Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Cần làm rõ 2 vấn đề then chốt

KHÁNH LINH 16/09/2021 04:30

Dự thảo Quy hoạch điện VIII cần làm rõ 2 vấn đề then chốt, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện, đó là nguồn vốn và lộ trình tiến tới “thị trường điện cạnh tranh”.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII (QHĐ VIII) đang được cơ quan chức năng lấy ý kiến của các chuyên gia. Tuy nhiên, sau nhiều lần sửa đổi bổ sung, các chuyên gia năng lượng nhận định dự thảo vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn và xây dựng chính sách. Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, kiêm chủ tịch Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA).

Bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc GreenID, kiêm chủ tịch Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam

Bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc GreenID, kiêm Chủ tịch Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam.

- Bà có nhận định như thế nào về tiến trình xây dựng và điều chỉnh Quy hoạch điện VIII?

Theo dõi suốt tiến trình xây dựng và điều chỉnh QHĐ VIII vừa qua, tôi nhận thấy quá trình lập quy hoạch được chuẩn bị công phu với nhiều đợt tham vấn, giải trình, chỉnh sửa. Lần này, tôi thấy đã có những điểm mới so với bản trình tháng 3/2021 gồm: thứ nhất, cắt giảm tổng công suất nguồn điện trong cả 2 giai đoạn của thời kỳ quy hoạch; thứ hai, tăng cường kiểm soát và giám sát thực hiện Quy hoạch; thứ ba, thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo phân tán và tập trung cân bằng phụ tải nội vùng để hạn chế truyền tải từ xa.

- Tuy vậy, các chuyên gia năng lượng cho rằng dự thảo vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn và xây dựng chính sách. Theo bà, đâu là những vấn đề tồn tại trong dự thảo QHĐ VIII?

Những vấn đề tồn tại lớn mà các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được VSEA tập hợp, góp ý trong 3 lần kiến nghị trước đây vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, bản thảo lần này thể hiện “những bước lùi” khi tăng thêm khoảng 3.000MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030. Trong khi, lộ trình “điện cạnh tranh” chưa rõ ràng, bố trí nguồn lực thực hiện Quy hoạch, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư chưa thuyết phục.

Dự thảo có phần đi ngược lại quan điểm xuyên suốt được xác định trong Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng”.

Việc tập trung các nguồn điện truyền thống này cho lưới điện hiện tại chỉ nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện mà làm mất đi cơ hội bắt nhịp và hòa nhập, tạo xung lực cho nền kinh tế năng lượng tiên tiến và phát triển xanh của quốc gia.

- Vậy, để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển mới, tiếp nối với những góp ý trước đó, bà có những kiến nghị cho bản dự thảo QHĐ VIII ra sao, thưa bà?

Chúng tôi có một số kiến nghị cụ thể. Thứ nhất, QHĐ VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo, tránh bị những trở ngại của năng lượng tái tạo vừa qua cản trở định hướng này. Thay vì cắt giảm mạnh nguồn điện sạch từ năng lượng tái tạo (NLTT), tăng nguồn điện than nguy cơ gây ô nhiễm với nhiều hệ lụy, cần ưu tiên chính sách để tạo ra hệ sinh thái cho phát triển năng lượng tái tạo bền vững, với chi phí giá thành ngày càng cạnh tranh. Chỉ khi có “lộ trình điện cạnh tranh rõ ràng” với cơ chế, chính sách đồng bộ, thì ngành công nghiệp non trẻ này của Việt Nam mới phát triển, công nghệ hiện đại được áp dụng, doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp các dịch vụ nhiều hơn từ thiết kế, xây lắp, vận chuyển, vận hành, bảo trì… có những đóng góp quan trọng vào chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai, những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế như điện gió, điện mặt trời, điện rác…

Thứ ba, để tạo điều kiện khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, QHĐ VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường. Công nghệ lưu trữ ngày càng rẻ, cần có chính sách tạo điều kiện kết hợp với nắm bắt công nghệ tiên tiến của thế giới để bộ đôi năng lượng tái tạo và lưu trữ ở quy mô lớn, trung bình, nhỏ tham gia vận hành ngành điện trong tương lai.

