Tác động kinh tế của làn sóng COVID thứ 4: (Kỳ 3) Cán cân thương mại chuyển sang thâm hụt

LINH NGA 27/08/2021 04:00

Việt Nam duy trì được vị thế kinh tế đối ngoại vững mạnh trong nửa đầu năm 2021, nhưng cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt trong quý II.

Việt Nam tích lũy được 6,0 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021 do cán cân vãng lai và cán cân tài chính đều thặng dư.

Nhận định được đưa ra trong báo cáo mới nhất của WB. Đồng thời, cho biết thêm tỷ giá thực hữu hiệu (REER) (được đo lường theo phương pháp luận của Ngân hàng Thế giới cho một giỏ gồm các đối tác thương mại lớn) vẫn tương đối ổn định trong nửa đầu năm 2021, sau khi giảm 7,3% từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2021

Tuy nhiên, ước tính cán cân vãng lai đã chuyển sang tình trạng thâm hụt trong quý II năm 2021. Tài khoản vãng lai giảm từ thặng dư 0,6 tỷ USD trong quý I năm 2021 xuống thâm hụt khoảng 4,6 tỷ USD trong quý II. Mức giảm trên chủ yếu do nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh. Cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ tiếp tục tác động tiêu cực đến tài khoản vãng lai do đóng cửa biên giới với hầu hết du khách quốc tế.

Ngược lại, cán cân tài chính được cải thiện trong quý I năm 2021 nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giữ vững và dòng vốn ngắn hạn chảy vào nền kinh tế tăng, nhưng kết quả quý II chưa được công bố vào thời điểm xuất bản báo cáo này.

Sau khi ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa kỷ lục vào năm 2020, cán cân thương mại của Việt Nam chuyển sang thâm hụt trong nửa đầu năm 2021 và xấu đi trong tháng 7. Cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận thâm hụt khoảng 1,0 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2021, sau đó tụt sâu xuống 2,4 tỷ USD trong tháng 7, so với thặng dư 8,7 tỷ USD đạt được trong bảy tháng đầu năm 2020. Trong nửa đầu năm, xu hướng xấu đi này phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhập khẩu (tăng 36,3% so cùng kỳ năm trước), cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (29,0% so cùng kỳ năm trước).

Kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng 28% (so cùng kỳ năm trước), so với mức giảm 7,2% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị cũng phục hồi mạnh mẽ, chủ yếu do các ngành xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Thâm hụt thương mại cũng liên quan đến suy giảm tỷ giá thương mại, khoảng 1,0% trong sáu tháng đầu năm 2021 so cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2021 cao hơn 26,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sau khi bùng nổ trong nửa cuối năm 2020, kim ngạch xuất khẩu chững lại từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2021. Thực tế, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc từ 20,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 6 xuống chỉ còn 12,5% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 7, trong khi kim ngạch nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh 33,3% (so cùng kỳ năm trước).

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đi ngang phần nào gây ngạc nhiên ở chỗ với năng lực cạnh tranh trên các thị trường quốc tế, Việt Nam lẽ ra phải tận dụng được sự hồi sinh của nhu cầu toàn cầu. Một hướng để lý giải là tăng trưởng đi ngang phản ánh các yếu tố mùa vụ. Một hướng lý giải khác là khi các quốc gia khác quay lại tham gia thị trường xuất khẩu, họ cạnh tranh với sản phẩm của Việt Nam và giành lại một số thị phần trước COVID-19.

Đợt dịch bùng phát từ tháng 4 dường như cũng ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện tử vì các biện pháp về y tế và hạn chế đi lại nhằm ngăn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng đã làm gián đoạn hoạt động ở các nhà máy tại Bắc Giang và Bắc Ninh, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng một số sản phẩm điện tử. Kim ngạch xuất khẩu máy tính và sản phẩm điện tử chỉ tăng 5,4% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 6 (thấp hơn nhiều so với tốc độ trưởng tăng hai con số ghi nhận trong năm 2020 và đầu năm 2021) và giảm 9,1% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 7/2021. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu điện thoại giảm 9,6% (so cùng kỳ năm trước) trong tháng 6, nhưng đã hồi phục trong tháng 7/2021, tăng 10,3% (so cùng kỳ năm trước).

Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch từ đầu khủng hoảng COVID-19, và gần như giữ nguyên trong nửa đầu năm 2021 so với năm 2020. Đại dịch đã thúc đẩy chuyển dịch hàng xuất khẩu từ các mặt hàng sơ cấp và thâm dụng tài nguyên sang các mặt hàng công nghệ cao.

Các biện pháp giãn cách xã hội và làm việc tại nhà cũng góp phần chuyển dịch nhu cầu hàng xuất khẩu từ các sản phẩm truyền thống có hàm lượng công nghệ thấp sang các sản phẩm có công nghệ tiên tiến hơn. Nhu cầu về máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và máy móc thiết bị tăng mạnh, với xuất khẩu các mặt hàng này sang Hoa Kỳ tăng 57% trong năm 2020 và 62% (so cùng kỳ năm trước) trong bốn tháng đầu năm 2021, chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Các doanh nghiệp nước ngoài, chi phối xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, đã đóng góp và được hưởng lợi từ sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu này. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài tăng 10,7% trong năm 2020 và 33% (so cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2021. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu của Việt Nam.

Thương mại dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các hạn chế đi lại quốc tế, trong khi dòng kiều hối tỏ ra có khả năng chống chịu tốt trong đại dịch COVID-19. Dòng kiều hối về Việt Nam ước đạt 17 tỷ USD năm 2020, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.

Mặc dù dòng vốn FDI giảm do cú sốc COVID-19, nhưng cũng chứng tỏ được sự vững vàng so với các quốc gia khác trên thế giới, cho thấy niềm tin vào tiềm năng kinh tế của Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký giảm 2,6% (so cùng kỳ năm trước), đạt 15,3 tỷ USD. Tuy nhiên, số vốn đăng ký giảm tới 45% từ tháng 4 đến tháng 6, có thể cho thấy tâm lý thận trọng hơn của các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gần đây.

Kỳ 4: Viễn cảnh trước mắt và trong trung hạn

Có thể bạn quan tâm

  • Tác động kinh tế của làn sóng COVID thứ 4: (Kỳ 2) Khó khăn “đè” doanh nghiệp và người dân

    Tác động kinh tế của làn sóng COVID thứ 4: (Kỳ 2) Khó khăn “đè” doanh nghiệp và người dân

    04:00, 26/08/2021

  • Tác động kinh tế của làn sóng COVID thứ 4: (Kỳ 1) Sức ép mục tiêu tăng trưởng

    Tác động kinh tế của làn sóng COVID thứ 4: (Kỳ 1) Sức ép mục tiêu tăng trưởng

    04:00, 25/08/2021

  • Tác động kinh tế của

    Tác động kinh tế của "thẻ vàng" IUU: (Kỳ 4) Nhìn từ trường hợp của Thái Lan và Sir Lanka

    04:00, 18/08/2021

  • WB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,8% năm 2021

    WB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,8% năm 2021

    20:22, 24/08/2021

  • Kinh tế Việt Nam 7 tháng 2021: (Kỳ 3) Sự

    Kinh tế Việt Nam 7 tháng 2021: (Kỳ 3) Sự "lệch pha" trong cán cân thương mại

    04:10, 06/08/2021

  • Kinh tế Việt Nam 7 tháng năm 2021: (Kỳ 2) Thị trường giá cả tiềm ẩn nhiều tác động

    Kinh tế Việt Nam 7 tháng năm 2021: (Kỳ 2) Thị trường giá cả tiềm ẩn nhiều tác động

    04:00, 05/08/2021

LINH NGA