Năm 2019, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 7% nhưng còn nhiều rủi ro, cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ để gia tăng đầu tư tư nhân, tái cơ cấu kinh tế triệt để.
Trong khi, kinh tế Việt Nam năm 2018 được dự báo tăng trưởng đạt 6,9-7%, mức cao nhất 10 năm. Thì tăng trưởng năm 2019 được cho là sẽ vẫn tiếp đà, đây cũng là năm đóng vai trò nước rút cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 và cả Chiến lược 10 năm 2011 - 2020.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm 2018, mức tăng trưởng cao nhất tính từ từ năm 2007.
Dù động lực tăng trưởng vẫn tới từ hai khu vực chính là công nghiệp chế biến và dịch vụ, song đã có sự thay đổi căn bản về cơ cấu của hai khu vực này.
Cụ thể, khác với năm 2017, khi điện thoại di động Samsung có những đóng tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thì sang năm 2018, điện thoại di động và thiết bị điện tử đều tăng trưởng chậm lại. “Từ mức 27,3% trong năm 2017 xuống còn 11% sau 11 tháng năm 2018. Ngược lại, có những ngành tăng trưởng mạnh nhờ chính sách hạn chế nhập khẩu, tăng sản xuất trong nước của Chính phủ là sản xuất ô tô và sản xuất dược phẩm”, ông Thành cho biết.
Về phía cung, ông Nguyễn Xuân Thành đánh giá, động lực thúc đẩy mức tăng trưởng mạnh của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2017 - 2018 tới từ khu vực chế biến, chế tạo.
“Năm 2017, Formosa, Samsung gia tăng sản xuất theo chu kỳ. Song hoạt động gia tăng sản xuất của họ không tạo áp lực lên cân đối vĩ mô trong nước của chúng ta như tỷ lệ lạm phát. Samsung tăng trưởng 30%, Formosa tăng trưởng 40% khiến GDP của Việt Nam tăng mạnh. Nhìn vào các tập đoàn kể trên, có thể thấy năng lực sản xuất của họ vẫn đáp ứng được tăng trưởng. Năm 2018, chứng kiến sự chuyển đổi động lực tăng trưởng từ hoạt động lắp ráp, xuất khẩu điện thoại di động và thiết bị điện tử sang các ngành công nghiệp thay thế là lắp ráp ô tô, sản xuất dược phẩm. Song sự tăng trưởng nhanh của những ngành công nghiệp thay thế này không tạo quá nhiều áp lực lên chi phí đầu vào”, ông Thành phân tích.
Về phía cầu, ông Thành cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2018 không còn phụ thuộc vào tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng theo ước tính của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho năm 2018 dưới 15%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng hơn 18% của năm 2017, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhất 10 năm.
"Nhiều chuyên gia đã tỏ ra quan ngại khi tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam những năm trước gắn với mức độ thâm dụng tín dụng. Tuy nhiên trong năm nay, không cần tăng trưởng tín dụng cao nhưng tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục tăng", ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Đối với tiêu dùng của dân cư, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh của tầng lớn trung lưu. Sức mua của dân tăng mạnh, năm 2018, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng tới 9%. Do đó, theo ông Thành, để năm 2019 duy trì đà tăng trưởng thì phải có giải pháp khuyến khích khối tư nhân đầu tư.
Có cùng quan điểm, tại toạ đàm mới đây về sức bật kinh tế 2019, TS. Vũ Đình Ánh nhận định, trong năm tới, nếu Chính phủ nhất quán, kiên định về chủ trương thì tăng trưởng của Việt Nam sẽ tương đối cao, trên 7%.
Trong dự báo vừa được công bố, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) cũng đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế 2019-2020 lạc quan. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,84%/7,02% (kịch bản cơ sở/kịch bản cao) trong năm 2019 và 7%/7,2% năm 2020. Sự khác nhau giữa hai kịch bản phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế thế giới và tỷ lệ chi đầu tư phát triển.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 20/12/2018
02:18, 18/12/2018
10:29, 14/12/2018
09:00, 13/12/2018
“Ẩn số” lãi suất
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, nhiều trở ngại có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế năm 2019. Theo đó, hai nền kinh tế lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc đang giảm tốc, trong khi đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 nhưng lại là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao gần nhất.
Mặc dù Việt Nam được cho là sẽ có một số cơ hội xuất khẩu từ chiến tranh thương mại do một số ngành hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ chịu thuế cao hơn thì xuất khẩu Việt Nam có cơ hội để thế chỗ. “Tuy nhiên, sự suy giảm tăng trưởng từ hai thị trường này nhìn chung sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam chậm lại. Trong bối cảnh đó, để GDP của Việt Nam có con số tăng trưởng tốt trong năm 2019, đầu tư và tiêu dùng cần đi kịp tốc độ tăng trưởng”, ông Thành cho biết.
Cũng theo Vị chuyên gia này, tốc độ tăng trưởng cao trong năm nay một phần rất lớn phụ thuộc vào tiêu dùng dân cư, do đó, yếu tố này khi có sự thay đổi có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, diễn biến tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2018, theo ông Thành, cũng là một "ẩn số" cần quan sát. "Số liệu chỉ ra rất rõ là lãi suất có xu hướng tăng vào cuối năm. Tuy nhiên đến nay tôi vẫn chưa có lời giải cho câu hỏi điều này mang yếu tố thời vụ hay là một dấu hiệu của việc phải điều chỉnh lãi suất trong năm 2019", ông Thành nói.
Ở một góc nhìn xa hơn, TS. Lưu Bích Hồ bày tỏ lo lắng, sang năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Một vài năm tới, nếu không tái cơ cấu một cách quyết liệt và thực chất lĩnh vực tài chính - ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước, sẽ khó thoát khỏi “vùng trũng” tăng trưởng, khó đạt được mức 7%.
Do đó, chuyên gia nhấn mạnh, cần phải xác định hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển thì đối tượng chính phải là 98% DNNVV trong nước, khối kinh tế hộ gia đình, phi chính thức, sẵn sàng thích ứng với đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình hội nhập quốc tế. Nói như Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “5 năm thực hiện Nghị quyết 19 nhưng điều kiện kinh doanh vẫn khó khăn, cắt chỗ này gài điều kiện chỗ khác. Hai năm tới, phải tập trung thực hiện mạnh Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, vì đây là cam kết đầy đủ của Chính phủ, xóa bỏ xin – cho”.