Những bứt phá tạo "sắc hồng" cho kinh tế Việt Nam 2019
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) nhận định, sự cam kết “bứt phá” của Chính phủ năm 2019 là một tín hiệu đáng mừng.
Theo ông Thành, để thực sự biến lời nói thành hành động, Chính phủ cần có những đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh và đặc biệt có những bước tiến mới trong cổ phần hóa khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Việc chi thường xuyên của Chính phủ cũng cần phải bứt phá theo hướng tiết giảm chi tiêu mà vẫn tăng hiệu quả phục vụ. Đó là những điều mà người dân trông đợi ở một Chính phủ hiệu quả và có mong muốn bứt phá trong thời gian tới.
-Năm 2019 với nhiều yếu tố mới của nền kinh tế thế giới, được cho là sẽ tạo ra nhiều thách thức với kinh tế Việt Nam, vậy còn các yếu tố động lực thì sao, thưa ông?
Động lực kinh tế Việt Nam năm 2019 sẽ cơ bản dựa trên nền tảng chúng ta đã có từ những năm trước, theo đó chu kỳ kinh tế vẫn đang tiếp tục hồi phục với những nỗ lực của khu vực doanh nghiệp cùng với những cải cách về hành chính và hỗ trợ của Chính phủ đều cộng hưởng tạo ra động lực chung.
Ngoài những động lực thì cũng cần thẳng thắn rằng, có những biến động của tình hình thế giới có thể gây ra những thách thức. Như sự xáo trộn của trật tự kinh tế thế giới hiện nay, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung có thể mang lại một số cơ hội cho Việt Nam về sự dịch chuyển của các nhà đầu tư, kể cả dịch chuyển thương mại của các thị trường. Tuy nhiên, xét trong yếu tố này có thể thấy xuất khẩu sang Mỹ có thể đạt được thuận lợi trong ngắn hạn, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc lại có thể gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế Trung Quốc có thể đi xuống hoặc có xu hướng phòng vệ nhiều hơn để bảo vệ doanh nghiệp của họ.
Có thể bạn quan tâm
Tạo "bứt phá" trong sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2019
17:04, 30/01/2019
Bứt phá kinh tế năm 2019 và quyết tâm từ Chính phủ
16:59, 14/01/2019
Kinh tế Việt Nam: Dự cảm tốt cho 2019 “bứt phá”!
05:04, 06/01/2019
Cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia tạo "bứt phá" cho năm 2019
14:11, 28/12/2018
Xung lực mới tạo "bứt phá" tăng tốc phát triển kinh tế năm 2019
05:45, 28/12/2018
Trong khi đó, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đặc biệt trong xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, cơ hội cũng đang đến khi Việt Nam phải quyết định nên có những cải cách như thế nào phù hợp với diễn biến cục diện mới của kinh tế thế giới.
Do đó, chúng tôi thấy rằng Việt Nam càng cải cách tốt, minh bạch kinh tế theo hướng thị trường, môi trường kinh doanh ngày một tốt hơn, thể chế ngày càng hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới với chuẩn mực hiện đại thì chúng ta càng thu được niều lợi. Còn nếu không chúng ta sẽ mất đi cơ hội đó, vì các nhà đầu tư sẽ buộc phải lựa chọn trong khoảnh khắc này, nếu không họ pải chuyển sang nước khác trong Đông Nam Á, Ấn Độ chẳng hạn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ đạt 6,9% tăng 0,1% so với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua.
-Tuy nhiên, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư mà Việt Nam có thể được đón nhận lại đang gây ra những e ngại về vấn đề môi trường, ông đánh giá sao về vấn đề này?
Không phải đợi đến bây giờ, chúng ta đã gặp phải vấn đề này khi có sự dịch chuyển dòng vốn ồ ạt của Trung Quốc. Chúng ta gặp phải vấn đề luôn phải lựa chọn, cùng một đồng vốn vào tạo ra việc làm cho người lao động, tuân thủ quy định về môi trường và mang nhiều công nghệ cao, tuy nhiên cũng có những dòng vốn tuy tạo việc làm nhưng lại ứng xử kém với người lao động, gây những hệ luỵ về ô nhiễm môi trường.
