Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 10 cho thấy điều gì?

LINH NGA 05/11/2020 16:00

Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 10 vừa cập nhật cho thấy quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam dường như tiếp tục đi đúng hướng trong quý 4/2020.

Một số chỉ số vĩ mô đang cho thấy quá trình phục hồi của nền kinh tế sau Covid-19 vẫn đang tiến triển tích cực. Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực, chỉ số IIP tháng 10 tăng 5,4% so với cùng kỳ, gấp đôi mức tăng trưởng của 10 tháng đầu năm là 2,7%. Ngành CN chế biến chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính, với mức tăng 8,3% trong tháng 10, bên cạnh một số ngành như SX thuốc (+25,3%), SX kim loại (+15,2%), SX sản phẩm điện tử (+16,8%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ: Bán lẻ tiếp tục phục hồi trong tháng 10 và đạt mức tăng 6,12% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ tháng 2. Tính chung 10 tháng tăng trưởng 1,27%, tuy nhiên tổng mức bán lẻ loại trừ lạm phát vẫn giảm -3% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, CPI tháng 10 chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, giúp CPI 10 tháng chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Thặng dư thương mại: Thương mại hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng tích cực trong tháng 10, ở mức +9,9% và +10,1% so với cùng kỳ, nhờ đó nhập khẩu lũy kế 10 tháng đã quay về mức tăng trưởng dương +0,4%, trong khi xuất khẩu đạt mức tăng 4,7% trong 10 tháng đầu năm.

Cụ thể hơn, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và tăng trưởng mạnh nhất trong 10 tháng (+24%), thị trường Trung Quốc cũng tăng trưởng 14%, trong khi EU giảm 3%, ASEAN giảm 11,6%, Hàn Quốc giảm 2,6% và Nhật Bản giảm 7%. Thặng dư thương mại đạt khoảng 2,2 tỷ USD trong tháng 10, nâng lũy kế 10 tháng lên mức kỷ lục mới với 18,72 tỷ USD.

Vốn FDI đăng ký: FDI cho dấu hiệu tích cực hơn. FDI đăng ký phục hồi trở lại sau khi giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9, nâng tổng giá trị FDI đăng ký từ đầu năm lên 17,37 tỷ USD (đăng ký cấp mới và đăng ký thêm), giảm -5,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân cũng phục hồi dần về mặt bằng năm 2019, lũy kế đạt 15,8 tỷ USD, giảm nhẹ 2,5% so với cùng kỳ. Trong các lĩnh vực, ngành chế biến chế tạo nhận được lượng FDI cao nhất (45,7% vốn đăng ký), tiếp theo là năng lượng (20,5%), bất động sản (15%), và bán lẻ (5,8%).

Đầu tư công: Đầu tư công duy trì đà tăng ấn tượng, với mức tăng 42,2% trong tháng 10. Tuy nhiên, cần lưu ý giải ngân vốn ODA rất thấp, trong đó gần 70% vốn theo kế hoạch chưa được giải ngân, tương đương 1,75 tỷ USD.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê "tôi tin chúng ta sẽ tiếp đà tăng trưởng khá hơn trong quý IV và tăng trưởng cả năm đạt mức 2 - 3% là khả thi nhờ những yếu tố: kinh tế thế giới được dự báo đang phục hồi dần sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa; Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai có thể giúp Việt Nam khôi phục hoạt động xuất khẩu vào thị trường châu Âu - vốn là thị trường truyền thống lớn của Việt Nam.

Với mức tăng trưởng khoảng 2 - 3% của năm 2020 có thể nói sẽ không đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra cho giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, các nền kinh tế lớn phải đối mặt với tình trạng suy giảm sâu nhất trong nhiều thập kỷ qua thì nền kinh tế duy trì tăng trưởng ở mức trên là thắng lợi lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian đầy biến động này.

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và bật tăng mạnh 7,8% vào năm 2021. Trong đó, động lực tăng trưởng chính trong quý IV/2020 là hoạt động tiêu dùng gia tăng nhờ yếu tố tâm lý thị trường được cải thiện và lĩnh vực sản xuất được tăng tốc giai đoạn cuối năm.

"Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay, bất chấp tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai. Chúng tôi dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý IV/2020 sẽ gia tăng nhờ sự phục hồi của hoạt động kinh tế trong nước và yếu tố tâm lý thị trường. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ được cải thiện sẽ giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác tại châu Á. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn", ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng: Năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN

    Thủ tướng: Năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN

    10:00, 20/10/2020

  • Tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế: Nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực

    Tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế: Nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực

    11:00, 19/10/2020

  • Những ưu tiên trong nền kinh tế số

    Những ưu tiên trong nền kinh tế số

    09:30, 19/10/2020

  • Tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế: Cải cách thể chế bắt đầu từ đâu?

    Tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế: Cải cách thể chế bắt đầu từ đâu?

    05:00, 18/10/2020

LINH NGA