Thị trường lao động có khả năng chống chịu tương đối vững nhưng xu hướng gần đây bắt đầu phản ánh tác động của đợt bùng phát dịch tháng 4.
Ngoài tác động kinh tế vĩ mô như ở bài trước đã đề cập, đại dịch cũng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hàng ngày của người lao động, doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên, những tác động đó không dễ đo lường vì chúng biến thiên theo thời gian, phụ thuộc vào quy mô của đại dịch và mức độ nghiêm ngặt của các hạn chế đi lại. Kể cả nếu Việt Nam đã có khả năng chống chịu về kinh tế tương đối tốt hơn so với hầu hết các quốc gia khác trong năm ngoái, thì nhiều người dân vẫn phải trải qua tình trạng khó khăn kinh tế và mức độ khó khăn đang tăng lên do tình hình kinh tế trong nước đang xấu đi.
Thị trường lao động có khả năng chống chịu tương đối vững trong năm đầu của đại dịch, nhưng xu hướng gần đây bắt đầu phản ánh tác động của đợt bùng phát dịch tháng 4. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý II năm 2021, khoảng 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt dịch tháng 4, bao gồm mất việc làm, tạm nghỉ, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, hoặc giảm thu nhập. Quy mô lực lượng lao động giảm 0,7% trong khi có thêm 1,6% người lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm trong quý II năm 2021 so với quý II năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng thêm lần lượt 0,2 điểm phần trăm và 1,3 điểm phần trăm trong qúy II năm 2021, so với qúy II năm 2019. Mức lương thực tế vẫn thấp hơn 1,3% so với quý II/2019.
Trong quý II năm 2021, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức lên đến 57,4%, mức cao nhất trong ba năm qua.12 Mặc dù những số liệu trên có vẻ tương đối nhỏ so với nhiều quốc gia khác, kể cả trong khu vực, nhưng cho thấy sự thay đổi lớn trong lực lượng lao động thường đạt mức toàn dụng lao động trước đó và đến lương thực tế luôn gần như tự động tăng lên trong thập niên vừa qua.
Bằng chứng hiện có vẽ nên bức tranh sáng tối đan xen về tác động đến doanh nghiệp, với những dấu hiệu cho thấy áp lực tài chính lớn nhưng cũng thể hiện khả năng chống chịu ở khu vực tư nhân. Nửa đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao hơn so với số đóng cửa. Kết quả trên cần được diễn giải thận trọng vì nó chỉ phản ánh khu vực kinh tế chính thức trong khi các doanh nghiệp khu vực phi chính thức có thể dễ bị tổn thương hơn.
Ngoài ra, kết quả khảo sát tần suất cao qua điện thoại của Ngân hàng Thế giới năm 2020 đã chỉ ra quan hệ tương quan chặt chẽ giữa sự gia tăng chỉ số mức độ nghiêm ngặt của Chính phủ và tình trạng tài chính xấu đi ở khu vực tư nhân. Ví dụ, trong đợt cách ly toàn quốc vào tháng 4/2020, khoảng 81% doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, khiến cho doanh số của họ giảm 52 % (so cùng kỳ năm trước). Từ đó suy ra, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp chắc chắn đã xấu đi kể từ đợt dịch bùng phát gần đây, khi họ phải đóng cửa, gánh chịu đứt gãy chuỗi cung ứng, hoặc không thể giữ lao động làm việc tại cơ sở sản xuất kinh doanh do phải cách ly ở nhà.
Tác động kéo dài của đại dịch đến các hộ gia đình đã trở nên rõ nét hơn, thậm chí từ trước đợt dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 4, và có khả năng cao đã nghiêm trọng hơn trong tháng qua. Đến tháng 3 năm 2021, 30% hộ gia đình vẫn có thu nhập thấp hơn so với tháng 3 năm 2020, giảm từ tỷ lệ khoảng 50% ghi nhận trong tháng 1 năm 2021. Khoảng 12% các hộ gia đình này rơi vào tình trạng khó khăn tài chính khi họ cho biết bị mất ít nhất 50% thu nhập.
Nữ giới và các hộ ở nhóm 20% có thu nhập thấp nhất trải qua quá trình phục hồi thu nhập chậm nhất. Khu vực kinh tế phi chính thức thường gắn liền với an ninh thu nhập thấp hơn, năng suất lao động thấp hơn, và khả năng tiếp cận tài chính hạn chế. Người lao động hoặc doanh nghiệp trong khu vực kinh tế phi chính thức cũng ít được tiếp cận mạng lưới an sinh xã hội.
Ngoài ra, như ở nhiều quốc gia khác, khủng hoảng có tác động thiên vị giới ở Việt Nam do nữ giới thường phải gánh trách nhiệm chăm sóc trẻ em nhiều hơn, và đại dịch COVID-19 càng làm tăng áp lực về thời gian cho nữ giới, nhất là khi trường học bị đóng cửa, như cách đây hai tháng tại Hà Nội. Các nhóm càng nghèo thì càng dễ bị tổn thương vì họ tiết kiệm ít hơn và khả năng tiếp cận tài chính hạn chế hơn.
Có thể thấy chênh lệch vùng miền trong xu hướng thu nhập hộ gia đình, trong đó khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực có thành phố Đà Nẵng) và thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các biện pháp y tế dự phòng và hạn chế đi lại quốc tế do du lịch và kinh doanh dịch vụ chiếm một phần lớn trong quy mô kinh tế các tỉnh này. Ngược lại, Hà Nội ít bị ảnh hưởng hơn vì đó là trụ sở của chính quyền trung ương.
Kỳ 3: Cán cân thương mại chuyển sang thâm hụt
Có thể bạn quan tâm
Tác động kinh tế của làn sóng COVID thứ 4: (Kỳ 1) Sức ép mục tiêu tăng trưởng
04:00, 25/08/2021
Tác động kinh tế của "thẻ vàng" IUU: (Kỳ 4) Nhìn từ trường hợp của Thái Lan và Sir Lanka
04:00, 18/08/2021
Tác động kinh tế của "thẻ vàng" IUU: (Kỳ 3) Mục tiêu gỡ thẻ vàng năm 2022
04:00, 17/08/2021
Đầu tư vàng và tác động kinh tế từ COVID-19
05:01, 10/09/2020
WB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 4,8% năm 2021
20:22, 24/08/2021
Kinh tế Việt Nam 7 tháng 2021: (Kỳ 3) Sự "lệch pha" trong cán cân thương mại
04:10, 06/08/2021
Kinh tế Việt Nam 7 tháng năm 2021: (Kỳ 2) Thị trường giá cả tiềm ẩn nhiều tác động
04:00, 05/08/2021