Tạo "bứt phá" trong sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2019

Diendandoanhnghiep.vn Theo ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đánh giá về DNNN cần phải khách quan, sắp xếp, cơ cấu lại DNNN cần sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa.

Dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên vẫn phải thẳng thắn rằng “bức tranh” cổ phần hoá, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn còn gam "màu trầm". Đơn cử năm 2018, chỉ có 15 doanh nghiệp được cổ phần hoá trong khi kế hoạch là 85 doanh nghiệp. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Hồng Long, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong 3 năm qua, dù chưa thực sự hoàn tất toàn bộ mục tiêu đề ra, nhưng có nhiều điểm sáng, cũng như đã đi vào thực chất và có chiều sâu.

Theo ông Nguyễn Hồng Long, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong 3 năm qua, dù chưa thực sự hoàn tất toàn bộ mục tiêu nhưng cũng đã đi vào thực chất và có chiều sâu.

- Xin ông cho biết cụ thể “bức tranh” cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm qua và tình hình hoạt động của khu vực doanh nghiệp này?

Nhìn tổng thể, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong 3 năm qua, dù chưa thực sự hoàn tất toàn bộ mục tiêu đề ra, nhưng có nhiều điểm sáng, cũng như đã đi vào thực chất và có chiều sâu.

Cụ thể, về việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 29 DNNN, bao gồm 5 doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN.

Trong đó, tổng giá trị doanh nghiệp là 42.742,30 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 24.349,73 tỷ đồng. Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của 29 doanh nghiệp này là 23.646,32 tỷ đồng.

Đã IPO và bán cho cổ đông chiến lược 30 doanh nghiệp, thu về 24.250,04 tỷ đồng. trong đó, có một số doanh nghiệp quy mô lớn như: Tập đoàn Cao su Việt Nam; các Tổng công ty: Lọc hóa dầu Bình Sơn, Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí, Phát điện 2, lương thực miền Nam, Hàng Hải Việt Nam, Truyền hình Cáp Việt Nam, Thương mại Hà Nội…

Như vậy, 3 năm đầu giai đoạn 2016-2020, cả nước cổ phần hóa được 153 doanh nghiệp, tăng 116 doanh nghiệp, tương đương 32% so với số doanh nghiệp cổ phần hóa cùng kỳ ba năm đầu giai đoạn 2011-2015.

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đã thoái vốn nhà nước tại 80 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 5.791,2 tỷ đồng, thu về 15.467,3 tỷ đồng (gấp 2,67 lần giá trị sổ sách), bao gồm 25 doanh nghiệp (giá trị sổ sách là 1.213 tỷ đồng, thu về 2.082 tỷ đồng) thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg. Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong năm 2018 đạt 39.717,34 tỷ đồng.

Lũy kế từ 3 năm đầu của giai đoạn 2016-2020, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt hơn 209.700 tỷ đồng trong đó, năm 2016 là 30 ngàn tỷ, năm 2017 là 140 ngàn tỷ và năm 2018 là 39,7 ngàn tỷ, gấp 2,68 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015.

Về số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp ngân sách nhà nước phục vụ kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ năm 2016 đến hết năm 2018, đã chuyển 155.000/250.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước, đạt 62% kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020.

Như vậy, có thể thấy, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực so với hiện diện trên 60 ngành, lĩnh vực vào năm 2001. Đã tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh. Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 150 DNNN (chủ yếu là các công ty xổ số, công ích và 3 tập đoàn Dầu khí, Điện lực và Viettel).

Các DNNN sau cổ phần hóa hầu hết đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên. Tổng hợp kết quả hoạt động 294 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước năm 2017 cho thấy: tổng tài sản hơn 500 tỷ đồng (tăng 6% so với năm 2016); tổng vốn chủ sở hữu là hơn 200 tỷ đồng (tăng 14% so với năm 2016); lợi nhuận trước thuế khoảng 37.540 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2016). Tổng phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước tăng đạt 52.508 tỷ đồng (tăng 17% so với năm 2016), tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,8%.

