Diễn biến mới nhất trong đàm phán thương mại với Mỹ đang cho thấy tín hiệu tích cực đối với Việt Nam, do đó UOB điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 thêm 0,9%.
Nhận định trên dữ liệu kinh tế Việt Nam quý II, Bộ phận Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng tăng trưởng kinh tế quý II của Việt Nam vượt kì vọng. Kết quả tích cực cho thấy tăng trưởng kinh tế thực đã phục hồi mạnh mẽ, đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa các dự báo.
Trong đó, xuất khẩu là điểm sáng vô cùng tích cực, được cho có đà tăng trưởng mạnh mẽ chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp tranh thủ thực hiện đơn hàng xuất khẩu trong khoảng thời gian 90 ngày mà Tổng thống Mỹ Trump tạm ngừng chính sách áp thuế “đối ứng”, thay vào đó áp dụng mức thuế cơ bản 10%.
Tuy nhiên, UOB lưu ý dữ liệu từ chỉ số PMI ngành sản xuất cho thấy lĩnh vực sản xuất vẫn chưa thực sự quay lại nhịp tăng trưởng (trên 50 điểm). Mặc dù chỉ số PMI đã tăng lên 48,9 điểm trong tháng 6 từ mức thấp 45,6 điểm vào tháng 4 nhờ tâm lý thị trường cải thiện khi căng thẳng thương mại với Mỹ dịu bớt, Việt Nam chỉ ghi nhận duy nhất một tháng có chỉ số trên 50 trong năm nay (tháng 3/2025). Trong 7 tháng gần nhất, chỉ số PMI nằm dưới mức 50 tới 6 lần, phản ánh ngành sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do sự sụt giảm của đơn hàng mới. Theo S&P Global — đơn vị cung cấp dữ liệu PMI — đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 6 giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 9/2021, tương đương mức giảm từng ghi nhận vào tháng 5/2023.
Đáng chú ý, nhận định về triển vọng kinh tế, UOB cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất có thể đã qua, nhưng chính sách thuế vẫn là rào cản lớn.
Nhắc lại những thông tin được nhiều bên "điểm tin" những ngày qua - UOB cho rằng với Việt Nam, điểm tích cực là vào ngày 2/7, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp mức thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, và 40% đối với hàng trung chuyển. Lưu ý đây vẫn mới chỉ là công bố trên mạng xã hội của Tổng thống Donald Trump. Theo thông tin từ Nhà Trắng mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư thông báo mức thuế quan đối ứng mới với 14 quốc gia gồm: Tunisia, Indonesia, Bosnia (Bosnia and Herzegovina), Bangladesh, Serbia, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Lào, Myanmar với mức thuế dao động từ 25-40%; Do đó, mức thuế theo dự kiến ông Trump công bố dành cho Việt Nam, có thể khẳng định thấp hơn nhiều so với mức 46% ban đầu công bố ngày 2/4 và được xem là một sự giảm nhẹ đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
"Hiện tại, vẫn chưa có thông tin chi tiết nào về thỏa thuận thương mại giữa hai bên, và cả hai Chính phủ cũng chưa có thông báo chính thức. Một điểm then chốt trong đàm phán là cách xác định rõ ràng thế nào là “hàng trung chuyển”. Trong trường hợp này, trọng tâm thảo luận giữa hai nước nhiều khả năng sẽ xoay quanh quy tắc xuất xứ, cụ thể là tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa để một sản phẩm được công nhận là “Sản xuất tại Việt Nam”. Nếu Mỹ yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, chẳng hạn 40–50% hoặc thậm chí cao hơn, điều này có thể gây bất lợi cho ngành sản xuất non trẻ của Việt Nam, vốn dựa vào lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp, thay vì công nghệ sản xuất tiên tiến. Ngược lại, nếu mức yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa chỉ ở mức 20–30% hoặc thấp hơn, đây sẽ là tín hiệu tích cực, cho phép hoạt động kinh doanh tiếp tục ổn định mà ít bị gián đoạn", các chuyên gia UOB (Singapore) phân tích. Đồng thời, lưu ý Việt Nam dễ bị tổn thương trước các căng thẳng thương mại do tính chất mở của nền kinh tế: xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tới 83% GDP của Việt Nam – cao thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore (182%) – đồng thời Việt Nam có mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.
