dựng đứng khiến tôi không biết bao lần rùng mình.

Chợt nhớ đến phương pháp thực hành chánh niệm. Thay vì cứ nghĩ nhiều về đích đến và đoạn đường còn lại, tôi ý thức chánh niệm trong từng bước chân, hơi thở, từng bước, từng bước, không nhìn lên, chẳng nhìn xuống, chỉ nhìn bước chân... cứ thế thở đều, bước đều…

Điều thú vị là càng lên cao, tôi leo càng khỏe, cảm nhận càng rõ sự hùng vĩ cùng sức sống mãnh liệt của núi rừng khi giữa những vạt đồi trọc, trơ trọi sỏi đá, hoa tím hoa vàng vẫn bung mình rực rỡ. Đoạn thì thấy cặp dê be be gọi nhau, lúc thì gặp đàn bò đang ung dung gặm cỏ, sợ người lạ chạy dạt sang bên…

Tôi đã từng lo mình không thể hoàn thành chặng leo lên đỉnh Tà Chì Nhù trong ngày, nhưng bằng cách ấy, cuối cùng tôi chỉ mất chưa đầy 6 giờ liên tục...

Tới đỉnh, không quên chạm tay vào cột mốc Tà Chì Nhù 2.979m, xung quanh khá đông người, thì anh porter “có hẹn” bất ngờ ở đâu hiện ra, khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. “Anh hóng em mãi, cứ tưởng em không lên được đến nơi” – anh vừa cười góp vui, vừa đưa hộp cơm và chai nước để tôi kịp nạp năng lượng “bữa trưa muộn” sau một hành trình bền bỉ.

Nếu em bằng lòng…

Những ngày tháng 10 đang thu nhưng lên đỉnh Tà Chì Nhù có cả bốn mùa. Mới nắng dát mặt đấy mà phút chốc mây mù giăng kín, lất phất mưa, lạnh tê tái được ngay. Rồi có khi trời đang mưa, trong tích tắc, vài tia nắng bỗng nhiên xuất hiện… Đúng là “trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu…”.

Giải leo núi “Bước chân trên mây” do Báo Pháp Luật Việt Nam phối hợp cùng UBND huyện Trạm Tấu và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt tổ chức diễn ra từ ngày 29/9 - 1/10/2023 tại đỉnh Tà Chì Nhù thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với sự tham gia tranh tài của hàng trăm nhà báo, phóng viên thuộc các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước.

Chẳng thế mà trong khi nhóm của chúng tôi xuống núi gặp mưa tầm tã, thì nhóm lên đỉnh cuối cùng lại may mắn “bắt” được khoảnh khắc “biển mây” và cầu vồng lung linh kỳ ảo.

Có lẽ, cũng chính cái tự nhiên “bất chợt”, nhiều khi đến khắc nghiệt của trời đất ấy đã sinh ra loài hoa chi pâu bạt ngàn trên đường chúng tôi xuống núi.

Những nụ nhỏ li ti, tim tím, mỗi năm chỉ nở một lần vào mùa thu trên Tà Chì Nhù có tên gọi khoa học là swertia, cỏ mật rồng hay đại tử đương dược (nghĩa là cây thảo dược có hạt lớn).

Tuy nhiên, bắt nguồn từ câu trả lời của người H'Mong khi được hỏi về loài hoa này, "tsi pau" (phiên âm là chi pâu, có nghĩa là không biết), dân leo núi gọi luôn cái tên đậm chất vùng cao này.

Hoa chi pâu thường mọc ở độ cao trên 2.000m, giống như cách đồng bào H’Mông lựa chọn nơi sống của mình: “Loài cá bơi dưới nước. Loài chim bay trên trời. Người H’Mông sống ở núi”.

Chúng tôi xuống nghỉ ở lán 2.400m, cách đỉnh chừng 3 km. Cái lán được tạo dựng bởi gia đình ông Thào A Páo – những người làm trại chăn nuôi trên đỉnh Tà Chì Nhù gần 20 năm qua.

Tôi thích ở trong căn bếp ấm cúng, luôn vẩn khói cùng các bà, các chị. Đa phần họ không biết tiếng Kinh nhưng có thể hiểu và phục vụ du khách những nhu cầu thiết yếu.

Họ giữ lửa suốt đêm ngày. Nếu không phải nấu ăn thì đun nước. Những nồi nước to, luôn nóng để du khách có thể tắm rửa sau hành trình mệt nhọc. Nước trên núi, chảy từ thác, từ suối xuống, nếu không đun, rất lạnh. Lạnh đến nỗi bọn trẻ thường thả những chai nước lọc, nước ngọt để ngâm, làm mát không khác gì để tủ đá.

Chúng tôi đốt lửa trại và ngắm trăng. Sương và giá. Trong ánh lửa bập bùng, tiếng khèn H’Mông vang cả núi rừng, lúc cao vút trong trẻo, khi trầm vọng, thiết tha.

Hà Thị Vừ, cô bé người H’Mông, học sinh lớp 9, lên lán giúp mẹ phục vụ đoàn leo núi kể rằng: Các bạn trai người H’Mông, ngay khi còn nhỏ đã được hướng đến việc phải học cách diễn tấu khèn để khi hơn 10 tuổi đều có cây khèn trên vai khi lên nương, xuống chợ.
Em còn bảo, việc làm khèn, diễn tấu khèn được người H’Mông coi là chuẩn mực đánh giá phẩm chất, tài năng của đàn ông. Vì thế những người phụ nữ H’Mông cho rằng chàng trai biết thổi khèn sẽ là những người chồng tốt, dù có lang thang đi đâu rồi cũng hướng về gia đình!

Khi tiếng khèn vang lên, người H'Mông đều dễ nhận ra một điệu dân ca nào đó. Giọng điệu của khèn đã tạo cơ hội cho các chàng trai H'Mông thể hiện tình cảm của mình với các cô gái một cách tự nhiên.

 Căn bếp ấm cúng tại lán nghỉ 2.400m - Ảnh Phương Thảo

Căn bếp ấm cúng tại lán nghỉ 2.400m - Ảnh Phương Thảo

Và tôi chợt nghe đâu đó những câu hát cổ H’Mông:

“Không bằng lòng thì thôi
Nếu em bằng lòng
thì ta về ở với nhau một đêm”…

Tôi không biết có những ai đã “bằng lòng” nhau đêm ấy, cũng như tôi còn chưa kịp biết tên anh porter đã không quên lời hẹn trên đỉnh Tà Chì Nhù và rất nhiều người trong hành trình. Chỉ biết rằng, ai cũng “bằng lòng” vì đã vượt qua được chính mình.

Đặc biệt, chúng tôi được trải nghiệm đời sống trên núi cùng những người bản địa, những người leo núi nhanh như chớp với gùi nghiêng nghiêng năng trĩu trên lưng. Những người cần mẫn trồng trọt, chăn thả gia súc trên những ngọn núi cao ngút ngàn nơi lưng chừng trời.

Cuộc sống của họ, mở cửa bước ra là chạm mây, chạm gió, chạm nắng lửa, mưa rừng. Không gian ấy chứa đựng bản sắc văn hóa đậm đà và tạo nên cá tính người H’Mông mạnh mẽ, tự do, mộng mơ và phóng khoáng… Như bài hát Tà Chì Nhù đậm chất rock của nhạc sỹ Nguyễn Cường, phổ theo lời thơ Myo:

Tà Chì Nhù, cung đường từ Xà Hồ
Tà Chù nhu, phai dấu chân sương mù
Đầu gối à? Ráp mặt à? Gió thốc à? Gió quật à? Có nơi nào như thế?
Phai, phai, phai dấu chân sương mù
Bay, bay, bay thác mây bông đùa
Che, che kín mắt mơ hồ,
Nghe gió siết xô bồ
Để em, em dựa vào anh
Để anh, anh dựa vào đêm
Để đêm, đêm dựa vào lửa,
Gối đầu lên giấc mơ… mây trắng.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Đánh thức tiềm năng du lịch trải nghiệm vùng núi

    Quảng Ninh: Đánh thức tiềm năng du lịch trải nghiệm vùng núi

    03:00, 26/05/2023

  • Du lịch trải nghiệm miệt vườn mùa vải chín

    Du lịch trải nghiệm miệt vườn mùa vải chín

    02:45, 16/06/2023

  • Câu chuyện khởi nghiệp thành công từ những tour du lịch trải nghiệm

    Câu chuyện khởi nghiệp thành công từ những tour du lịch trải nghiệm

    02:34, 20/03/2023

  • Đánh thức tiềm năng du lịch trải nghiệm tại Cô Tô

    Đánh thức tiềm năng du lịch trải nghiệm tại Cô Tô

    04:00, 23/12/2022

  • Du lịch trải nghiệm lúa rươi Tứ Kỳ

    Du lịch trải nghiệm lúa rươi Tứ Kỳ

    04:00, 30/11/2022

PHƯƠNG THẢO