Và thứ tư không thể thiếu, đó là Dự thảo QHĐ VIII cần tiếp tục làm rõ 2 vấn đề then chốt, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện là: Bố trí nguồn vốn và định hướng cơ bản phân kỳ vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch và Lộ trình tiến tới “thị trường điện cạnh tranh” theo Nghị quyết 55-NQ/TW và lộ trình, tiến độ hoàn thiện lưới truyền tải điện quốc gia, vùng miền thực hiện Quy hoạch.

Năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, phát triển

Năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, phát triển

- Phương án phụ tải cơ sở năm 2030 trong Dự thảo mới sau rà soát sẽ giảm 8.170MW nguồn điện NLTT và tăng 3.076 MW nhiện điện than, ý kiến của bà về điểm này như thế nào?

Cơ cấu nguồn điện tăng nhiệt điện than, giảm năng lượng tái tạo so với bản thảo tại Tờ trình 1682. Điều này trái ngược với mục tiêu, quan điểm và giải trình của Dự thảo và không phản ánh được tinh thần của Nghị quyết 55-NQ/TW, các cam kết quốc tế, phát ngôn của lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, xu hướng chung trên thế giới chuyển dịch năng lượng bền vững từ “nâu” sang “năng lượng xanh, sạch” và thực tiễn tiềm năng to lớn của các nguồn NLTT cần được đầu tư, khai thác.

Xuyên suốt trong Tờ trình và Dự thảo Quyết định đều nhấn mạnh quan điểm, mục tiêu, và định hướng phát triển nguồn điện “giảm điện than, ưu tiên, đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện”, “phát triển nguồn điện phân tán”, “ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nổi”. Tuy nhiên phần cơ cấu và dự kiến phát triển các nguồn điện không phản ánh điều đó.

Tôi cho rằng tính khả thi của những dự án này cần được đánh giá lại dựa trên khả năng tiếp cận vốn trong thực tế, quá trình phát triển những dự án này trong quá khứ và những thay đổi lớn gần đây của ngành than. Tiếp tục phát triển thêm điện than đồng nghĩa với tăng nguy cơ và rủi ro cho sức khỏe cộng đồng vì đây là nguồn điện phát thải các chất gây ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe con người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa ô nhiễm không khí với gia tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19.

So với Dự thảo trước tại tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/03/2021, tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống giảm 7688 MW vào năm 2030 và 15046 MW vào năm 2045, nhưng sự cắt giảm công suất chủ yếu diễn ra với năng lượng tái tạo trong khi lại tăng công suất điện than.

Ngoài ra, dự thảo lần này đã tăng công suất thủy điện (2030: 612 MW, 2045: 3305 MW) để bù cho phần giảm của điện gió, mặt trời, và sinh khối, nhờ vậy tăng tính phù hợp với chỉ tiêu của Nghị quyết 55-NQ/TW. Tuy vậy, chỉ có chỉ tiêu năm 2030 đạt, việc giảm mạnh công suất năng lượng tái tạo vào năm 2045 khiến tổng năng lượng tái tạo toàn ngành năng lượng trong kịch bản cơ sở chỉ đạt 71,2 TOE, thấp hơn so với chỉ tiêu cận dưới của Nghị quyết 55-NQ/TW (76 TOE).

Trong cơ cấu công suất nguồn điện năm 2030 và 2045, khác với những quy hoạch trước quy hoạch lần này đưa ra tỷ lệ các nguồn theo một khoảng gồm cận dưới và cận trên thay vì một con số tỷ lệ cụ thể. Ví dụ năm 2030, điện than chiếm 28,3 – 31,2%, năng lượng tái tạo chiếm 24,3 – 25,7%. Tuy nhiên bảng công suất chi tiết các loại nguồn cho thấy với điện than cận trên được lựa chọn (31,2%), trong khi với năng lượng tái tạo lại sử dụng cận dưới (24,3%).

