Doanh nghiệp "khai tử" tăng gần 50% là dấu hiệu đáng lo ngại
Trong năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là hơn 90.600 doanh nghiệp, tăng gần 50% so với năm trước, chuyên gia đánh giá đây là dấu hiệu đáng lo ngại và cần được xem xét cẩn trọng.
Theo báo cáo vừa được công bố của Tổng cục Thống kê, năm 2018, cả nước có hơn 131.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 3,5% về số doanh nghiệp, so với năm 2017. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước.
250 doanh nghiệp “khai tử” mỗi ngày
Cụ thể, cả năm 2018, nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.
Điều đáng nói, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước, bao gồm 27.126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,1% và 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 63,4%.
Như vậy, trung bình trong năm 2018, mỗi ngày có khoảng 250 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định: “Con số doanh nghiệp “khai tử” lên tới 50% là một trong những chỉ dấu đáng lo ngại và cần được xem xét cẩn trọng”.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Doanh đánh giá, môi trường kinh doanh dù có nhiều cải thiện tuy nhiên vẫn có một số yếu tố vẫn mất ổn định. Quá trình thực hiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu minh bạch và chưa bảo đảm công bằng. Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, tạo gánh nặng chi phí và cản trở doanh nghiệp phát triển.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cũng đánh giá, sự cạnh tranh hàng hoá và sản phẩm nước ngoài do chính sách mở cửa từ cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã bộc lộ sức cạnh tranh còn yếu của doanh nghiệp Việt với trên 97% là DNNVV. Theo đó, các FTA cho phép các hàng hoá sản phẩm nước ngoài tràn vào Việt Nam với thuế suất thấp, khiến nhiều doanh nghiệp không cạnh tranh sản phẩm được đã giải thể.
Trước đó, theo Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, nguyên nhân của số doanh nghiệp rời thị trường tăng liên quan tới việc triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân- lực lượng được xem là động lực của tăng trưởng kinh tế còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt là thiếu nguồn lực thực hiện và có nhiều rào cản thủ tục với doanh nghiệp để tiếp cận chính sách.
Bởi những rào cản này, sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước đã bị đánh giá là chậm trong giai đoạn 2016-2018. Cụ thể, báo cáo từ Bộ KH&ĐT, tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực này năm 2016 là 5,51% và năm 2017 là 6,23%.
Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân vẫn có xu hướng nhỏ đi về quy mô, tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn có lãi vẫn thấp, mức độ kết nối của doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế toàn cầu còn nhiều hạn chế.
“Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, không có sự biến động đáng kể trong giai đoạn 2016-2018. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp mới đang có xu hướng chững lại”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn còn cao!
18:03, 03/12/2018
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng trong quý I
17:54, 02/04/2018
Giật mình vì số doanh nghiệp thua lỗ
16:00, 23/03/2018
Xu thế kéo dài và tác động tới năm 2019
Đáng lưu ý, không chỉ nằm ở số thống kê năm 2018, ngay đến con số điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp cũng được thống kê khá dè dặt.
Trong quý IV, các doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo- điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng chỉ có chưa tới 45% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2018 tốt hơn quý trước. Vẫn còn đến 16,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn sản xuất tốt hơn quý trước.
Thậm chí, có gần 15% doanh nghiệp dự báo sản xuất kinh doanh khó khăn hơn trong quý I/2019 so với quý IV/2018.
Do đó, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, số doanh nghiệp đóng cửa tăng quá cao cần được phân tích kỹ hơn và phân tách số doanh nghiệp này hoạt động bao lâu thì đúng cửa và chủ yếu nằm trong ngành nghề, lĩnh vực nào?
Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong cắt giảm điều kiện, chi phí kinh doanh và thủ tục hành chính. Tạo điều kiện để doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội mà các FTA mang lại.
“Nếu không làm được việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thì xu thế doanh nghiệp giải thể tăng sẽ còn kéo dài và tác động tới kinh tế năm 2019”, ông Doanh nhấn mạnh. Bởi theo Vị chuyên gia này, sắp tới đây, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, sức ép cạnh tranh lên doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn hơn.