Chuyên gia cho rằng, trong nhiều trường hợp vai trò của Nhà nước, thị trường và mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường còn nhiều bất cập do chưa phân định rõ chức năng Nhà nước - thị trường.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong nhiều trường hợp vai trò của Nhà nước, thị trường và mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường còn nhiều bất cập do chưa phân định rõ chức năng Nhà nước - thị trường. Nói như TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: “Nhà nước vẫn “ôm giữ” nhiều chức năng mà thị trường đảm nhiệm hiệu quả hơn như: phân bổ vốn; quản trị doanh nghiệp, trong khi chưa chú ý đúng mức đến những chức năng xây dựng và thực thi khung khổ quản lý nhà nước, cung cấp hàng hóa và dịch vụ công, hỗ trợ phát triển… Trong khi, đó mới chính là chức năng của Nhà nước”.
Theo dữ liệu Chỉ số quản trị toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, năm 2019, chỉ số hiệu lực hoạt động của chính quyền ở mức khá thấp, đạt 53,85 điểm, chỉ tăng nhẹ so với mức điểm 53,37 của năm 2017. Nhìn chung, thứ hạng của Việt Nam trong những năm qua thấp hơn nhiều so với các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei.
Chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện, song thứ hạng liên tục giảm trong 2 năm 2018-2019, mỗi năm giảm 1 bậc. Trong ASEAN, Việt Nam vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei. “Chúng ta có tiến, nhưng chậm hơn các nền kinh tế khác thì có nghĩa là bị thụt lùi!”, TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.
Đặc biệt, bình luận về sự thay đổi của tư duy coi Nhà nước là một chủ thể đứng trên, quản lý và bao trùm thị trường và xã hội sang phương châm “doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm", TS Nguyễn Đức Kiên nhận định đây là một bước tiến lớn trong quy định pháp luật ở nước ta.
“Thế nhưng, kết quả triển khai chưa được như chúng ta mong muốn. Một ví dụ điển hình là các điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý vẫn là một trở ngại lớn. Chỉ có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng vẫn đang có tới gần 6.200 điều kiện kinh doanh. Trong khi đó, chính lĩnh vực này thể hiện rất rõ sự khác biệt giữa một nhà nước quản lý bằng mệnh lệnh hành chính với nhà nước kiến tạo phát triển mà chúng ta đang hướng đến. Rõ ràng có nhiều vấn đề, từ tư duy cho đến năng lực và kỹ thuật quản lý nhà nước cần tiếp tục thay đổi”, TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.
Tại Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” do Bộ KH&ĐT xây dựng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị bám sát yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; xác định lại tên của Đề án là “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.
Làm rõ hơn các kết quả đạt được và rào cản, hạn chế trong phát triển kinh tế tư nhân của giai đoạn 2016-2020, xác định cụ thể các nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong phát triển kinh tế tư nhân thời gian vừa qua, nhất là những vấn đề chậm triển khai thực hiện theo yêu cầu đặt ra.
Bám sát các quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước tại các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước; phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế (biến động nhanh, phức tạp; tác động của thiên tai, dịch bệnh; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ…).
Bảo đảm mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, tôn trọng quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm các quyền về tài sản, quyền kinh doanh hợp pháp, quyền con người, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực, niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lồng ghép các quan điểm, nội dung và giải pháp của Đề án vào các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Còn nữa...
Có thể bạn quan tâm
11:00, 16/03/2021
04:50, 13/03/2021
16:15, 12/03/2021
04:55, 09/03/2021