Tạo sức bật cho kinh tế tư nhân: (Kỳ 1) Có “lớn” nhưng chưa mạnh
Kinh tế tư nhân ngày càng quan trọng và đã góp phần tạo vị thế, diện mạo mới cho Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này vẫn rất cần có những chính sách mang tính động lực để tạo đà phát triển bật lên.
Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng đáng kể, đặc biệt trong giai đoạn 2015 - 2020 có hơn 735.000 doanh nghiệp thành lập mới (trung bình 122.500 doanh nghiệp/năm). Trong 9 tháng năm 2021 mặc dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn có 85.483 doanh nghiệp thành lập mới.
TS Nguyễn Thị Luyến - Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết kinh tế tư nhân đóng góp tới 40% GDP, đóng góp vào ngân sách nhà nước nhiều hơn cả khu vực DNNN và khu vực FDI. Năng lực của khu vực kinh tế tư nhân đã được cải thiện trong thời gian qua.
Trong giai đoạn dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã kịp thời thích ứng, nắm bắt cơ hội để tìm hướng đi mới, ứng dụng các giải pháp công nghệ, cơ cấu lại sản xuất, sản phẩm và đứng vững trong đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bà Luyến chỉ ra rằng năng lực của khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế. Năng lực cạnh tranh thấp với năng lực nội tại yếu, chậm được cải thiện. Khu vực kinh tế tư nhân đông về số lượng nhưng chủ yếu quy mô nhỏ, siêu nhỏ, thiếu vắng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa; trình độ công nghệ, trình độ quản trị không cao, khả năng liên kết, hợp tác kinh doanh hạn chế, năng lực tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn yếu; hiệu quả hoạt động còn thấp và chưa đồng đều. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự tương ứng với số lượng, quy mô và chưa phản ánh đúng tiềm năng. Năng lực chống chịu trước “cú sốc” đại dịch Covid-19 còn hạn chế. Tình trạng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh trở nên phổ biến.
Chỉ ra nguyên nhân khiến khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, bà Luyến cho rằng có cả nguyên nhân nội tại và nguyên nhân từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. “Thực tế, những yếu kém trong nội tại vừa là hạn chế vừa là nguyên nhân cản trở quá trình nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Đáng chú ý, vẫn còn những cơ chế, chính sách làm cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh “ngại” lớn. Chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả hoặc chậm thực hiện, doanh nghiệp khó tiếp cận. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, điều hành thiếu nhất quán, đặc biệt ở địa phương trong giai đoạn dịch Covid-19, môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, tình trạng phân biệt đối xử vẫn diễn ra”, bà Luyến cho biết.
Thực tế bị phân biệt đối xử là tình trạng được khá nhiều doanh nghiệp và chuyên gia thừa nhận, đặc biệt là vẫn chưa có được sự bình đẳng so với khu vực DNNN và khu vực FDI khi 2 khu vực này vẫn có được nhiều ưu tiên ưu đãi hơn. Nói về tình trạng này, PGS.TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã thẳng thắn nhận xét dù đã lớn và trưởng thành, song khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa thể vượt qua cái “bóng” khổng lồ của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ông Thiên phân tích cụ thể hơn rằng, chính sách vẫn có sự không nâng đỡ khu vực tư nhân đúng mức. Có rất nhiều chính sách rất mạnh hỗ trợ khối các doanh nghiệp FDI, thì doanh nghiệp tư nhân lại không có. Khu vực FDI nhận được nhiều ưu đãi, nhận được chính sách cởi mở trong khi tiềm lực của họ đã mạnh hơn doanh nghiệp Việt rất nhiều.
TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng của CIEM cũng cho rằng, rất cần có sự ứng xử công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các khu vực. “Đáng buồn là đến nay vẫn có tâm lý không để doanh nghiệp tư nhân lớn. Cứ nhìn với con mắt nhỏ, nhìn ở tầm vừa và nhỏ nên bản thân chính doanh nghiệp cũng sợ lớn. Phải có tư duy làm lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn, phát triển nhiều tập đoàn mạnh hơn thì đất nước mới phát triển được”, ông Bá nhấn mạnh.
Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam (CPSD), do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện, cho thấy trong khi khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua, tiềm năng của khu vực này cần được tiếp tục khai thác mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất để Việt Nam có thể đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
“Khu vực kinh tế tư nhân đã giúp đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ những nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ, và khi quốc gia này đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo thì phải đối mặt với đại dịch COVID-19,” bà Kim-See Lim, Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC cho biết.
“Với làn sóng COVID-19 hiện nay, Việt Nam càng nhất thiết phải thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động, đa dạng, và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm”.
Kỳ 2: Xử lý tận gốc những vấn đề cũ
Có thể bạn quan tâm
Tìm động lực cho kinh tế tư nhân
11:30, 17/03/2021
HÀNH TRÌNH KINH TẾ TƯ NHÂN: (Kỳ II) Phân định rõ vai trò của nhà nước
04:00, 17/03/2021
HÀNH TRÌNH KINH TẾ TƯ NHÂN: (Kỳ I) Thời kỳ "ngược sóng"
11:00, 16/03/2021
“Đừng quản lý kinh tế tư nhân bằng mọi giá”
04:50, 13/03/2021
Giải phóng nguồn lực từ kinh tế tư nhân
16:15, 12/03/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 13): Luật Doanh nghiệp và động lực của kinh tế tư nhân
04:55, 09/03/2021
Kinh tế tư nhân: Phát triển kì diệu và thúc đẩy nâng cao bình đẳng giới
06:20, 08/03/2021
Thủ tướng “đối thoại 2045”: Không biến các cơ chế hỗ trợ kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm”
19:57, 06/03/2021