Nỗi buồn nông sản Việt
Mặc dù xuất khẩu nông sản có sự tăng trưởng mạnh nhưng chủ yếu là thô, tươi, hoặc sơ chế, tỷ lệ các sản phẩm chế biến sâu còn thấp.
80% nông sản sống "tầm gửi" bằng thương hiệu nước ngoài
Theo số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) trong hơn 10 năm qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam không ngừng tăng trưởng mạnh. Cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng từ 16,484 tỷ USD (năm 2009) lên mức 36,37 tỷ USD trong (năm 2017). Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm nông sản tăng từ 8,75 tỷ USD (năm 2008) lên 18,96 tỷ USD (năm 2017), thủy sản tăng từ 4,51 tỷ USD lên 8,32 tỷ USD, lâm sản tăng từ 3,01 tỷ USD lên 7,97 tỷ USD...
Trong giai đoạn 2008-2017, Việt Nam duy trì mức xuất siêu 8 tỷ USD/năm cho ngành nông sản. Nhưng chủ yếu là những sản phẩm thô, tươi hoặc sơ chế, tỷ lệ các sản phẩm qua chế biến tinh còn rất thấp.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2008 - 2013, tỷ lệ nông sản xuất khẩu thô chiếm khoảng 74-78% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Mặc dù Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nhiều lợi thế để phát triển về các sản nông sản nhưng chưa có một đơn vị cá nhân hay cơ quan chủ quản nào đứng ra để có thể xây dựng thương hiệu dưới một cái tên riêng nào đó của Việt Nam. Ngoại trừ ngành lúa gạo, năm 2018, Bộ NN&PTNT đang chủ trì xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia.... Đó là một bất lợi rất lớn, khi thị trường của nông sản của Việt Nam chủ yếu là các nước Mỹ, Trung Quốc và EU.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT): "Việt Nam hiện có đến hơn 80% hàng nông sản được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém".
"Nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại", báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược cho biết.
Bài toán vẫn là nâng "chất"
Nguyên nhân của tình trạng nông sản Việt Nam xuất khẩu dựa vào thương hiệu nước ngoài được chỉ ra là do công nghệ xử lý trước và sau thu hoạch còn lạc hậu; Quá trình tham gia chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu marketing, phân phối và tiêu thụ còn hạn chế...
Để nâng "chất" nông sản Việt, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – ông Lê Quốc Doanh, xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai cần phát huy tốt hơn nữa những lợi thế và tiềm năng. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo việc xuất khẩu an toàn và bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Nông sản Đắk Lắk tìm đường vào ĐBSCL
12:39, 20/11/2018
Doanh nghiệp Việt - Nga hợp tác "sâu" trong lĩnh vực nông sản
07:54, 16/11/2018
Bộ Công Thương nói gì về tình trạng nông sản nhập khẩu “đội lốt” hàng Việt?
14:04, 15/11/2018
Nông sản Việt vẫn "gặp khó" khi đăng ký bảo hộ
07:55, 13/11/2018
Liên kết tiêu thụ nông sản an toàn của Hoà Bình trên địa bàn Hà Nội
02:20, 06/11/2018
Cụ thể, để xuất khẩu nông sản an toàn và bền vững, ngành nông nghiệp cần xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn, đáp ứng được các quy định từ các thị trường nhập khẩu. Điều này đặt ra những yêu cầu vô cùng cấp thiết đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp khi tham gia sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản. Làm được điều này, nông nghiệp Việt Nam sẽ kịp thời xử lý được những vướng mắc, vượt qua các rào cản thương mại đang ngày càng gia tăng từ các thị trường xuất khẩu.
“Cần thúc đẩy và tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ thực vật, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu an toàn và bền vững. Yêu cầu này không chỉ đặt ra đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, đây còn là nhu cầu bức thiết của các cơ quan, tổ chức kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên thế giới”, Thứ trưởng Doanh nêu rõ.
Theo đại diện của Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam hướng tới không chỉ về số lượng mà cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng. Đơn cử như mặt hàng gạo, những năm trước đây giá bán gạo thấp vẫn khó cạnh tranh lắm, nhưng hiện nay giá gạo xuất khẩu đã tăng cao nhờ quy trình thực hiện sản xuất gạo an toàn, gạo có chất lượng cao.
PSAV cũng cho rằng, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang cố gắng gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản, điều này thể hiện ở quá trình tái cơ cấu nâng cao giá trị nông sản. Đặc biệt, việc sử dụng hóa chất, phân bón trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Siang Hee Tan, Giám đốc điều hành Crop Life Asia, nhận định, sản xuất nông nghiệp Việt Nam cần làm tốt hơn nữa quá trình kiểm soát vật tư đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra. Việt Nam cần có chiến lược thúc đẩy nông nghiệp an toàn và bền vững, đảm bảo cho người nông dân có thu nhập cao nhất.
“Các giải pháp xuất khẩu an toàn và bền vững phải hướng đến việc mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu của Việt Nam, không chỉ dừng lại ở 180 quốc gia như hiện nay. Vấn đề là làm sao phải cung cấp sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao hơn và tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng tại các nước xuất khẩu”, ông Siang Hee Tan nêu rõ.