Kinh tế Việt Nam 7 tháng 2021: (Kỳ 3) Sự "lệch pha" trong cán cân thương mại

LINH NGA 06/08/2021 04:10

Xuất khẩu giảm trong khi nhập khẩu vẫn tăng nhanh là lý do chính khiến cán cân thương mại tháng 7/2021 thâm hụt 1,7 tỷ USD, đưa nhập siêu của cả nước lên 2,7 tỷ USD.

fd

Nhập siêu đã bắt đầu từ tháng 4 nhưng do trước đó, xuất khẩu tăng trưởng tốt nên cán cân thương mại không quá chênh lệch. Chênh lệch lớn chỉ xuất hiện trong tháng 7 và tính chung 7 tháng.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước (tháng 6 đạt 27,2 tỷ USD) và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,52 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,81 tỷ USD, tăng 29,9%, chiếm 73,8%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 7 ước tính nhập siêu 1,7 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,1 tỷ USD. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 176,36 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước).

Trong đó, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 84,35 tỷ USD, tăng 30% và chiếm 44,9% (giảm 1,8%); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 92,01 tỷ USD, tăng 41,5% và chiếm 48,9% (tăng 2,1%). Ngược lại, nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 11,67 tỷ USD, tăng 28,5% và chiếm 6,2% (giảm 0,3%).

Ở một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu đầu vào như Việt Nam thì việc nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào tăng trong cơ cấu này là ổn. Tuy nhiên, nhập siêu đã bắt đầu từ tháng 4 nhưng do trước đó, xuất khẩu tăng trưởng tốt nên cán cân thương mại không quá chênh lệch. Chênh lệch lớn chỉ xuất hiện trong tháng 7 và tính chung 7 tháng.

Nếu chỉ nhìn vào các con số của tháng 7, thì rõ ràng, việc nhập siêu lớn là do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu khi xuất khẩu ước đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%, trong khi nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%. 

Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hàng vẫn phải nhập về theo đơn hàng đã ký từ trước nhưng việc sản xuất lại gặp khó khăn nên dẫn tới xuất khẩu giảm. Đây là lý do chính khiến cán cân thương mại “lệch pha”.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, từ đầu năm đến nay, nước ta vẫn duy trì được năng lực sản xuất và xuất khẩu rất tốt. Tình trạng nhập siêu chỉ là yếu tố tạm thời, chúng ta có thể cân bằng cán cân thương mại và trở lại xuất siêu trong thời gian tới. Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến nhập khẩu để có phương án điều chỉnh hợp lý. 

Còn theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhập siêu - ở một góc độ nào đó chính là sự phát triển "lệch pha", nếu không sớm có giải pháp hạn chế, để dây dưa lâu dài sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất trong nước cũng như nền kinh tế.

Đặc biệt, nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế luôn ở mức cao như hàng tiêu dùng, nông sản nhiều sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nội địa, nhất là khi sức khỏe doanh nghiệp đang "yếu", phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch bệnh như hiện nay. 

Do đó, Bộ Công thương cần xem xét và theo dõi kim ngạch của nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để sớm có giải pháp kiểm soát kịp thời cũng như có giải pháp cân bằng cán cân thương mại.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế Việt Nam 7 tháng năm 2021: (Kỳ 2) Thị trường giá cả tiềm ẩn nhiều tác động

    Kinh tế Việt Nam 7 tháng năm 2021: (Kỳ 2) Thị trường giá cả tiềm ẩn nhiều tác động

    04:00, 05/08/2021

  • Kinh tế Việt Nam 7 tháng 2021: (Kỳ 1) Sản xuất công nghiệp gặp khó

    Kinh tế Việt Nam 7 tháng 2021: (Kỳ 1) Sản xuất công nghiệp gặp khó

    04:00, 04/08/2021

  • Định vị lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu

    Định vị lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu

    05:00, 30/07/2021

  • Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: (Kỳ 2) Xuất nhập khẩu hàng hoá có gì đáng chú ý?

    Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm: (Kỳ 2) Xuất nhập khẩu hàng hoá có gì đáng chú ý?

    03:55, 01/07/2021

  • Các hãng tàu “đối đầu” doanh nghiệp xuất nhập khẩu

    Các hãng tàu “đối đầu” doanh nghiệp xuất nhập khẩu

    04:00, 26/06/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh tế Việt Nam 7 tháng 2021: (Kỳ 3) Sự "lệch pha" trong cán cân thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO