Thiết kế các gói kích thích kinh tế có liều lượng hợp lý

NGUYỄN VIỆT 08/11/2021 12:00

Phải có các gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp, có hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp. 

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường, sáng 8/11. Theo đại biểu Trịnh Xuân An, doanh nghiệp được ví như “linh hồn” của nền kinh tế, do đó cần sự quan tâm nhiều hơn nữa.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai).

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai).

Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn còn cao, chưa hài hòa với khó khăn của doanh nghiệp và người dân; doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi.

Vai trò của Ngân hàng đối với các doanh nghiệp cần phải đáng giá kỹ hơn, nhất là khi mà đầu vào đang có xu hướng cái gì cũng tăng giá. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí cao.

“Gói vay không lãi suất 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương đến ngày 31/7/2020 khi kết thúc giải ngân, chưa có đơn vị nào tiếp cận được”, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ nhất trí tiếp tục chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với nguyên tắc xuyên suốt đó là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu và điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bởi thực tế đã cho thấy, chống dịch và duy trì phát triển kinh tế là hai “mặt trận” song hành. Việc phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch, ngược lại nếu không có nền tảng kinh tế thì không có lực để chiến đấu với dịch bệnh.

“Trong điều hành cần đặc biệt chú trọng công tác dự báo, không để bị động, bất ngờ. Việc chuyển trạng thái là cần thiết nhưng cần tránh tâm lý chủ quan, lúc quá tả, lúc quá hữu”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn).

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn).

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn), nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và an sinh cho đến nay đã gần 100.000 tỷ là con số rất lớn. Ngân sách Nhà nước thời gian qua đã phải căng ra để lo cho chi chống dịch.

Do đó cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, chống gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi… tiết kiệm ngay từ khi lập, giao và thực hiện dự toán. Trong lúc này, chúng ta phải thực sự tiết kiệm, thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng".

Vẫn theo đại biểu tỉnh Đồng Nai, cần có cơ chế để huy động tối đa nguồn lực từ xã hội, từ người dân vào hoạt động kinh tế. Triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất nhất là ở các địa phương trọng điểm nhằm tháo gỡ các khó khăn giúp doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng.

Có các chính sách hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ hơn để không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động, chuyên gia; thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc một cách an toàn để không xảy ra tình trạng “người nghèo lại phải nuôi người nghèo”.

Có thể bạn quan tâm

  • Còn bộ phận cán bộ chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch

    Còn bộ phận cán bộ chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch

    10:54, 08/11/2021

  • Tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu

    Tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu

    11:30, 08/11/2021

  • Cần quan tâm phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái

    Cần quan tâm phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái

    11:01, 08/11/2021

  • Chỉ tiêu giảm nghèo vẫn thách thức rất lớn

    Chỉ tiêu giảm nghèo vẫn thách thức rất lớn

    10:36, 08/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thiết kế các gói kích thích kinh tế có liều lượng hợp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO