AmCham đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp mùa COVID-19

Nhóm phóng viên 03/04/2020 18:28

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, dù duy trì được công suất hoạt động ở mức cao nhưng các doanh nghiệp vẫn không tránh khỏi việc bị gián đoạn hoạt động.

Bà Mary Tarnoka, giám đốc điều hành của AmCham Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành của AmCham Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh

Số liệu thống kê từ AmCham cho thấy, từ khi dịch bệnh xảy ra, đến nay trên 70% doanh nghiệp thành viên của Amcham vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất bình thường (tức từ 70% công suất trở lên), khoảng 17% doanh nghiệp đang hoạt động ở mức 50-70% và chỉ có khoảng 13% thành viên đang hoạt động dưới công suất bình thường 50%.

Tuy nhiên, bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành của AmCham Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các ngành kinh tế khác nhau đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở các mức độ khác nhau. Cụ thể, các doanh nghiệp du lịch và khách sạn bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Một số doanh nghiệp thành viên AmCham đã buộc phải cho nhân viên nghỉ dài hạn vào thời điểm này. 

Có thể bạn quan tâm

  • Đại diện VASEP: Doanh nghiệp thủy hải sản gặp khó khăn trùng trùng trong mùa dịch

    Đại diện VASEP: Doanh nghiệp thủy hải sản gặp khó khăn trùng trùng trong mùa dịch

    18:08, 03/04/2020

  • [COVID-19] Ngành vận tảip/ô tô “kêu cứu”

    [COVID-19] Ngành vận tải ô tô “kêu cứu”

    18:08, 03/04/2020

  • “Hơn 90% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID-19”

    “Hơn 90% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID-19”

    16:55, 03/04/2020

  • Chủ tịch VCCI: Mỗi doanh nghiệp là một

    Chủ tịch VCCI: Mỗi doanh nghiệp là một "pháo đài", mỗi doanh nhân là một "chiến sỹ"

    16:13, 03/04/2020

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chịu tác động rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống khi vẫn chịu chi phí mặt bằng cao trong khi số lượng khách hàng ngày một giảm. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu sụt giảm mạnh ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ và châu Âu.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, bà Mary đề xuất, trước mắt có thể cho phép chuyển lỗ của năm 2020 và hạch toán năm 2019 đối với phần đóng thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2019 do nhiều nhân viên của nhiều công ty không đi làm để hoàn tất hồ sơ khai thuế và trả thuế.

Bà Mary đánh giá, việc cho phép chuyển ngược tiền lỗ của năm nay vào năm 2019 cho phép doanh nghiệp chi trả thuế trong vòng 2 năm và tránh tình huống các doanh nghiệp bị phá sản do vấn đề phải trả thuế nặng trong năm nay. Đồng thời, những doanh nghiệp năm 2019 có lời nhưng năm 2020 lỗ thì có thể có sự hỗ trợ để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đại diện AmCham thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần nới lỏng các tiêu chí để cho phép cung cấp các khoản vay bình thường và các khoản vay có lãi suất thấp. Hiện nay, các cơ quan quản lý trong ngành ngân hàng ở nhiều quốc gia đã nới lỏng các quy định quản lý của mình ở mức độ cho phép. Bên cạnh đó, đối với các chủ thuê nhà và mặt bằng được khuyến nghị có thể giảm hoặc hoãn tiền thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn.

Trong khi đó, các ngân hàng có thể gia hạn thời hạn đối với việc chi trả các khoản vay gốc. Đồng thời, các khoản vay lãi suất thấp do Chính phủ hỗ trợ có thể giúp cho nhiều doanh nghiệp tránh khỏi bị phá sản cũng như khôi phục lại hoạt động sau này.

Để hạn chế việc giao tiếp trực tiếp nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh, bà Mary cho biết, đây là thời điểm thích hợp để linh hoạt trong thời gian ngắn hạn việc nộp hồ sơ điện tử thay vì nộp bản cứng hồ sơ, cũng như tạm miễn các yêu cầu về hợp pháp hoá lãnh sự và chứng thực đối với hồ sơ, tài liệu.

Theo đại diện AmCham, rất nhiều năm nay cộng đồng doanh nghiệp cũng có rất nhiều đề xuất và yêu cầu về việc miễn, giảm các yêu cầu đối với văn bản chứng thực và hợp pháp hoá lãnh sự trong hoạt động quản lý hành chính thông thường. Do đó, đây là cơ hội để có thể tiến hành tinh giảm và cho phép tự chứng thực để doanh nghiệp có thể hoạt động một cách hiệu quả trong thời gian có dịch và thậm chí là sau khi dịch đã kết thúc.

Trong thời gian tới, việc di chuyển quốc tế đi qua các nước đối với cán bộ và người lao động sẽ gặp khó khăn do có rất nhiều biện pháp hạn chế đi lại giữa các quốc gia cũng như thiếu nhân viên hành chính để có thể xử lý hồ sơ, giấy tờ. Chính vì vậy, cần linh hoạt về mặt chính sách trong việc gia hạn visa, cung cấp giấy phép lao động và thẻ thường trú cho các doanh nghiệp, người lao động nước ngoài đến Việt Nam.

Với các tiêu chí để có thể sàng lọc và lựa chọn, xác định các doanh nghiệp và các loại dịch vụ thiết yếu, AmCham cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam có sự điều phối tập trung từ Trung ương để tránh tình huống các tỉnh, thành có thể diễn giải và áp dụng khác nhau.

Đồng thời, Việt Nam có thể cân nhắc việc hỗ trợ nhập khẩu nhanh chóng các trang thiết bị y tế cũng như đồ bảo hộ cá nhân danh cho cán bộ y tế để đáp ứng và phòng công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thậm chí, nếu nguồn cung trong nước cho phép thì có thể xem xét hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm thiết yếu này sang các quốc gia đang bị thiếu hụt thiết bị như Mỹ và Liên minh châu Âu.

Đại dịch COVID-19 đang có tác động to lớn đến các nền kinh tế cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thành viên của AmCham đều đánh giá cao tính hiệu quả của các biện pháp cũng như tính minh bạch thông tinh qua các văn bản chính thức của chính phủ Việt Nam.

AmCham và các thành viên đang nỗ lực hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành trong việc kiểm soát dịch bệnh thông qua việc cung cấp tài trợ hàng hoá và tài trợ về mặt tài chính để ứng phó chống dịch COVID-19 để giảm thiểu các tác động bất lợi và chi phí kinh tế và xã hội đến từ đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
AmCham đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp mùa COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO