Bứt phá kinh tế năm 2019 và quyết tâm từ Chính phủ

Thy Hằng 14/01/2019 16:59

Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm quan trọng để bứt phá cho cả giai đoạn 2016-2020 với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.

Tại Nghị quyết số 162/NQ-CP Chính phủ xác định năm 2019 là năm bứt phá để phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kinh tế Việt Nam 2018 đã đạt kết quả toàn diện, năm 2019 được xác định

Kinh tế Việt Nam 2018 đã đạt kết quả toàn diện tạo đà cho bứt phá năm 2019.

Áp lực hành chính từ các địa phương 

Trước đó, chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu “năm 2019 phải hơn năm 2018 trên tất cả các phương diện".

Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng động lực mới, khí thế mới, niềm tin mới, đồng thời đề nghị phải tạo được bứt phá trong năm 2019.

Với yêu cầu trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung tập trung vào cuộc thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tạo điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thống nhất nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân.

Nhận định về vấn đề này, trao đổi với TTXVN, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ, trong nhiệm kỳ này Chính phủ luôn luôn có quyết tâm chính trị hết sức cao trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kết hợp với cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. 

“Chính phủ nhận thấy rằng năm 2018 đã đạt được nền tảng tương đối tốt và có thể tạo bước nhảy, bứt phá trên nền tảng đó. Chính phủ cho ra đời Nghị quyết 01 và đặc biệt là Nghị quyết 02 đồng thời vào những ngày đầu năm để thực hiện chỉ đạo nhất quán và đồng bộ, đặc biệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, giống như tạo đột phá chiến lược về thể chế”, ông Cung nhận định.

Ngay tại Nghị quyết số 162/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch các tỉnh thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân và đất nước, quán triệt tinh thần chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ở từng cấp, từng ngành. 

Đồng thời, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khẩn trương rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách. Cùng với đó, chủ động, tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đặc biệt, là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân. 

Theo ông Cung: “Những yêu cầu này của Chính phủ đã tạo áp lực mạnh mẽ về mặt hành chính với các một cửa và các chủ tịch các địa phương, ngay từ đầu năm phải vào cuộc, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, cản trở với hoạt động kinh doanh. Đặc biệt trong giải ngân vốn đầu tư và thực hiện các dự án lớn góp phần tạo đột phá về phát triển đầu tư hạ tầng”.

Có thể bạn quan tâm

  • Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2019

    Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2019

    16:21, 22/12/2018

  • Nhận diện kinh tế 2019

    Nhận diện kinh tế 2019

    10:00, 23/11/2018

  • Kinh tế 2019 sẽ đối mặt với nhiều thách thức

    Kinh tế 2019 sẽ đối mặt với nhiều thách thức

    08:30, 16/11/2018

Với quyết tâm như vậy, cùng với sự điều hành tương đối sáng tạo và một tham vọng thay đổi khác biệt hơn nữa trong 2019, ông Cung nhận định, năm 2019 sẽ đạt những kết quả cao hơn 2018. 

Cơ sở cho bứt phá

Cùng với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Theo đó, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là khâu đột phá.

Đặc biệt, kiên quyết không để phát sinh các điều kiện kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành sau khi đã cắt giảm, đơn giản hóa. Loại bỏ việc lồng ghép, bổ sung các điều kiện kinh doanh trong văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành, địa phương hoặc quy định dưới dạng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, năm 2019 với tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” thì vấn đề bứt phá là vấn đề quan trọng. 

“Với mục tiêu hướng tới nền kinh tế số và xã hội số đây là yêu cầu khách quan và rất cần sự thay đổi quyết liệt, tinh giảm bộ máy và tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp về cả thời gian và chi phí. Trong đó, bao gồm cả chi phí chính thức và phi chính thức, thời gian cho người dân và dn. Tạo môi trường minh bạch tránh nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo các chuyên gia, để thực hiện được những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hiện thực mục tiêu 2019 là năm bứt phá cho mục tiêu dài hạn hơn của các năm tiếp theo cần tháo gỡ những điểm nghẽn và những thách thức của nền kinh tế. Chú trọng vào những điểm được xác định là cơ sở để bứt phá.

Nói như Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, chúng ta có thể xác định bứt phá trên một số điểm.

Thứ nhất, cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh phải mạnh mẽ và thực chất hơn nữa.

Thứ hai, khơi thông dòng vốn tạo động lực tăng trưởng mà đặc biệt là dòng vốn tư nhân. Với đầu tư công, chú trọng các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực hạ tầng.

Thứ ba, có thể bứt phá nếu tiếp tục đa dạng hoá và tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực cơ cáu ngành.

Thứ tư, cải cách doanh nghiệp nhà nước, bởi theo ông Cung, trong hai năm qua phát triển khu vực này khá mờ và sự đóng góp hơi ít.

Thứ năm, theo ông Cung, với đà phát triển khu vực kinh tế tư nhân năm 2018 và nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW sẽ là điểm có thể bứt phá cho kinh tế Việt Nam 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bứt phá kinh tế năm 2019 và quyết tâm từ Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO