“Không tăng được năng suất lao động chúng ta sẽ tụt hậu”
Đó là khẳng định của nhiều Đại biểu Quốc hội trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập và áp lực từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho biết hiện năng suất lao động vấn còn thấp.
Lào, Campuchia “vượt mặt” Việt Nam
“Năng suất lao động thấp và tình trạng này kéo dài trong nhiều năm, Quốc hội cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này”, Đại biểu Phạm Thị Thu Trang nhấn mạnh.
Theo đó, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hoá dân số lại cao, do đó, Đại biểu cho rằng nếu không có chính sách tốt sẽ bỏ lỡ cơ hội nâng cao năng suất lao động.
Trước đó, cùng quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cũng cho rằng: "Năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu, thấp hơn Lào, Campuchia là vấn đề đáng suy ngẫm khi họ là những nước đi sau mình rất xa mà giờ đây năng suất lao động đã vượt ta".
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng năng suất chỉ ở mức 2-4% trong gần 10 năm qua. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore, 18,4% của Malaysia, 36,2% của Thái Lan, 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines.
Đáng quan ngại hơn là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, điều này cho thấy khoảng cách và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước là rất lớn.
“Nếu xét năng suất lao động theo các nhóm ngành kinh tế thì năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng là cao nhất, tiếp đến là nhóm ngành dịch vụ và thấp nhất là nhóm nông, lâm và thủy sản. Tuy nhiên, điều đáng buồn là năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng- nhóm ngành chủ lực của nền kinh tế lại có xu hướng chững lại từ khá sớm”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh.
Tương tự, tại nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, phân tích mới đây nhất từ dữ liệu Điều tra Doanh nghiệp của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam vẫn chỉ bằng khoảng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Malaysia, 1/3 của Indonesia và Philippines,1/2 của Ấn Độ và Thái Lan và chỉ bằng khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015.
Có thể bạn quan tâm
5G là lời giải cho bài toán chi phí và năng suất của doanh nghiệp?
00:30, 12/05/2019
Muốn tăng năng suất phải chăm lo tốt đời sống người lao động
14:58, 07/05/2019
[Giải bài toán năng suất lao động] Bài 3: Kinh tế tư nhân
06:30, 06/05/2019
Thủ tướng Chính phủ: Phát triển đất nước phải dựa vào năng suất lao động
10:16, 05/05/2019
“Chìa khóa vàng” nâng cao năng suất làm việc
04:05, 05/05/2019
Động lực tăng trưởng, tránh nguy cơ tụt hậu
Trong khi đó, việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược của Chính phủ. Đồng thời, chính phủ đang thực hiện kế hoạch tăng cường nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận cuộc CMCN 4.0.
“Đây là động lực và cơ hội để tăng năng suất lao động, nếu không Việt Nam sẽ bị tụt hậu và gia tăng khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực”, Đại biểu Phạm Thị Thu Trang nhấn mạnh.
Đồng thời, đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần đánh giá sâu hơn nhân tố tăng năng suất lao động, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, xác định nguyên nhân, giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển nền tảng, tăng năng suất lao động xã hội.
Phương pháp luận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng cho thấy, với thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt 3.000 USD vào năm 2020, Việt Nam đã qua giai đoạn có tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào mà bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào hiệu quả và năng suất.
“Các động lực tăng trưởng đã giúp Việt Nam đạt được kết quả cao trong giai đoạn kể từ khi đổi mới đến nay như tài nguyên khoáng sản, lao động giá rẻ... đang tiến dần đến trần giới hạn. Vì vậy, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp”, GS. TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh.
Cùng với đó, nâng cao năng suất của doanh nghiệp ngành chủ chốt như công nghiệp chế biến chế tạo và đổi mới sáng tạo là then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiến tới đạt được tăng trưởng bao trùm.
Do đó, Đại biểu đề nghị: “Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt về hoàn thiện cơ chế chính sách về tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phân tích các tác động đối với Việt Nam, trong đó có các tác động đến lao động và việc làm, xây dựng các dự án ứng phó và xây dựng nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng và thích ứng trong thời kỳ mới”.