Trong 10 năm chính của QHĐ VIII (2021-2030), công suất năng lượng tái tạo được phát triển chủ yếu là phần kế thừa của công suất đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, gần như không phê duyệt thêm mới trong 10 năm tới.

- Vai trò của nguồn NLTT được nhìn nhận như thế nào trong dự thảo QHĐ VIII, thưa bà?

Dự thảo QHĐ VIII chưa nhìn nhận đúng mức về vai trò của nguồn năng lượng tái tạo vì thế chưa đưa ra các giải pháp hiệu quả để khai thác nguồn năng lượng có chi phí nhiên liệu không đồng này. Cần nhận định một cách công bằng rằng do hệ thống lưới không đáp ứng được nên nguồn năng lượng tái tạo phải tiết giảm công suất, dẫn tới sản lượng điện không được như khả năng phát. Ngoài ra việc cắt giảm hiện nay là do quy hoạch về nguồn và lưới đã không được tính toán đúng trong giai đoạn trước đó.

Trong khi đó, lợi ích về tạo việc làm khi phát triển năng lượng tái tạo chưa được đánh giá trong dự thảo quy hoạch điện. Theo kết quả nghiên cứu gần đây nếu phát triển năng lượng tái tạo thì sẽ tạo ra số lượng việc làm gấp đôi trên cùng 1 công suất so với điện than. Tạo việc làm cho người dân trong quá trình phục hồi sau đại dịch là một vấn đề bức thiết. Nếu tiếp tục thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nhất là các giải pháp phân tán thì có thể góp phần tạo ra nhiều việc làm ở các địa phương và hạn chế vấn đề di dân.

Việc kìm hãm sự phát triển của NLTT trong thời gian tới là giải pháp dễ thực hiện cho nhà vận hành hệ thống điện nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu nhất. Bởi lẽ: Thứ nhất, với sự cải tiến nhanh về công nghệ trong thời gian qua, điên mặt trời ở Việt Nam đã cạnh tranh được với giá thành sản xuất điện than vào năm 2021, trong khi đó điện gió được dự báo sẽ cạnh tranh với điện than mới vào năm 2025.

Thứ hai, các lo ngại hiện nay về việc điện mặt trời phát điện 6-7 tiếng vào ban ngày gây quá tải cục bộ lưới điện sẽ được khắc phục nếu đồng thời áp dụng các nhóm giải pháp gồm: Bán điện tại chỗ (DPPA) cho các nhà máy (hộ tiêu thụ điện lớn) tại nơi sản xuất điện; Áp dụng công nghệ thông minh (Smart) trong quản lý, điều hành lưới điện; Nâng cấp lưới điện; Cho tư nhân tham gia xây dựng lưới điện như NQ 55 TW đã nêu; Tổ chức đấu thầu công khai minh bach chọn nhà đầu tư điện mặt trời; Vạch lộ trình áp dụng công nghệ mới, chuyển từ công nghệ điện mặt trời quang học hiện nay sang điện mặt trời nhiệt học, cho phép phát điện 24/24,...

bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc GreenID, kiêm chủ tịch Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam

Bà Nguỵ Thị Khanh, cho rằng việc kìm hãm sự phát triển của NLTT trong thời gian tới là giải pháp dễ thực hiện cho nhà vận hành hệ thống điện nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu nhất. 

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ tích trữ trong thời gian qua là giải pháp cho vấn đề năng lượng tái tạo không ổn định. Theo Phòng thí nghiệm quốc gia năng lượng tái tạo - NREL, giá pin tích trữ giảm rất nhanh, từ 2010 đến 2020 giảm khoảng 80%. Giá tích trữ điện bằng pin hiện nay ở mức khoảng từ 10,8 đến 14 cent/kWh4, rẻ hơn cả giá tích trữ bằng thủy điện tích năng, khoảng 20 cent/kWh. Dự báo đến năm 2030, giảm còn khoảng 55% và đến năm 2050 chỉ còn khoảng 40% so với hiện nay5. Hiện tại Dự thảo chưa xem xét tới công nghệ này trong giai đoạn 2021-2030, và đưa vào một số lượng nhỏ sau 2030. Điều này sẽ khiến Việt Nam tụt lại ở phía sau so với thế giới về phát triển năng lượng tái tạo.

Thứ ba, xử lý môi trường sau dự án là không đáng ngại vì các nhà khoa học đã tính toán hầu hết các nguyên vật liệu của tấm “pin” quang học hiện nay có thể tái chế chứ nó không gây ô nhiễm như acqui hay pin thông thường vì hàm lượng chì quá lớn. Tấm pin quang học không có thành phần này. Tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ tấm pin mặt trời ngay từ bây giờ. Nhìn ở góc độ kinh tế tuần hoàn thì đây có thể trở thành cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp tái chế tấm quang điện trong tương lai. Tận dụng tài nguyên sẵn có sẽ giúp ta chủ động phát triển kinh tế giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu điện hiện nay.

- Có nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo không phản ánh được nguyện vọng của các bên liên quan bao gồm người dân, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học độc lập, đối tác phát triển…?

Ưu tiên phát triển mạnh NLTT, không phát triển thêm điện than mới là nguyện vọng của người dân và chính quyền ở nhiều địa phương. Việc từ chối tiếp nhận, để xuất dừng dự án hoặc chuyển đổi nhiên liệu của một loạt địa phương trong thời gian qua như Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Ninh đã cho thấy rõ sự không ủng hộ điện than. Tuy nhiên, các dự án nhiệt điện ở Nghệ An và Hà Tĩnh hiện vẫn nằm trong dự thảo quy hoạch lần này.

Đối với khối doanh nghiệp, cơ chế ưu đãi đã giúp thị trường điện mặt trời ở Việt Nam phát triển bùng nổ từ con số 0 lên khoảng 17.000MW trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, với dự thảo như hiện tại thì ngành điện mặt trời ở Việt Nam vừa mới khởi sắc đã lập tức bị bóp nghẹt. Quy hoạch chỉ phát triển 2000 MW điện mặt trời trong vòng 10 năm tới (tương ứng 200MW/năm) sẽ thu hẹp thị trường khiến hàng loạt doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trong lĩnh vực này chết yểu. Doanh nghiệp tư nhân nào có thể đủ sức chờ đợi để đầu tư lại vào điện mặt trời sau 10 năm nữa?

Các tổ chức khoa học độc lập và nhiều đối tác phát triển đã nỗ lực đóng góp trí tuệ và nguồn lực để hỗ trợ Việt Nam phát triển mạnh năng lượng tái tạo, dừng phát triển điện than mới. Nhưng Dự thảo hiện tại rõ ràng cho thấy Việt Nam vẫn tiếp tục xây dựng điện than mới cho tới tận 2035, trong khi nhiều quốc gia đang chuyển dịch nhanh sang phát thải ít các bon. Ví dụ như Indonesia dù là nước xuất khẩu than nhưng đã cam kết sau 2023 sẽ không xây dựng thêm nhà máy điện than mới.

Tiếp tục phát triển thêm điện than đồng nghĩa với tăng nguy cơ và rủi ro cho sức khỏe cộng đồng vì đây là nguồn điện phát thải các chất gây ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe con người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa ô nhiễm không khí với gia tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19.

Xin cảm ơn bà.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Bộ Công Thương chưa thể trình Đề án Quy hoạch điện VIII?

    Vì sao Bộ Công Thương chưa thể trình Đề án Quy hoạch điện VIII?

    11:15, 18/06/2021

  • Quy hoạch điện VIII: Cần nâng tỷ trọng điện gió

    Quy hoạch điện VIII: Cần nâng tỷ trọng điện gió

    13:00, 09/06/2021

  • Quy hoạch điện VIII chưa phù hợp thực tiễn

    Quy hoạch điện VIII chưa phù hợp thực tiễn

    11:00, 07/06/2021

  • Quy hoạch điện VIII: Vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn cần

    Quy hoạch điện VIII: Vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn cần "tháo gỡ"

    05:00, 04/06/2021

KHÁNH LINH