Tăng điều tiết ngân sách để địa phương phục hồi kinh tế
Đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, chiều 8/11.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, hơn 6 tháng qua, “cơn bão” COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã tạo ra những sóng gió, thử thách chưa từng có trên đất nước ta, gây ra những hệ lụy, làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Căng mình trong “cơn sốt” COVID
Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch xâm nhập sâu và diễn biến phức tạp tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn, nhất là TP. HCM và một số tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Những tác động của dịch đã thể hiện rõ trong bức tranh kinh tế của các tỉnh thành này.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, GRDP của TP. HCM giảm 4,98% và tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 17,4% so với cùng kỳ. Tại Đồng Nai, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ chỉ tăng 1,12%, thu hút vốn đầu tư trong nước chỉ bằng 52% so với cùng kỳ, gần 900 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động và giải thể.
Tại Bình Dương, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ chỉ tăng 1,9%, đã có 435 doanh nghiệp giảm vốn và giải thể. Dự báo, các tỉnh, thành này đều không đạt được kế hoạch tăng GRDP của năm 2021. Cùng với đó, là sự thiếu hụt lao động.
Ngoài thiệt hại về kinh tế, có thể nói các tỉnh, thành này vừa trải qua cơn bạo bệnh, căng mình trong “cơn sốt cao” kéo dài nhiều tháng. Do đó, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Từ đó, giúp các địa phương có nguồn lực phục hồi kinh tế bởi đây là những nơi bị dịch bệnh tàn phá nặng nề nhất. Khi tỷ lệ điều tiết được nâng lên, các tỉnh thành này sẽ có nguồn lực để phục hồi, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đồng thời, chủ động ứng phó với các tác động khác.
Quyết sách này cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ hiện có và các gói kích thích kinh tế ban hành sẽ giúp các địa bàn kinh tế trọng điểm phục hồi về kinh tế, tạo tác động lan tỏa và kéo theo tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Nam cũng như cả nước.
“Song song với đó, các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế số, tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối liên vùng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, đặc biệt là tạo điểm tựa cho hàng triệu lao động nhập cư”, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng nói.
Phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương
Để tạo điều kiện cho một tỉnh, một vùng có thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn), cần một hệ thống cơ chế, thể chế hoàn chỉnh, thống nhất và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, đặc biệt về các lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp, đầu tư.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy có những quy định thật sự là trở ngại cho địa phương trong quá trình phát triển. Cụ thể, Luật Lâm nghiệp quy định Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ dưới 20ha, rừng sản xuất dưới 50ha và không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt.
Tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP, Chính phủ phân công Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích rừng tự nhiên đối với các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác quy định tại Khoản 2, Điều 14 Luật lâm nghiệp. Như vậy, việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ không phân biệt diện tích.
Đối với các tỉnh miền núi có diện tích rừng và đất rừng chiếm tỷ lệ lớn, quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông không tránh khỏi việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó có rừng tự nhiên.
Thời gian thực hiện thủ tục kéo dài qua nhiều bộ, ngành có liên quan tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư, vượt thời gian thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.
Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi và chủ động cho địa phương, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị phân cấp, ủy quyền cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh về nội dung này như sau.
Đối với các công trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác không phân biệt quy mô diện tích. Đối với các công trình dự án khác giao Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên dưới 20ha.
Có thể bạn quan tâm
Còn bộ phận cán bộ chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch
10:54, 08/11/2021
Tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu
11:30, 08/11/2021
Cần quan tâm phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái
11:01, 08/11/2021
Chỉ tiêu giảm nghèo vẫn thách thức rất lớn
10:36, 08/11/2021
Thiết kế các gói kích thích kinh tế có liều lượng hợp lý
12:00, 08/11/2021