Hàng loạt tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025, phản ánh những tín hiệu rất tích cực về sức bật của nền kinh tế.
Đây là sự ghi nhận về những thành quả kinh tế đã đạt được trong nửa đầu năm mà, đồng thời cho thấy niềm tin ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế vào triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam.
Theo số liệu mới nhất, GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng 7,52%, mức cao nhất trong nhiều năm. Đây là một con số ấn tượng nếu đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, từ xung đột địa chính trị đến chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia. Kết quả này phần lớn đến từ ba động lực chính: tiêu dùng nội địa phục hồi mạnh, xuất khẩu tăng tốc và lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khởi sắc.
Điều đáng chú ý là tăng trưởng xuất khẩu đạt 14,4% trong nửa đầu năm, tương đương tốc độ cả năm 2024. Xuất khẩu tăng trưởng bền vững sẽ giúp cán cân thương mại duy trì trạng thái tích cực, và khẳng định năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, dòng vốn FDI tiếp tục ổn định với dự báo đạt 20 tỷ USD cả năm là một điểm sáng quan trọng, tạo thêm dư địa để tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo.
Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực ASEAN+3 về tốc độ tăng trưởng năm 2025, vượt qua cả Philippines và Campuchia. Đây là một đánh giá có ý nghĩa lớn, khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của Việt Nam trong khu vực.
Không chỉ AMRO, United Overseas Bank (UOB) cũng đã nâng dự báo tăng trưởng cả năm từ 6% lên 6,9%. Đáng nói, mức tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam vượt xa cả dự báo của Bloomberg (6,85%) và chính UOB (6,1%). Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đã có độ phục hồi nhanh và mạnh hơn kỳ vọng.
Tương tự, trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam vừa mới được công bố, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 ở mức 6,1%, so với dự báo trước đó ở mức 6,7%. Tăng trưởng trong nửa cuối năm dự kiến ở mức 4,9%, sau khi đạt 7,5% trong nửa đầu năm 2025.
Ngân hàng này cũng hạ dự báo lạm phát năm 2025 xuống 3,5%, từ mức 3,8% dự báo trước đó. Lạm phát đã chững lại trong những tháng gần đây, với lạm phát toàn phần duy trì dưới ngưỡng 4,0% so với cùng kỳ trong tháng thứ 11 liên tiếp tính tới tháng 6. Xu hướng này có thể hạn chế dư địa nới lỏng tiền tệ hơn nữa và thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách duy trì lập trường trung lập hơn.
Ở một diễn biến khác, ADB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam khoảng 6,3% năm nay và 6% vào 2026, giảm lần lượt 0,3% và 0,5% so với mức ngân hàng này đưa ra 3 tháng trước. Chuyên gia từ ADB lo ngại thuế đối ứng của Mỹ ảnh hưởng đến nhu cầu xuất khẩu trong những tháng còn lại 2025 và 2026.
Năm nay Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên. Tại hội nghị tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đưa ra chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng cụ thể 8,3-8,5% năm nay, để tạo đà đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030. Theo số liệu Cục Thống kê (Bộ Tài chính), GDP quý II đạt 7,96%, vượt dự báo của Bloomberg (6,85%) và UOB (6,1%). Tính chung nửa đầu năm, nền kinh tế tăng trưởng 7,52%, cao nhất kể từ năm 2011.
Mặc dù triển vọng được đánh giá rất tích cực, Việt Nam vẫn phải đối diện với không ít thách thức. Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư cũng như người dân.
Thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ căng thẳng địa chính trị, giá năng lượng và lương thực khó lường, cùng xu hướng phân mảnh thị trường toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với áp lực lớn về chi phí sản xuất và rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng. Bản thân nền kinh tế trong nước vẫn cần đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ nút thắt về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng để thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm, yếu tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việt Nam đang có lợi thế lớn nhờ hệ thống các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết với nhiều thị trường quan trọng. Đây là “tấm vé thông hành” để mở rộng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và tận dụng được dòng vốn FDI chất lượng cao.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 ở mức cao, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới và duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu ở mức hai con số. Việc cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng là điều kiện tiên quyết để thu hút các tập đoàn đa quốc gia mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng để khu vực này trở thành trụ cột của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp cựu chiến binh, đang đóng vai trò tiên phong, gắn kết đổi mới tư duy với khai thác hiệu quả các nguồn lực đất đai, con người.
Nhìn tổng thể, việc các tổ chức quốc tế đồng loạt nâng dự báo tăng trưởng GDP cho thấy Việt Nam đang ở một vị thế thuận lợi. Đà phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2025 là nền tảng quan trọng để đạt tốc độ tăng trưởng cả năm ấn tượng. Tuy nhiên, để biến dự báo thành hiện thực, Việt Nam cần sự nỗ lực rất lớn từ toàn bộ hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, giữ ổn định vĩ mô phải là ưu tiên hàng đầu. Song song đó là cải cách quyết liệt, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển đồng bộ hạ tầng, nâng cao chất lượng lao động và tận dụng tốt các FTA để mở rộng thị trường.
Nếu làm tốt, Việt Nam không chỉ đạt được mục tiêu tăng trưởng cao nhất ASEAN+3 trong năm 2025, mà còn củng cố vững chắc vị thế của một nền kinh tế năng động, bền vững, là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế trong dài hạn.