Thực tế, việc công suất liên tục bị cắt giảm đột ngột và quá nóng của điện mặt trời trong năm 2020 đã ảnh hưởng tới bài toán tài chính của nhà đầu tư.
Thủ tướng vừa có chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu và xử lý về thông tin DĐDN phản ánh cần có thêm phương pháp kiểm soát, thanh tra, báo cáo cập nhật kịp thời về công suất trong phát triển điện mặt trời.
Mặc dù quan điểm “điện đi trước một bước" luôn xuyên suốt trong các lần lập quy hoạch điện quốc gia, nhưng nhìn vào thực tế hệ thống điện hiện nay, câu hỏi cũng cần đặt ra lúc này là đi trước bước dài hay ngắn để có chi phí tối ưu hoặc hợp lý nhất với nền kinh tế.
Thực tế, việc công suất liên tục bị cắt giảm đột ngột và quá nóng của điện mặt trời trong năm 2020 đã ảnh hưởng tới bài toán tài chính của nhà đầu tư. “Chúng tôi nhiều ngày liền bị cắt giảm công suất theo yêu cầu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), có những ngày công suất cắt giảm vào giờ cao điểm lên tới 50%. Thiệt hại ước tính khoảng 18 tỷ đồng chỉ tính riêng 4 tháng qua”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP TTP Phú Yên - doanh nghiệp đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội chia sẻ với DĐDN.
Ông Tuấn cho biết, trong khi mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng chỉ ở con số 2% thì công suất lắp đặt trong năm 2020 đã tăng gần 15.000 MW. Tình hình càng nghiêm trọng khi cuối năm 2020 vừa qua, hàng loạt các nhà máy điện mặt trời quy mô nhỏ hơn 1MW, hay các cụm điện mặt trời hoà lưới đã gây ra tình trạng quá tải lưới ở khu vực đó. Trong tuần cuối cùng của năm, tình trạng không huy động các nhà máy điện mặt trời lớn càng trở nên trầm trọng.
Ngay tại Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng nêu rõ chính sách khuyến khích đầu tư điện mặt trời hấp dẫn nên hiện lượng công suất đăng ký của các nhà đầu tư đã vượt xa kết quả tính toán tối ưu mở rộng phát triển nguồn điện đến năm 2030. Các dự án năng lượng tái tạo tập trung chủ yếu ở 4 vùng Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Các nguồn điện đăng ký tập trung quá nhiều tại miền Trung, miền Nam như vậy sẽ gây ra dư thừa điện lớn. Trong đó, riêng về điện mặt trời, năm 2030, kết quả tính toán tối ưu ở khu vực Tây Nguyên đạt khoảng 1.500 MW, nhưng tổng công suất đã và đang đăng ký đầu tư là 5.500 MW, khu vực Nam Trung Bộ tính toán đạt khoảng 5.200 MW nhưng đã đăng ký tới 11.600 MW, khu vực Nam Bộ dự kiến đạt khoảng 9.200 MW nhưng đã đăng ký 14.800 MW.
Có thể thấy, thực tế về quản lý gần như chưa có quy hoạch về phát triển riêng cho năng lượng mặt trời. Chính phủ và Bộ Công Thương đã có chỉ đạo rà soát, xem xét trong đầu tư phát triển điện mặt trời thế nhưng, những người đầu tư sau thì đang lâm vào cảnh “lỡ dở”.
Yêu cầu đầu tiên là đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, tránh trường hợp lãng phí, không hiệu quả trong đầu tư. Đồng thời, Quy hoạch Điện VIII cần thực hiện được “sứ mệnh đi trước một bước”, đảm bảo cho bài toán đầu tư của doanh nghiệp cũng như đảm bảo tính cạnh tranh trong phát triển điện mặt trời.
Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc Hội kiến nghị, “Các địa phương cần phải nắm được việc sử dụng đất đai xây dựng dự án điện mặt trời có hợp lý hay không? Trong trường hợp xảy ra việc sản xuất nhưng không tiêu thụ hết thì phải xét về̀ yêu cầu, chính sách. Tất cả đều phải ổn định, đã cam kết và ký hợp đồng với nhà sản xuất thực hiện trong bao lâu thì phải thực hiện đúng”.
Chúng ta cần rút kinh nghiệm trong việc quy hoạch mạng lưới, quy hoạch năng lượng tránh tình trạng sản xuất điện mặt trời mái nhà bán giá cao nên ồ ạt đầu tư không tính đến khả năng tiêu thụ dẫn đến đình trệ ở một số khu vực.
“Nếu để đường truyền quá tải thì cơ quan Nhà nước cần xem xét dừng hợp đồng ký mới. Các hợp đồng trước cần đàm phán lại để những người sản xuất không bị thiệt hại, tìm thêm nguồn lợi, đặc biệt giúp ngăn chặn thiệt hại của nền kinh tế”, ông Cường nói.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản số 1632 bổ sung danh mục các dự án điện mặt trời vào lưới điện đấu nối vào Quy hoạch Điện VII, điều chỉnh để triển khai thực hiện theo cơ chế đấu thầu giá để phát triển điện mặt trời.
Bộ Công Thương đã có chủ trương đề nghị từ nay cho đến khi có Quy hoạch Điện VIII thì tạm thời dừng việc tổng hợp riêng lẻ và bổ sung thêm các dự án điện mặt trời theo đề xuất của các địa phương cũng như các doanh nghiệp để chờ Quy hoạch Điện VIII hoàn chỉnh, sau đó sẽ xem xét một cách tổng thể.
Ông Trần Tuệ Quang, phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương):
Cần nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích lắp đặt hệ thống pin năng lượng. Thực tế, pin tích trữ năng lượng đảm bảo cho việc cân bằng cung cầu, điều chỉnh và tối ưu điện áp, đảm bảo an ninh năng lượng từ giờ cao điểm sang thấp điểm, ngày sang đêm, vừa có lợi cho hệ thống, vừa có lợi cho doanh nghiệp, giúp nâng cao chất lượng cung cấp điện khi tỉ trọng của nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện ngày càng lớn.
TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên viện trưởng Viện Năng lượng:
Nhiều tài liệu của thế giới chỉ ra phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, nếu dưới 20% tổng công suất của toàn hệ thống thì chưa cần đến các bộ tích điện, nhưng vượt quá 20% thì phải có bộ tích điện. Bởi nếu không có bộ tích điện thì sẽ gây ra tình trạng mất ổn định cho hệ thống, tức là khi không có gió hay mặt trời thì hệ thống sẽ mất một lượng điện quá lớn và sẽ không bảo đảm.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO NGÀY 31/03: "Giải phóng" kịp thời công suất điện mặt trời
06:00, 31/03/2021
Điện mặt trời “ngồi trên lửa” chờ cơ chế
01:00, 30/03/2021
Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu phản ánh của DĐDN về phát triển điện mặt trời
09:00, 25/03/2021
Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu phản ánh của DĐDN về phát triển điện mặt trời
04:12, 25/03/2021
Dự kiến giảm giá 30%, điện mặt trời áp mái còn thu hút nhà đầu tư?
05:00, 11/03/2021
Điện mặt trời kêu cứu vì... “thừa điện”
11:00, 25/02/2021