Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2019
Theo Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, có 3 kịch bản cho kinh tế 2019, đặc biệt, vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2019 – 2020 phải đạt khoảng 15% GDP thì mới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Làm việc với Tổ tư vấn ngày 22/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt bài với Tổ tư vấn hiến kế làm sao năm 2019 tăng trưởng đạt khoảng 7%, đồng thời giữ được mục tiêu ổn định vĩ mô.
Đồng thời Thủ tướng yêu cầu, xác định những yêu tiên cho 5 năm và 10 năm tới và đi theo đó, những gì được gọi là động lực mới cho tăng trưởng hay “điều mà các nhà nghiên cứu quan tâm là làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công, bẫy “thiên đường ô nhiễm” xảy ra ở Việt Nam”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt bài với Tổ tư vấn hiến kế làm sao năm 2019 tăng trưởng đạt khoảng 7%.
Vốn đầu tư tư nhân đạt 15% GDP
Theo Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển biến lớn, tiềm năng của nền kinh tế còn rất lớn và xuất hiện thêm không ít cơ hội mới. Nếu có giải pháp thực thi tốt, tận dụng được cơ hội mới, khai thác tốt hơn tiềm năng của nền kinh tế, trong hai năm tới vẫn có thể tiếp tục đà tăng trưởng.
Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản cho kinh tế 2019. Cụ thể, kịch bản 1, GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018 – 2020. Kịch bản 2, GDP tăng trưởng trung bình là 6,91% và kịch bản 3 là 7,06%.
Theo Tổ tư vấn của Thủ tướng, năm 2019, có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,9-7% và lạm phát dưới 4%.
Để đạt được mục tiêu nói trên, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2018 và phải coi đây là hai động lực chính. Đặc biệt, khu vực tư nhân phải có biện pháp mạnh hơn nữa so với năm 2018.
Tổ tư vấn kiến nghị ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ 4 nút thắt căn bản gồm vướng mắc triển khai dự án lớn; trở ngại trong bứt phá khu vực tư nhân; khó khăn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; nút thắt trong khai thông nguồn lực xã hội. Coi đây là những trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo điều hành.
Theo tính toán của Tổ tư vấn, vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2019 – 2020 phải đạt khoảng 15% GDP thì mới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tiềm năng khu vực này còn lớn nhưng chưa được khai thác hết, Tổ tư vấn kiến nghị tập trung nhiều hơn cho các giải pháp hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, không dừng ở các giải pháp hỗ trợ tiếp cận thị trường.
Với tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, các ý kiến của Tổ tư vấn cho rằng cần tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, cần xây dựng và công bố một số tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và giao một nhóm công tác giám sát công việc, thường xuyên đánh giá, công bố công khai kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương.
Tổ tư vấn kiến nghị thay đổi một cách căn bản trong nguyên tắc xây dựng tổ chức bộ máy và phân giao nhiệm vụ cho Chính phủ, bộ ngành và địa phương theo hướng một việc chỉ giao cho một cơ quan, trong cơ quan chỉ giao một đơn vị, trong đơn vị chỉ giao một cá nhân. Đơn vị và cá nhân được giao có quyền giải quyết theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân, việc tham khảo ý kiến do đơn vị, cá nhân có thẩm quyền tự quyết định; xóa bỏ cơ chế “công vụ lồng ghép”.
Điều quan trọng, theo GS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), cần phải hành động nhanh, quyết liệt bởi nếu không nhanh thì “dân tộc mình già trước khi giàu”.
Nhìn nhận nền kinh tế đang đứng trước ngưỡng cửa chuyển biến lớn, các ý kiến cho rằng, hoàn toàn có thể phát triển với mục tiêu kép, cả chất lượng và số lượng, có thể vừa đạt tăng trưởng cao và giữ được ổn định vĩ mô.
Có thể bạn quan tâm
5 yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam
15:00, 21/12/2018
Tăng trưởng kinh tế năm 2019 tiềm ẩn những rủi ro nào?
06:25, 21/12/2018
"Phát triển kinh tế tư nhân là một bứt phá cho tăng trưởng kinh tế năm tới"
02:18, 18/12/2018
NCIF xây dựng 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019-2020
09:00, 13/12/2018
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030
Ghi nhận các ý kiến của Tổ tư vấn, Thủ tướng cho rằng, các chuyên gia, thành viên của Tổ đã đưa ra nhiều nhận định, nhiều đánh giá sát với thực tế, trong đó có đề xuất mới, cụ thể, có tính thực tiễn cao.
Thủ tướng nhất trí cho rằng, cần phát huy hơn nữa động lực tăng trưởng, xử lý ngay những tồn tại, vướng mắc, tháo các điểm nghẽn cho phát triển. Phải thực sự coi khoa học công nghệ là động lực đột phá.
Đồng thời, Thủ tướng nhất trí đề xuất liên quan đến triển khai công nghệ 5G, giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án, “chúng ta phải quyết tâm, không chấp nhận để kéo dài tình trạng người Việt Nam kéo nhau ra nước ngoài khởi nghiệp vì chúng ta thiếu môi trường hỗ trợ cho sản phẩm sáng tạo”. Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn tham mưu thêm về vấn đề này.
Thủ tướng cũng giao Tổ tư vấn hợp tác với phía Singapore xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo theo mô hình Singapore. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng phối hợp làm vấn đề này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu chọn lọc các ý kiến xác đáng, đưa vào dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về các giải pháp chỉ đạo, điều hành năm 2019 và Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về giải pháp dài hạn, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn dành thêm thời gian, tâm trí đối với một số công việc như đóng góp vào dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn xa hơn cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025.
Thủ tướng cũng cho biết, sẽ giao VCCI tổng hợp các vấn đề bất cập, vướng mắc nhất của luật pháp mà doanh nghiệp kiến nghị, Thủ tướng đề nghị Tổ tư vấn cùng các bộ liên quan giúp Thủ tướng đánh giá đề xuất sửa đổi những văn bản này.
Tổ tư vấn cần huy động thêm các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong nước và ngoài nước tham gia đóng góp ý kiến tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình chuẩn bị văn kiện trình Đại hội Đảng XIII.