Hải Phòng: Định hướng và chọn phát triển theo mô hình kinh tế nào đến năm 2030?
Theo tư vấn, Hải Phòng sẽ định hướng và mô hình phát triển đến năm 2030 gồm 7 nhóm vấn đề lớn.
Theo đề xuất định hướng xây dựng mô hình phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2030 được Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright xây dựng bao gồm 7 nhóm vấn đề lớn: khai thác tối đa ưu thế cảng biển cửa ngõ quốc tế; kết nối thị trường trong và ngoài nước; phát triển nhân lực chất lượng cao; xây dựng hạ tầng hiện đại; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền năng động, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; có đô thị hiện đại và hấp dẫn…
"Biết người, biết mình"
Theo đó, để xác định được các định hướng chiến lược, mô hình phát triển trong một thập niên tới, đại diện trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, Hải Phòng cần hiểu rõ năng lực cạnh tranh hay sức hút của mình so với các địa phương trong vùng kinh tế động lực phía Bắc nói riêng, đối thủ cạnh tranh nói chung; những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của mình để từ đó đưa ra những lựa chọn và hướng đi mang tính chiến lược có tính khả thi cao. Từ đó, nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính.
Thứ nhất, định vị vị trí và năng lực cạnh tranh của thành phố Hải Phòng so với 10 địa phương có năng lực cạnh tranh và vị trí tốt nhất Việt Nam gồm: 4 thành phố trực thuộc Trung ương cùng với Hải Phòng là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và Đà Nẵng; 3 địa phương có sức bật nhanh trong vùng động lực phía Bắc là Bắc Ninh, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc; 3 địa phương trong vùng động lực phía Nam là Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai.
Thứ hai, phân tích những nguyên nhân làm cho kết quả phát triển chưa được như kỳ vọng của Hải Phòng và chỉ ra các nhân tố quyết định có thể dẫn đến thành công đối với Hải Phòng.
Thứ ba, gợi ý các định hướng và mô hình phát triển đến năm 2030 cho thành phố Hải Phòng. Các đề xuất được đưa ra gồm 7 nhóm vấn đề lớn bao gồm: khai thác tối đa ưu thế cảng biển cửa ngõ quốc tế; kết nối thị trường trong và ngoài nước; phát triển nhân lực chất lượng cao; xây dựng hạ tầng hiện đại; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền năng động, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; có đô thị hiện đại và hấp dẫn…
Điều đáng chú ý là gợi ý các định hướng của tư vấn đưa ra cho Hải Phòng xây dựng mô hình kinh tế đến năm 2030 theo đúng mục tiêu Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đề ra. Trong đó, chú trọng theo hướng phát triển kinh tế biển và công nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, du lịch cũng được xác định là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế cho Hải Phòng lại không được tư vấn đề cập đến trong các nhóm vấn đề lớn.
Cần lối đi riêng
Trong 50 năm qua, sự phát triển của Hải Phòng có nhiều thăng trầm. Có giai đoạn bứt phá mạnh mẽ nhưng có giai đoạn trầm lắng. Đáng chú ý, từ vị trí thứ 3 về kinh tế của cả nước, Hải Phòng hiện ở vị trí thứ 5. Trong khi đó, khát vọng phát triển của Hải Phòng được thể hiện cụ thể trong Nghị quyết số 45 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để có bước phát triển “thần tốc”, Hải Phòng đã tìm cho mình lối đi riêng. Đó là việc đề xuất các cơ chế đặc thù để phát triển riêng cho thành phố.
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách. Trong đó, mô hình Khu thương mại tự do được kỳ vòng là cơ chế đột phá mang lại cho Hải Phòng một bước tiến thần tốc.
Khu thương mại tự do là mô hình kinh tế khá phổ biến trên thế giới. Trong đó, về nguyên tắc, các quốc gia thiết lập Khu thương mại tự do như một công cụ, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy và thuận lợi hóa thương mại. Tựu trung, bản chất là xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh trên một khu vực nhất định, thông thường là gần cảng biển, cảng hàng không hay khu vực biên giới gắn với cơ chế, chính sách vượt trội, thuận lợi hơn, ưu đãi cao hơn so với phần còn lại của quốc gia.
Hải Phòng hội đủ 2 điều kiện tiên quyết để có thể xây dựng thành công Khu thương mại tự do ở Việt Nam. Thứ nhất, Hải Phòng có vị trí địa kinh tế chiến lược với cảng biển nước sâu quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, kết nối dễ dàng với khu vực và quốc tế. Thứ hai, Hải Phòng có lợi thế "hậu phương công nghiệp" vững vàng, tiềm năng lớn gồm các KCN và Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với những doanh nghiệp chế tác, chế tạo, lắp ráp linh kiện điện - điện tử.
Mặc dù có nhiều ý kiến nghiên cứu kỹ về mô hình Khu thương mại tự do. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là kỳ vọng có thể làm thay đổi nhanh chóng Hải Phòng.
Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết để đạt được các mục tiêu trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, thành phố phải có những bước đi đột phá. Vì vậy, Hải Phòng đã mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, đánh giá về sự phát triển của thành phố để từ đó có thể chỉ ra những cơ hội, thách thức của thành phố trong quá trình thực hiện đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 45 đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội
05:00, 08/11/2021
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nêu 5 nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế
03:00, 07/11/2021
Hải Phòng: Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế đến năm 2030
09:16, 30/10/2021
Chủ tịch nước: Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề quan trọng
20:06, 29/10/2021