Tín hiệu mới cho quan hệ thương mại Việt - Mỹ
Đại diện Cơ quan Thương mại Hoa Kỳ thông báo, không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ.
Trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại Thỏa thuận đạt được ngày 19/7/2021 giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trong báo cáo chính thức của mình, USTR hoàn toàn không đề cập hoặc đề xuất việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã hoan nghênh và đánh giá cao quyết định này của USTR. Đây là quyết định có ý nghĩa đặc biệt tích cực đối với quan hệ kinh tế - thương mại song phương, môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
"Những nỗ lực, cố gắng của tất cả các cấp từ lãnh đạo Chính phủ đến các bộ ngành, cơ quan, các hiệp hội và doanh nghiệp của cả Việt Nam và Hoa Kỳ đã mang lại kết quả tích cực", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Có thể thấy, Việt Nam luôn nỗ lực duy trì mối quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi. Thông qua quá trình đối thoại thực chất và thiện chí của cả hai bên nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quan hệ kinh tế song phương, hướng tới xây dựng quan hệ ổn định và bền vững, có lợi cho cả hai nước trên tinh thần Đối tác toàn diện.
Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch phân ban Việt Nam trong Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA), Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các bộ, ngành Việt Nam đã thúc đẩy hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hội đồng TIFA đạt được nhiều kết quả thực chất.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden cũng đánh giá cao phản ứng và tinh thần trao đổi thẳng thắn của Việt Nam khi luôn sẵn sàng trao đổi với Washington để tháo gỡ những vướng mắc để tiến đến việc đưa ra thỏa thuận chung với những kết quả tích cực. Đây cũng là cơ sở cho mối quan hệ kinh tế thương bền vững và công bằng giữa hai bên trong thời gian tới
Trước đó, vào thời điểm gần cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump đã đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Tuy nhiên Bộ Tài chính Mỹ đã khẳng định không có đủ bằng chứng để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ như đã nêu vào cuối năm 2020.
Nhiều chuyên gia nhận định, kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, thực tế đã có nhiều tín hiệu tốt về thương mại, đầu tư. Đặc biệt riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu vào Mỹ tăng mạnh. Theo số liệu của hải quan, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 44,9 tỷ USD trong nửa năm đầu 2021, tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó năm 2020 là 25,7% và 2019 là 27,3%...
Hiện nay, hệ thống phân phối tại Mỹ phát triển đa dạng, nhiều cấp, nhiều kênh, hiện đại, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ. Đồng thời, tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa Mỹ luôn khiến người tiêu dùng muốn trải nghiệm sản phẩm mới. Tuy nhiên đây cũng là thị trường có tốc độ cạnh tranh vô cùng khốc liệt, yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa vô cùng khắt khe.
Do đó, việc USTR không ban hành các hạn chế thương mại được kỳ vọng là bước đầu mở ra cơ hội mới cho hàng xuất khẩu Việt Nam tới thị trường Mỹ; đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế hai nước, đem lại lợi ích cho cả người dân Việt Nam và Mỹ. Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu... để có thể tiến sâu vào thị trường Mỹ.
Có thể bạn quan tâm