Mỗi ngày, gần 300 doanh nghiệp phá sản, "chết lâm sàng", chuyên gia nói gì?

Theo Dân trí 06/09/2020 00:20

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hết tháng 8, cả nước có gần 69.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể, trong đó số giải thể lên đến hơn 10.400 doanh nghiệp.

Trong tháng 8/2020, Việt Nam ghi nhận gần 8.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, trong đó số doanh nghiệp giải thể là hơn 1.400 doanh nghiệp, số tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là hơn 3.400 doanh nghiệp, tạm ngừng hoạt động có thời hạn là hơn 3.100 doanh nghiệp.

So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn tăng hơn 158%, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể tăng hơn 63% và doanh nghiệp phá sản tăng hơn 9,3%.

Hết tháng 8, Việt Nam ghi nhận số doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản là hơn 68.900 doanh nghiệp, bình quân mỗi ngày có gần 300 doanh nghiệp khó khăn, rời bỏ thị trường. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động có thời hạn tăng gần 71%, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động chờ giải thể giảm gần 6% và doanh nghiệp giải thể giảm gần 4%.

Số doanh nghiệp phá sản, chết lâm sàng đang tăng nhanh tại Việt Nam do khó khăn của dịch bệnh và các yếu tố khác (ảnh Việt Vũ)

Số doanh nghiệp phá sản, chết lâm sàng đang tăng nhanh tại Việt Nam do khó khăn của dịch bệnh và các yếu tố khác (ảnh Việt Vũ).

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là quy mô doanh nghiệp phá sản, giải thể chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa dưới quy mô vốn 10 tỷ đồng. Với hơn 10.400 doanh nghiệp phá sản trong 8 tháng qua, thì có đến 9.200 doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản (chiếm gần 90%). Như vậy, có thể nói, doanh nghiệp phá sản chủ yếu vẫn là diện yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khó hồi phục sau nhiều cú sốc liên tiếp.

Về lĩnh vực, doanh nghiệp phá sản chủ yếu vẫn ở các ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; doanh nghiệp chế biến, chế tạo và đặc biệt thị trường đã ghi nhận có 620 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phá sản, hơn 590 doanh nghiệp hoạt động lưu trú, ăn uống rời bỏ thị trường.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại diện Cục Quản lý, đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc doanh nghiệp buộc tạm dừng hoặc chờ phá sản gia tăng trong thời điểm hiện nay phản ánh sự khó khăn của điều kiện sản xuất, kinh doanh và tổng cầu một số ngành đã và đang giảm sâu.

Theo vị này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sự linh hoạt trong kinh doanh song trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở nhiều lĩnh vực trọng điểm, thương mại khó khăn, họ là những đối tượng chịu tác động rất lớn từ việc giảm đơn hàng, việc làm. Đa số doanh nghiệp nhỏ, công ty phụ trợ Việt Nam làm gia công hoặc dịch vụ cho doanh nghiệp xuất khẩu bị mất đơn hàng, thậm chí những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đi nước ngoài bị hủy ngang hoặc mất đơn hàng từ đối tác.

Theo vị này, cao điểm cuối năm các doanh nghiệp sẽ chốt tổng đơn hàng với khách hoặc có nhiều hợp đồng gia công hơn. Nếu dịch bệnh được khống chế, thương mại được phục hồi, đây sẽ là dịp "cứu cánh" đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thương mại tiếp tục có xu hướng xấu đi, tổng cầu giảm, cuối năm sẽ là thời gian rất khó khăn với doanh nghiệp Việt và việc dừng hoạt động, phá sản sẽ gia tăng.

Trao đổi với Dân trí về điều này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, dịch bệnh tái bùng phát hoặc có thể từ nay đến cuối năm Việt Nam vẫn phải sống chung với covid-19 sẽ khiến các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn và ăn uống, giao thông thêm phần khó khăn hơn, số dừng hoạt động, phá sản sẽ lớn hơn.

Bà Lan cho rằng, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và phá sản gia tăng cho thấy các nỗ lực hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa thực sự đến với mọi đối tượng doanh nghiệp. Dù là doanh nghiệp nhỏ và vừa song đây là nơi giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động, việc họ bị tạm dừng sẽ khiến số lao động thất nghiệp, gây bất ổn xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy về an sinh khác.

Theo bà Lan, giải pháp lớn nhất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là tổng cầu, vốn và đẩy mạnh miễn, giảm thuế phí. Các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tìm thị trường ngay trong nước, chuyển xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa. Đối với vấn đề thuế phí, cần miễn thậm chí xóa nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp khó khăn bởi điều đó vừa giúp nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn vừa thể hiện tính nhân văn của các ưu đãi, hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao ngân hàng không hạ chuẩn cho vay khi doanh nghiệp khó khăn?

    Vì sao ngân hàng không hạ chuẩn cho vay khi doanh nghiệp khó khăn?

    19:16, 05/05/2020

  • Bến Tre: Doanh nghiệp khó khăn “kép”

    Bến Tre: Doanh nghiệp khó khăn “kép”

    05:55, 19/03/2020

  • Hải Dương: BHXH chia sẻ cùng doanh nghiệp khó khăn do COVID-19

    Hải Dương: BHXH chia sẻ cùng doanh nghiệp khó khăn do COVID-19

    20:16, 22/04/2020

  • Hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do COVID-19: Cứu doanh nghiệp là cứu chính mình!

    Hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do COVID-19: Cứu doanh nghiệp là cứu chính mình!

    11:02, 04/03/2020

Theo Dân trí