Xây dựng Luật chung hay Nghị định về kinh tế chia sẻ là rất khó!
Xây dựng Luật chung hay Nghị định Chính phủ về kinh tế chia sẻ là rất khó bởi loại hình này thay đổi rất nhanh so với quy định. Cần xây dựng ngay các quy định điều chỉnh riêng lẻ ở từng lĩnh vực.
Chủ trì cuộc họp lấy ý kiến lần đầu tiên về xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng cách đây đúng một năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, cách tiếp cận mô hình kinh tế chia sẻ là tạo điều kiện ra đời, phát triển chứ không thể mặc kệ hoặc là không làm được thì cấm.
Bảo đảm nguyên tắc có kinh doanh- có nộp thuế
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, hiện nay, trong nước đã xuất hiện các mô hình kinh tế chia sẻ trên thế giới, trong đó nổi lên là các loại hình vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở và cho vay ngang hàng, đều là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, mặc dù đã phát triển mạnh ở các quốc gia trên thế giới, nhưng những năm gần đây mô hinh này mới tác động mạnh mẽ tới thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp mới gia nhập cùng với những biến động khiến chính sách không thay đổi kịp.
Theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), ước tính doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng kinh doanh chia sẻ sẽ đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025 so với doanh thu năm 2014 mới khoảng 15 tỷ USD. Giá trị lớn nhất của mô hình kinh doanh chia sẻ là tác động lên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, buộc thay đổi và cạnh tranh, tiết giảm chi phí và tận dụng tối đa các nguồn lực.
Không chỉ là các ứng dụng gọi xe, mô hình kinh doanh chia sẻ cũng dần phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ du lịch, chia sẻ văn phòng, giúp việc nhà, vay mượn tài chính, sử dụng chung thiết bị điện tử...
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, kinh tế chia sẻ có những ưu điểm là tăng nguồn thu thuế cho nhà nước, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường. Người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn dịch vụ, sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ người dân tốt hơn, tạo sự cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển và cơ cấu lại bộ máy quản lý, điều hành trong sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm thì mô hình này có những bất cập là chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế, đồng thời có sự giao thoa với các ngành nghề kinh doanh truyền thống gây khó cho quản lý nhà nước. Khó quản lý kê khai thuế do mô hình này sử dụng hợp đồng, hoá đơn điện tử trong khi pháp luật hiện hành chỉ quy định về hoá đơn giấy.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế chia sẻ nhìn từ sự xuất hiện của Uber-Grab
06:30, 06/02/2019
Kinh tế chia sẻ “đặt hàng” gì cho chính sách?
05:28, 13/01/2019
Doanh nghiệp kinh tế chia sẻ khó gọi vốn vì thiếu khung pháp lý
08:00, 22/11/2018
"Để quản lý tốt Uber-Grab, nên tách bạch kinh tế chia sẻ và kinh tế nền tảng"
11:03, 01/11/2018
Cùng với đó, một bất cập nữa là hệ thống pháp luật chưa quy định về thông tin trên mạng đối với các tổ chức hay cá nhân nước ngoài có hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam, gây khó cho cơ quan quản lý khi yêu cầu các tổ chức, cá nhân này cung cấp thông tin, giao dịch tại Việt Nam để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát và thu thuế. Do đó, việc xây dựng quy định quản lý, phát triển mô hình đang là xu thế phát triển kinh tế là yêu cầu tất yếu.
Được biết, tại các quốc gia trên thế giới, việc quản lý mô hình kinh tế này có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng nhìn chung không có pháp luật chung mà điều chỉnh riêng lẻ ở từng lĩnh vực, từng ngành. Việt Nam chưa có các chính sách quản lý, ngoài trường hợp thí điểm với dịch vụ vận tải theo hợp đồng điện tử.
Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ, ngành nghề trên nền tảng chia sẻ đều tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành như Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Du lịch, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Giao thông đường bộ và kể cả các luật pháp về thông tin, thương mại điện tử.
Xây dựng các quy định điều chỉnh riêng lẻ ở từng lĩnh vực
Ghi nhận thực tiễn này trên thế giới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chưa có quốc gia nào có pháp luật chung về kinh tế chia sẻ mà chỉ điều chỉnh riêng lẻ ở các lĩnh vực có kinh tế chia sẻ, đây là căn cứ quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh việc tiếp cận và ứng xử với loại hình mới này.
“Nếu để có một nghị định hay một luật để quy định chung về kinh tế chia sẻ sẽ rất khó để xây dựng và triển khai vì thực tiễn của loại hình này thay đổi rất nhanh so với các quy định. Cần xây dựng ngay các quy định để điều chỉnh riêng lẻ ở từng lĩnh vực”, Phó Thủ tướng nêu ý kiến.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý trong kinh tế chia sẻ, còn nhiều lĩnh vực còn nhạy cảm, khó kiểm soát như lĩnh vực cho vay ngang hàng dễ biến tướng thành cho vay nặng lãi, quản lý nhà nước cần sớm đối diện với những khó khăn này.
“Cách tiếp cận là tạo điều kiện cho nó ra đời, phát triển chứ không thể mặc kệ hoặc là không làm được thì cấm”, ông Vương Đình Huệ bày tỏ với các bộ, ngành.
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Bùi Thế Duy nhận định, các lĩnh vực nào có sự hiện diện rõ ràng của kinh tế chia sẻ thì cần sớm có các quy định pháp luật và điều chỉnh chính sách theo sự thay đổi của thực tiễn.
“Tại Hoa Kỳ, Chính phủ đã cho phép từng cá nhân sở hữu ô tô tham gia dịch vụ vận tải trực tuyến”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy dẫn chứng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị không cần luật chung hay nghị định của Chính phủ về kinh tế chia sẻ mà nên điều chỉnh các quy định của pháp luật ở từng lĩnh vực cụ thể.
Từ thực tiễn hoạt động của “taxi công nghệ” tại Việt Nam, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết Bộ này đã hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải trên tinh thần công bằng, bình đẳng hơn về điều kiện kinh doanh vận tải giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống và quy định về hợp đồng điện tử, làm căn cứ để quản lý và thu thuế.