Quy hoạch lại cảng biển: Đi trước một bước...

ĐBQH Bùi Thanh Tùng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng 07/08/2021 04:00

Quá trình triển khai thực hiện quy hoạch cảng biển chưa đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với quy hoạch xây dựng của địa phương và các ngành khác.

LTS: Lần đầu tiên quy hoạch 5 chuyên ngành thuộc lĩnh vực giao thông - vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) được Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện đồng thời. Trong quy hoạch 5 chuyên ngành giao thông, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí. 

 Dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam gấp 1,6-2,1 lần. Năm 2050 gấp 4,1-4,8 lần so với hiện tại. Ảnh: Quốc Tuấn

Dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam gấp 1,6-2,1 lần. Năm 2050 gấp 4,1-4,8 lần so với hiện tại. Ảnh: Quốc Tuấn

Việc phát triển nhiều cảng biển trong thời gian qua đã diễn ra như một "hội chứng" đua tranh giữa các địa phương, thiếu cơ sở kinh tế, kỹ thuật, nên dẫn đến vừa lãng phí, vừa không đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế. Hầu hết các cảng biển còn nhỏ bé, manh mún. Số cảng biển có công suất trên 10 triệu tấn/năm chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Cảng lớn có khả năng đón tàu trọng tải trên 50.000 DWT hay trên 2.000 container lại càng hiếm hoi.

Nên thay đổi thời hạn quy hoạch cảng biển

Ai cũng biết, cảng biển là kết cấu hạ tầng quan trọng của kinh tế hàng hải, nó phải đi trước một bước để thúc đẩy các ngành kinh tế biển khác phát triển. Thời gian qua, việc này diễn ra không như ý muốn. Có người nói rằng do thiếu vốn đầu tư, cũng có quan điểm cho là do tư duy hạn hẹp. Rõ ràng, với những cảng biển hiện có, chúng ta đang rất lạc hậu so với một số nước trong khu vực và trên thế giới; trong khi kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao và nhà nước muốn đưa kinh tế biển vào vị trí chủ đạo để bảo đảm tính bền vững cho nền kinh tế quốc dân.

Quy hoạch là tiền đề cho mọi sự phát triển đúng hướng. Thông thường, quy hoạch của chúng ta chỉ giới hạn đến 20 năm. Tuy nhiên nếu quy hoạch mới cũng chỉ đến 2030, định hướng đến 2050 thì chắc không có gì thay đổi lớn, vì hoạt động của một cảng biển có thể đến hàng trăm năm hoặc lâu hơn. Cảng Rotterdam của Hà Lan hình thành từ 1860 đến nay đã 147 năm mà vẫn còn sầm uất, hiện là cảng lớn nhất Châu Âu, còn một số cảng khác như London của Anh, Hamburg của Đức, Anwerp của Bỉ cũng tương đồng...

Vậy, tiêu chí thời gian để quy hoạch cho hệ thống cảng biển quốc gia không thể là 20 năm mà phải là 50 năm hay lâu hơn, đó chính là điều cần suy nghĩ để thay đổi tư duy cho phù hợp với thời đại.

fd

Cảng biển là kết cấu hạ tầng quan trọng của kinh tế hàng hải, nó phải đi trước một bước để thúc đẩy các ngành kinh tế biển khác phát triển.

Định hướng phát triển riêng theo từng vùng

Hệ thống của cảng biển Việt Nam hiện nay chỉ có một số ít được đầu tư đúng nghĩa, phần còn lại mang tính chất bến nhiều hơn cảng, chưa có hạ tầng đạt chuẩn, chưa tập trung vào sân bãi, logistics, đặc biệt là không có hạ tầng kết nối dẫn đến không khai thác được hết tiềm năng. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) không có đường sắt và một thời gian rất dài không có đường bộ kết nối. Cảng Lạch Huyện được xem là cửa ngõ kết nối Việt Nam với thế giới nhưng cũng không có đường sắt kết nối.

Hơn nữa, Việt Nam có các vùng kinh tế trọng điểm nằm dọc theo đường bờ biển. Mỗi vùng kinh tế trọng điểm này có những đặc điểm khác nhau và việc tận dụng các cảng biển đó để phát triển kinh tế như thế nào cũng là một vấn đề lớn. Ví dụ, Cảng TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có sự hậu thuẫn về công nghiệp phát triển mạnh thì việc phát triển kinh tế sẽ rất thuận lợi là lẽ đương nhiên. Nhưng đối với khu vực miền Trung thì hậu phương về công nghiệp kém hơn, do đó sự phát triển kinh tế cảng biển cũng bị hạn chế. Hoặc vùng Tây Nam Bộ lúa gạo nhiều, khả năng xuất nhập khẩu nông sản lớn và chúng ta phải tận dụng hết những lợi thế này để phát triển. Để các cảng có thể hoạt động một cách hiệu quả cần nhìn nhận rõ các tiềm năng lợi thế phải gắn liền với phát triển các yếu tố khác đảm bảo cho cảng hoạt động.

Nước ta có 27 tỉnh có bờ biển với tổng số cảng biển lớn nhỏ lên tới 266 chiếc, trong số đó chỉ khoảng 10 cảng đủ điều kiện tiếp nhận tàu trọng tải cỡ trung bình của thế giới. Đây là sự manh mún trong hệ thống cảng biển. Khi các bến cảng được chia ra thành nhiều bến, thì dẫn đến vừa tốn tiền lại cũng chẳng thể “lớn” như mong muốn.

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định:

Hiện nay, trên thế giới, 80% khối lượng hàng hóa trao đổi thương mại giữa các quốc gia là do vận tải biển đảm nhận. Ở Việt Nam, 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm của cả nước được thông qua hệ thống cảng biển. Như vậy, chỉ cần nhìn sự tấp nập hay đìu hiu của hệ thống cảng biển với kho bãi, hàng hoá xuất nhập thì sẽ “bắt mạch” được kinh tế của quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM (Kỳ II): “Đi ngược” chỉ đạo phát triển vận tải đường thuỷ

    Thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM (Kỳ II): “Đi ngược” chỉ đạo phát triển vận tải đường thuỷ

    03:30, 05/07/2021

  • Hấp lực từ PPP cảng biển

    Hấp lực từ PPP cảng biển

    08:45, 03/07/2021

  • Đề xuất lùi thời gian thu phí cảng biển TP HCM: 3 tháng là quá ngắn!

    Đề xuất lùi thời gian thu phí cảng biển TP HCM: 3 tháng là quá ngắn!

    04:00, 23/06/2021

  • Xin đừng “bỏ ngỏ” cảng biển du lịch

    Xin đừng “bỏ ngỏ” cảng biển du lịch

    11:03, 16/06/2021

ĐBQH Bùi Thanh Tùng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng