Cơ chế mới cho điện mặt trời: Góc nhìn từ doanh nghiệp

PHƯƠNG THANH 17/06/2021 05:00

Thị trường điện mặt trời cần cơ chế mới minh bạch, với chiến lược bài bản ổn định mang tầm dài hạn thì mới mang lại lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

fd

Ông Đào Du Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bảo Long Solaenergy Group, đồng thời là Trưởng đại diện VP Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp đầu tư phát triển thị trường điện mặt trời sẽ ra sao khi thay đổi cơ chế chính sách mới, so với FIT1 và FIT2?  Để rõ hơn về những khó khăn và thuận lợi của doanh nghiệp khi áp dụng cơ chế mới, PV Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Đào Du Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bảo Long Solaenergy Group, đồng thời là Trưởng đại diện VP Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh về vấn đề này.

- Thưa ông, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, EVN đề xuất có thêm phương án về pin lưu trữ. Vậy với lợi thế từ pin lưu trữ, điều này sẽ đem lại những lợi thế nào cho doanh nghiệp?

Với phương án có pin lưu trữ, tôi thấy là phù hợp! Đây là xu hướng tất yếu cho ngành năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng. Tuy nhiên nếu đưa vào dự thảo vấn đề này, chúng tôi không biết các cơ quan tham mưu đã có các đánh giá, hội thảo khoa học và các diễn đàn để tương tác, lắng nghe những ý kiến đa chiều của doanh nghiệp hay chưa? Vì theo chúng tôi được biết, hiện nay giá thành hệ thống pin lưu trữ đang còn ở mức rất cao, giá thành phải gấp đôi so với đầu tư một dự án điện mặt trời.

Dự án: Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh – 45MWpp/Chủ đầu tư: Công typ/cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận (trực thuộc Tập đoàn T&T Group)

Dự án: Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh – 45MWp - Chủ đầu tư: Công ty cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận (Ảnh: DN)

Ví dụ đầu tư hệ thống điện mặt trời 1mwp với mức chi phí là 13 tỷ thì 1 combo pin lưu trữ đồng bộ phải mất hơn 20 tỷ. Tức là pin lưu trữ + Hệ thống điện mặt trời xấp xỉ khoảng từ 33 tỷ đến 35 tỷ. Nhưng tuổi thọ của 1 hệ pin lưu trữ có thời hạn ngắn, khoảng 8- 10 năm, như vậy hiệu quả kinh tế của nhà đầu tư là không khả thi. Chưa kể, dung lượng lưu trữ lớn hàng Mwp là rất khó đạt được. Đối với các hộ dân sử dụng điện thì đây là một khoản đầu tư quá lớn cho 20 năm. Do đó, với phương án pin lưu trữ là tốt nhưng khó khả thi.

- Hiện nay, các cơ quan chức năng đang xây dựng dự thảo về cơ chế giá điện mặt trời áp mái mới, theo đó, giá mua điện mặt trời của EVN sẽ giảm chỉ còn 5,2 - 5,8 cent. Theo ông, điều này có làm ảnh hưởng đến thị trường lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam hay không?

Nếu giá mua điện này xảy ra, tôi nghĩ những người đưa ra đề xuất này và những cơ quan đồng ý phê duyệt phương án này, phải chăng mục đích họ đang nhắm đến là cố gắng đưa ra bài toán trì hoãn để giải quyết hậu quả việc vỡ trận của FIT1 và FIT2 vừa qua (!?) chứ không nhắm đến mục tiêu phát triển các loại hình năng lượng tái tạo. Thậm chí hạn chế sự phát triển các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng.

Nếu mức giá trên được áp dụng, tôi thấy phương pháp này thực sự chưa ổn. Muốn quản lý công suất và phát triển, nhân rộng mô hình điện mặt trời trên mái nhà thì các Bộ, ngành cần có chiến lược cụ thể, dài hạn, hợp lý thay vì hạ giá thành mua điện. Bởi với các tham số đầu vào như: Giá mua đất cao, thực trạng thuê mái khó khăn, giá thiết bị ngày một tăng, lãi suất ngân hàng thả nổi, giờ lại cộng thêm chính sách mua điện kém hấp dẫn thì đây là quyết định quá bất lợi cho nhà đầu tư.

- Vậy trong thời gian tới nếu không có giá FIT, thị trường lắp đặt các hệ thống điện mặt trời áp mái có đủ hấp dẫn hay không, thưa ông?

Thị trường điện mặt trời cần cơ chế mới minh bạch

Thị trường điện mặt trời cần cơ chế mới minh bạch.  

Thị trường đầu tư các hệ thống điện trên mái nhà vẫn sẽ tiếp tục. Nhưng chỉ hấp dẫn cho các quỹ đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nắm được nguồn vốn với lãi suất 2 đến 3 % / 1năm, chứ không quá mặn mà với nhà đầu tư trong nước. Bởi các nhà đầu tư Việt Nam được "khuyến khích" , "ưu đãi " với lãi suất không dưới 10,5% / 1 năm và chính sách mua điện không ổn định thì doanh nghiệp rất khó có thể đầu tư được.

Chưa kể phương thức tính toán mua điện, chính sách vận hành, giá và quyết định phê duyệt, nhận mua lên lưới với công suất bao nhiêu, hoặc nếu quá tải đường dây thì cắt giảm bao nhiêu...luôn nằm trong quyền hạn của EVN?

Trước những bất cập trên, tôi cho rằng không có giá FIT sẽ rất khó cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào sân chơi này.

- Sau một năm bùng nổ nhờ cơ chế giá FIT, Việt Nam đang xếp thứ 8 trên thế giới về đầu tư năng lượng tái tạo. Theo ông, trong những năm tới, Việt Nam có thể duy trì vị trí này hay không?

Theo tôi thành quả đó, trước hết phải ghi nhận cho nguồn lực của toàn xã hội, gồm các dự án và mô hình đầu tư sử dụng từ trong nhân dân thông qua các doanh nghiệp và những con người dám nghĩ dám làm.

Còn với cơ chế "khuyến khích" thì theo tôi phải có lộ trình dài hạn bao gồm (phương án thúc đẩy, giám sát và xử lý) tốc độ phát triển đó, bởi cơ chế đã cho phép đầu tư thì phải có sự cạnh tranh một cách bình đẳng và minh bạch.

Thực trạng phát triển mất kiểm soát như thời gian qua lại phải dùng chế tài cắt giảm, khuyến cáo và khuyến nghị của các cơ quan chức năng giáng xuống doanh nghiệp thì trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lí Nhà nước chứ không đổ lỗi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các cơ quan truyền thông lại dùng từ "cảnh tỉnh hoặc nóng sốt" ...?! Khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp rất đắn đo và thiếu tin cậy để tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.

Về cơ chế đấu thầu, tôi cho là hợp lý và đây cũng là xu thế chung của thế giới. Và Việt Nam đang xem xét, nghiên cứu lại để học tập mô hình này. Nhưng, vấn đề là trước khi áp dụng, chúng ta đã hiểu hết về nguyên lý vận hành, những thuận lợi và bất cập hay chưa? Những chính sách về đấu thầu đã được xây dựng bài bản "may đo" với thực tế ở Việt Nam hay chưa? Hay là áp dụng xong lại điều chỉnh và khuyến nghị, khuyến cáo tiếp.

Do đó, tôi cho rằng, cơ chế nào được nghiên cứu bài bản, có phương pháp ổn định dài hạn và áp dụng minh bạch thì đó là cơ chế tốt nhất đối với các bên gồm Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

 - Xin cảm ơn ông! 

Có thể bạn quan tâm

  • Thí điểm mua bán điện mặt trời, gió không qua EVN

    Thí điểm mua bán điện mặt trời, gió không qua EVN

    04:00, 12/04/2021

  • “Giải phóng” kịp thời công suất điện mặt trời

    “Giải phóng” kịp thời công suất điện mặt trời

    11:00, 02/04/2021

  • Cần có bài toán giám sát, quản lý tổng công suất nguồn điện

    Cần có bài toán giám sát, quản lý tổng công suất nguồn điện

    04:00, 08/03/2021

  • Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu phản ánh của DĐDN về phát triển điện mặt trời

    Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu phản ánh của DĐDN về phát triển điện mặt trời

    09:00, 25/03/2021

PHƯƠNG THANH