Việt Nam luôn ở thế mà các Luật và sự lựa chọn của các địa phương đôi khi không có sự chọn lọc đúng mức vì thế gây ra những hậu quả về môi trường vấn đề về người lao động. Nhưng mặt khác lại vẫn mong muốn tìm kiếm dòng đầu tư chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao. Do đó phải cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường kinh doanh đồng thời thu hút có chọn lọc để thu hút được dòng đầu tư chất lượng, tôn trọng những quy định trong nước, tuy nhiên sẽ không phải chúng ta muốn mà được ngay.
-Với hàng loạt các FTA mới được ký kết, năm 2019 cũng được coi là bước chuyển lớn trong độ mở của nền kinh tế Việt Nam, vậy những lĩnh vực nào sẽ chịu tác động mạnh mẽ trong tiến trình này, thưa ông?
Nền kinh tế Việt Nam vẫn liên tục mở rộng, những doanh nghiệp đã tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu mà đặc biệt như lĩnh vực như ngành nông nghiệp. Trước hết, xuất khẩu nông sản sẽ gặp tác động khi thị trường lớn là Trung Quốc có thể gặp những “đảo chiều”. Các FTA cũng sẽ rộng mở các thị trường khác với chúng ta, nhưng điều đó không chỉ một chiều, FTA cũng cho phép các nước đưa hàng hoá vào Việt Nam dễ dàng hơn. Những nhà sản xuất của chúng ta sẽ phải tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn, nâng cao hơn nữa chất lượng để cạnh tranh.
Mặt khác, nông nghiệp cũng là ngành chịu tác động khi chúng ta phải nhập khẩu các sản phẩm từ động vật từ các nước đã ký kết trong khối CPTPP. Đặc biệt đây là những ngành mà Việt Nam không có lợi thế trong khi các nước trong CPTPP lại có thế mạnh, như sữa, bơ hay như là mặt hàng tiêu dùng. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường.
-Vậy việc điều hành năm 2019 cần đặc biệt lưu ý tới những vấn đề nào trong bối cảnh nhiều yếu tố khó lường hiện nay, thưa ông?
Trước hết tôi muốn nói tới vốn đầu tư công. Đầu tư đúng trọng điểm và có sự giải ngân vốn đầu tư công phù hợp, kịp thời để các hoạt động kinh tế diễn ra hiệu quả với điều kiện các hoạt động cần chắt lọc.
Cùng với đó, các chính sách về tỷ giá và lãi suất cần linh hoạt, như năm vừa rồi chúng ta đã làm tốt điều đó. Do đó, dựa trên những chính sách về tỷ giá nói chung của đồng USD và lãi suất của Mỹ cũng như đồng nhân dân tệ, để có chính sách điều chỉnh phù hợp giúp các hoạt động kinh tế diễn ra tốt, đặc biệt trong bối cảnh quy mô thị trường tài chính ngân hàng ngày càng phát triển.
Mặt khác, khi điều chỉnh tỷ giá VNĐ, cần tính toán tổng hợp hài hòa nhiều yếu tố khác như nhập khẩu, nợ nước ngoài, lạm phát... Thời gian qua, cơ quan điều hành đã tính toán khá đầy đủ, tổng hợp các yếu tố khi quyết định vấn đề tỷ giá, song tôi vẫn mong muốn cơ chế điều hành tỷ giá của chúng ta sẽ linh hoạt hơn nữa. Cần tính toán lại rổ tiền tệ, vì rổ này đã thực hiện 3 năm qua, cấu trúc đồng tiền trong rổ đã thay đổi. Thị trường mua bán ngoại tệ cần dễ dàng hơn, để doanh nghiệp không nhất thiết vay hay cho vay ngoại tệ mà có thể chuyển sang trạng thái mua bán, như tinh thần của Nghị định 24 Chính phủ ban hành trước đây.
Bên cạnh đó, các giải pháp có tính trung hạn như cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính phải làm thực sự mạnh mẽ, có lợi cho doanh nghiệp. Thêm vào nữa, cũng lưu ý tới các thị trường xuất khẩu. Theo đó, lưu ý những sự thu hẹp và rủi ro của thị trường Trung Quốc, mở rộng thêm các thị trường mới.
- Xin cảm ơn ông!