Đề xuất giải pháp giải quyết 2 điểm nghẽn của ngành công nghiệp ô tô

LINH NGA 01/07/2021 04:00

Dung lượng thị trường và chênh lệch giá thành giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu đang là 2 điểm nghẽn, thách thức lớn nhất hiện nay.

quy mô thị trường ô tô Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia

Quy mô thị trường ô tô Việt Nam hiện mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia.

Đây là khẳng định của Bộ Công Thương trong báo cáo về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và đề xuất các giải pháp trong thời gian tới để giải quyết hai điểm nghẽn này của ngành công nghiệp ô tô.

Theo Bộ Công Thương, hiện tại, quy mô thị trường ô tô Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia. Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp cũng như model khác nhau khiến cho các công ty (cả sản xuất, lắp ráp và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt.

Mặt khác, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận. Hệ thống giao thông yếu kém (mà chủ yếu do tổ chức giao thông kém) cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới cầu của thị trường, làm cho nhu cầu về sử dụng ô tô của nền kinh tế chưa lớn.

Bên cạnh điểm nghẽn về thị trường, hiện nay chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn các quốc gia trong khu vực từ 10 - 20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, bởi 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, dung lượng thị trường hiện tại của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn nhỏ, nên không tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô của ngành, khiến các chi phí cao hơn so với các nước ASEAN khác vốn đã có thị trường và ngành công nghiệp ô tô đi trước rất lâu;

Thứ hai, các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài phải chịu thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… từ đó ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Để khắc phục các điểm nghẽn nêu trên, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan đề xuất triển khai một số giải pháp. Về giải pháp tạo dựng thị trường, Bộ Công Thương đề xuất quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM.

Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại. Đồng thời, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước trong vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, có thể xem xét, cân nhắc một số giải pháp khác để phát triển thị trường như chính sách cho vay ưu đãi mua ô tô trong nước; rà soát các loại thuế, phí liên quan đến ô tô trên toàn chuỗi giá trị để điều chỉnh theo hướng thuận lợi hóa sản xuất và tiêu dùng ô tô, phát triển lành mạnh thị trường ô tô trong nước.

d

Hiện nay chi phí sản xuất ô tô trong nước cao hơn các quốc gia trong khu vực từ 10 - 20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.

Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chênh lệch chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô và Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí lắp ráp ô tô trong nước.

Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng áp dụng chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô kèm theo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao sản lượng, giá trị gia tăng tạo ra trong nước.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 5 tháng đầu năm 2021, ngoại trừ tháng 3 có doanh số bán hàng nhiều nhất với 30.935 xe, tăng đến 127% so với tháng trước thì các tháng còn lại đều có doanh số giảm từ 3% đến 45%.

Cụ thể, tháng 1/2021 doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 26.432 xe, giảm 45%; tháng 2/2021 đạt 13.585 xe, giảm 22%; tháng 4/2021 đạt 30.065 xe, giảm 3% và tháng 5 doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 15.585 xe, giảm 15% so với tháng trước.

Thị trường ô tô Việt Nam mới khởi sắc được vài năm, đến 2020 thì bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và năm 2021 cũng tương tự.

Doanh số bán của xe sản xuất lắp ráp trong nước khó khởi sắc. Theo VAMA, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước năm 2020 giảm 1%so với 2019, đấy là còn được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ 6 tháng nửa cuối năm. Năm nay, doanh số bán khó tăng được khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong khi đó, chính sách ưu đãi dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chưa đủ mạnh. Do vậy sản lượng thấp, doanh nghiệp gặp khó trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Xe nội ngày càng bất lợi so với xe nhập khẩu.

Công nghiệp ô tô luôn là ngành mũi nhọn, có đóng góp lớn vào GDP nhiều quốc gia trên thế giới, cụ thể chiếm 3,25% GDP của Mỹ, 5% GDP của Trung Quốc, 4% GDP của Đức và 12% GDP của Thái Lan,... Bên cạnh đó, đây cũng là ngành tạo ra nhiều việc làm, chính vì vậy nên luôn dành được những sự quan tâm và đối xử đặc biệt từ phía các Chính phủ.

Quy mô thị trường ô tô Việt Nam hiện quá nhỏ, không hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng. Trong khi, số lượng phụ tùng, linh kiện bán được hàng năm phải đạt khoảng 50.000 bộ thì mới khả thi để đầu tư. Có nghĩa là một mẫu xe phải sản xuất được 50.000 chiếc/năm.

Mẫu xe có sản lượng lớn nhất tại Việt Nam năm 2020 là Toyota Vios mới đạt 30.000 chiếc, nhưng doanh số năm nay lại đang giảm. Quy mô nhỏ trong khi những ưu đãi để thu hút đầu tư công nghiệp ô tô không đủ mạnh khiến công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp, khó phát triển.

Gặp đại dịch Covid-19, khó khăn lại thêm chồng chất. Các doanh nghiệp cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đủ hấp dẫn và dài hạn để giúp ngành công nghiệp ô tô phát triển. 

Có thể bạn quan tâm

  • Tìm trọng tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô

    Tìm trọng tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô

    11:00, 16/09/2020

  • Bao giờ ngành công nghiệp ô tô trở lại?

    Bao giờ ngành công nghiệp ô tô trở lại?

    07:00, 13/05/2020

  • VINFAST – “Thánh Gióng” của ngành công nghiệp ô tô thế giới

    VINFAST – “Thánh Gióng” của ngành công nghiệp ô tô thế giới

    14:00, 22/06/2019

  • VinFast

    VinFast "đổi vận” cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

    11:26, 18/06/2019

  • Gỡ nút thắt của ngành công nghiệp ô tô

    Gỡ nút thắt của ngành công nghiệp ô tô

    01:03, 30/11/2018

LINH NGA