Ở 1 khía cạnh khác, các chuyên gia cũng cho rằng dù mức thuế mới được điều chỉnh giảm còn 20% thay vì mức cao tới 46% trước đó, Việt Nam và các nước xuất khẩu khác vẫn sẽ phải đối mặt với nhu cầu tiêu dùng và đơn hàng từ Mỹ suy yếu, do người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nhập khẩu.
Dựa trên mức thuế mới, UOB đã điều chỉnh lại giả định về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025, so với kịch bản đã nêu trong báo cáo “Việt Nam: GDP quý 1 bị lu mờ bởi thuế quan của ông Trump, ngày 7/4”. Cụ thể, UOB hiện dự báo xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng nhẹ 5% (so với mức tăng 23% trong năm 2024), thay vì giảm 20% như ước tính trước đó sau tuyên bố "Ngày Giải phóng". Với các thị trường ngoài Mỹ, kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng 10%, tương đương mức tăng 11,3% trong năm 2024. Tổng thể, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ chỉ tăng 8,5% trong năm 2025.
"Dựa trên các giả định này, và sau khi tính đến tác động đối với sản xuất và dòng vốn FDI, chúng tôi ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 sẽ cao hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo cơ sở ban đầu.
Do đó, chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 thêm 0,9 điểm phần trăm lên mức 6,9% (so với dự báo trước đó là 6,0%), so với mức 7,09% trong năm 2024. Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP quý 3 và quý 4 năm 2025 ở mức khoảng 6,4%. Trong điều kiện này, dòng vốn FDI thực hiện dự kiến sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD trong năm nay", các chuyên gia UOB cho hay.
Trên thực tế, lưu ý nói riêng về vốn FDI, trong bối cảnh thuế quan căng thẳng, vốn FDI vào Việt Nam vẫn vô cùng tích cực. Theo GSO, Việt Nam đã thu hút khoảng 11,7 tỷ USD vốn FDI thực hiện trong nửa đầu năm 2025, tăng 8,1% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ 2021.
Một số chuyên gia đã bình luận với những diễn biến thuế quan như đang diễn ra và mức thuế áp cho nhiều quốc gia cùng khu vực, vừa cạnh tranh thu hút FDI vừa có các các hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ có phần tương tự Việt Nam, khả năng Việt Nam giữ vững lợi thế hấp dẫn và tiếp tục thu hút FDI như mục tiêu cao đề ra là khả thi.
NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách trong thời điểm hiện tại
Với lạm phát tổng thể và lạm phát cơ bản vẫn dưới mục tiêu chính thức 4,5% trong nửa đầu năm 2025 và phần lớn năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có khả năng sẽ cân nhắc nới lỏng chính sách tiền tệ, theo UOB.
Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường ngoại hối cũng là một yếu tố quan trọng mà NHNN cần xem xét. Đồng Việt Nam (VND) là đồng tiền giảm giá mạnh nhất châu Á trong nửa đầu năm 2025, giảm 2,5% so với đồng USD. Ngược lại, các đồng tiền trong khu vực được hưởng lợi từ sự suy yếu của USD, với mức tăng dao động từ 12% đối với TWD đến 2,5% đối với CNH trong cùng thời điểm
Bên cạnh đó, kết quả tăng trưởng tích cực của nền kinh tế nói chung có thể đã làm giảm áp lực phải nới lỏng chính sách. Do vậy, các chuyên gia kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách hiện tại, với lãi suất tái cấp vốn được duy trì ở mức 4,50%.
Tuy nhiên, nếu tình hình kinh doanh trong nước và thị trường lao động xấu đi đáng kể trong 1–2 quý tới, các nhà phân tích UOB cũng cho rằng NHNN có thể hạ lãi suất chính sách một lần xuống mức thấp trong thời kỳ COVID-19 là 4,00%, và tiếp theo là một đợt giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 3,50%, với điều kiện thị trường ngoại hối ổn định và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất. Hiện tại, kịch bản cơ sở của UOB vẫn là NHNN sẽ không thay đổi chính sách.
Bộ phận Phân tích UOB (Singapore) dự báo đồng VND sẽ duy trì gần mức thấp trong biên độ giao dịch so với đồng USD cho đến hết quý 3 năm 2025. Tuy nhiên, sang quý 4 năm 2025, VND có thể bắt đầu phục hồi phù hợp với xu hướng hồi phục chung của các đồng tiền châu Á khi những bất ổn thương mại giảm bớt. Dự báo tỷ giá USD/VND cập nhật của UOB là: 26.400 trong quý 3/2025, 26.200 trong quý 4/2025, 26.000 trong quý 1/2026, và 25.800 trong quý 2/2026