Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM: Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Nhóm PV 04/04/2020 15:11

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM kiến nghị cần đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh

Tại cuộc họp trực tuyến với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn cao điểm phòng chống COVID-19" mới diễn ra, ông Dũng cho biết, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, chưa biết các doanh nghiệp sẽ phục hồi đến mức nào.

Do đó, các chính sách từ phía chính phủ, các Bộ, ngành cần có tầm nhìn, độ phù hợp cũng như khung thời gian hợp lý, đảm bảo hiệu quả thực thi với mục tiêu giúp đỡ tối đa cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao:

    Chủ tịch Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao: "Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp đang rất lớn"

    10:00, 04/04/2020

  • Hiệp hội Dệt may, Da giày, Thuỷ sản: Giải pháp ngăn chặn làn sóng SMEs phá sản hàng loạt

    Hiệp hội Dệt may, Da giày, Thuỷ sản: Giải pháp ngăn chặn làn sóng SMEs phá sản hàng loạt

    04:00, 01/04/2020

  • AmCham đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp mùa COVID-19

    AmCham đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp mùa COVID-19

    18:28, 03/04/2020

  • [COVID-19] Ngành thuỷ sản: Sụt giảm tới 50% đơn hàng

    [COVID-19] Ngành thuỷ sản: Sụt giảm tới 50% đơn hàng

    00:30, 24/03/2020

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, các địa phương cần có biện pháp hỗ trợ để việc thực hiện chính sách sao cho dễ dàng nhất, minh bạch, công khai. Hiện nay, ngành ngân hàng đang có những hỗ trợ nhiều nhất về các chính sách giảm lãi cũng như giãn nợ… Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần các ngân hàng có công tác công khai rõ ràng về từng đối tượng, tình huống, chính sách, thủ tục … Tất cả những vấn đề này nên có những khung định hình giúp cho doanh nghiệp có thể tiếp nhận và hấp thụ nhanh nhất.

Mặt khác, chính sách của Chính phủ để hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp có thể nên chia ra 2 nhóm bao gồm nhóm các chính sách “chữa cháy”, có thể thực hiện ngay lúc này để giúp cho doanh nghiệp và nhóm chính sách để đảm bảo ổn định, phát triển với những mức độ khác nhau.

"Rõ ràng trong sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp những yếu tố như chi phí đầu vào, đầu ra…. thuộc về nhóm Chính phủ có thể tác động cần được bàn với phương châm tìm cách cắt giảm mạnh nhất. Ví dụ như nhóm liên quan đến năng lượng, mặt bằng, logistic, thuế, hải quan rồi các thủ tục… Đó là nhóm mà nhà nước đang nắm quyền điều tiết thì cần được xử lý tích cực hơn trong thời gian tới", ông Dũng nhận định. 

Về nhóm chính sách chuẩn bị cho hậu COVID-19 bao gồm việc khai thông thị trường, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức và nhóm các chuyên gia có thể xây dựng, liệt kê để đưa ra những khuyến nghị cụ thể.

Xung quanh vấn đề liên quan đến các lĩnh vực, dịch vụ trọng yếu. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay các văn bản đang nhắc đến quá nhiều. Do đó, chỉ cần nhắc đến những lĩnh vực tạm thời phải dừng, có thể hàm chứa môi trường lây lan dịch bệnh mạnh. Từ đó, Chính phủ có thể có những chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc nhóm này.

Một điểm đáng chú ý được ông Dũng chỉ ra rằng trên thực tế, đang xảy ra tình trạng các địa phương đưa ra những chính sách khác nhau. Cụ thể, có những địa phương cho rằng những người từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội được coi là đến từ vùng dịch và sẽ được tiến hành cách ly. Điều này sẽ gây ra nhiều bất tiện cho các nhân viên hoặc hàng hóa của các doanh nghiệp từ hai thành phố này đi xuống các tỉnh.

Do vậy, các chính sách liên quan đến cách ly xã hội nên được thống nhất toàn quốc, các địa phương không nên có thêm các quy định riêng làm cản trở sản xuất, tránh cho doanh nghiệp phải đối phó với nhiều kịch bản của nhiều địa phương khác nhau.

Nhóm PV