- Tuy nhiên, vẫn phải thẳng thắn rằng “bức tranh” cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn còn gam màu trầm, đơn cử năm 2018 chỉ có 15 doanh nghiệp được cổ phần hoá trong khi kế hoạch là 85 doanh nghiệp, thưa ông?

Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hoá 85 doanh nghiệp (bao gồm 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 chuyển sang và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018) trong đó có 18 Bộ, 61 địa phương và 5 tập đoàn, tổng công ty đề nghị được điều chỉnh tiến độ cho phù hợp với tình hình thực tế và đang được Bộ KH&ĐT thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ. Đến nay mới cổ phần hoá được 29 doanh nghiệp nhà nước.

Theo kế hoạch năm 2018, TP HCM phải thực hiện cổ phần hoá 39 doanh nghiệp, TP Hà Nội phải thực hiện cổ phần hoá 11 doanh nghiệp, chiếm 78,1% nhưng đến nay chưa cổ phần hoá được doanh nghiệp nào.

Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Theo Quyết định số 1232/QĐ_TTg thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, nhưng chỉ thoái vốn được 17 doanh nghiệp. Năm 2018, có 181 doanh nghiệp phải thoái vốn nhưng đến nay mới chỉ thực hiện thoái vốn được 25 doanh nghiệp.

- Vậy theo ông, vì sao hiệu quả hoạt động của DNNN vẫn chưa tương xứng với lợi thế?

So sánh hiệu quả hoạt động giữa các khu vực doanh nghiệp rất khó, vì có nhiều tiêu thức so sánh khác nhau như lợi nhuận, doanh thu, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm ổn định và thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Hơn nữa, mặt bằng so sánh giữa DNNN và 2 khu vực còn lại không đồng nhất. Nếu như với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mục tiêu duy nhất là lợi nhuận, thì DNNN phải thực hiện các nhiệm vụ xã hội, tham gia ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với biến động của thị trường, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Nếu không có DNNN, thì ai mang xăng dầu lên vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vì bán xăng dầu ở những khu vực này chắc chắn là lỗ. Nếu không có EVN thì ai kéo đường dây điện vào bản làng xa xôi, hẻo lánh, vì phải mất cả trăm năm cũng chưa khấu hao hết vốn đầu tư.

Chính DNNN cũng muốn tách bạch hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích. Cái gì là nhiệm vụ của Nhà nước như mang xăng dầu, nhu yếu phẩm thiết yếu, kéo điện, phủ sóng điện thoại, Internet ở vùng sâu, vùng xa thì Nhà nước phải bỏ tiền ra làm, không giao “nhiệm vụ chính trị” cho DNNN, mà tổ chức đấu thầu, mọi thành phần kinh tế đều được tham gia.

Thực hiện Nghị quyết 60/2018/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN, các cơ quan chức năng sẽ sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của doanh nghiệp. Khi có bộ tiêu chí sẽ biết được hiệu quả hoạt động của từng DNNN.

 -Vậy đâu là giải pháp giải quyết thực trạng này, giúp sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mạnh mẽ hơn nữa và đặc biệt tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khu vực này trong năm 2019 tới, thưa ông?

Năm 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến việc hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, để tạo bứt phá mạnh mẽ trong công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nâng cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc theo quy định; tiến độ triển khai Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Quy chế tài chính, Đề án cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ủy ban nhân dân các thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chủ động chuẩn bị các công việc liên quan để có thể triển khai ngay và có kết quả kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh; đẩy nhanh việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn.

Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát tình hình triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn để xác định rõ thời gian hoàn thành, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/1/2019 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chậm, không thực hiện nội dung này.

Đối với các trường hợp không hoàn thành đúng kế hoạch năm 2018 đã được phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan.

- Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tạo "bứt phá" trong sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2019 tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714071901 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714071901 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10