Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn còn cao!

Thy Hằng - Đinh Thanh 03/12/2018 18:03

Trong khi có hơn 121.000 doanh nghiệp thành lập mới thì mức độ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể đã lên tới hơn 90.000 doanh nghiệp.

Chiều 03/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018.

Chiều 03/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018.

Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018 chiều ngày 3/12.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng yêu cầu bắt tay triển khai ngay các nhiệm vụ phát triển năm 2019

    Thủ tướng yêu cầu bắt tay triển khai ngay các nhiệm vụ phát triển năm 2019

    10:00, 03/12/2018

Đứng đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong tháng 11, cả nước có 11.637 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 118,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% về số doanh nghiệp và giảm 22% về số vốn đăng ký so với tháng trước.

Tính chung 11 tháng, cả nước có 121.248 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.234,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% về số doanh nghiệp và tăng 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, báo cáo mới nhất của Nikkei, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) sản xuất tháng 11 của Việt Nam tăng 2,6 điểm lên mức 56,5 điểm, sát mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng thu thập dữ liệu đầu tiên của tổ chức. Trước đó, chỉ số PMI tháng 10 của Việt Nam là 53,9 điểm.

Theo đó, lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng ghi nhận kết quả khả quan nhất trong số ba lĩnh vực được khảo sát, với sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng mạnh nhất.

Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng mới ghi nhận hai tháng tăng trưởng liên tiếp tính đến tháng 11. Tương tự, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng với tốc độ đáng kể, khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng. Theo đó, sản lượng ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 3/2011.

Với dự báo sản lượng sẽ tiếp tục tăng trong năm tới khi nhu cầu tăng lên, mức độ tự tin của các nhà sản xuất cũng cải thiện. Mức độ lạc quan tăng so với tháng 10 và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 2/2016. 

“Điều này thể hiện môi trường kinh doanh đang được cải thiện mạnh mẽ, chúng ta đang đứng đầu các nước Asean về chỉ số này, sau Việt Nam là Indonesia, Maylaisia,..  Như vậy, vấn đề sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư và doanh nghiệp là rất tốt”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Thực thi tạo hiệu quả thực chất

Mặc dù số doanh nghiệp thành lập 11 tháng năm 2018 lên tới 121.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, Người phát ngôn Chính phủ cũng thẳng thắn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn còn cao.

Cụ thể, trong 11 tháng năm 2018 là 83.108 doanh nghiệp, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 25.977 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,8% và 57.131 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 64%.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng năm 2018 là 14.861 doanh nghiệp, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 13.598 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5% và tăng 37,3%. 

“Như vậy, trong khi có hơn 120.000 doanh nghiệp thành lập mới thì mức độ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể đã lên tới hơn 90.000 doanh nghiệp. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Do đó, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng dù nhận định các mục tiêu của năm 2018 cơ bản hoàn thành, nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu không chủ quan, không lơ là với thành tích đạt được. Mà cần tập trung rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu và đề ra giải pháp nhiệm vụ năm tới.

“Thời gian tới, phương châm của 2019 là giữ kỷ cương- liêm chính-hành động, Chính phủ đưa ra vấn đề bứt phá phát triển, cải cách mạnh mẽ tạo đột phá”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đồng thời đưa ra những nhiệm vụ giải pháp của từng ngành từng lĩnh vực đưa ngay vào Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2019. Phương châm quyết liệt và đồng bộ các giải pháp.

“Thủ tướng nhấn mạnh thực thi thực chất, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” hay “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”. Đồng thời đẩy mạnh cải cách”, Bộ trưởng cho biết. 

Trong 11 tháng năm 2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 vẫn được kiểm soát, 11 tháng giảm 0,29%, đây là mức giảm thấp nhất trong 9 năm, bình quân tăng 3,59%.

Trong điều kiện như vậy nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng là một tín hiệu đáng mừng. cùng với đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ ở mức cao, 11 tháng tăng hơn 10%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 12,2%.

Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 11,5%. Khách quốc tế 11 tháng đạt hơn 14,2 triệu lượt, tăng 21,3%. Bộ trưởng nhận định, mục tiêu 15 triệu khách đến Việt Nam năm 2018 sẽ thành hiện thực.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 10 xuất siêu 770 triệu USD. Tháng 11 ước tính nhập siêu 400 triệu USD. Tính chung 11 tháng xuất siêu 6,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 30,2 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn còn cao!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO